Đặc quyền xe "biển xanh" đưa đón lớn lắm, khó mà từ bỏ!

(Dân trí) - Lợi ích cho ngân sách Nhà nước với chính sách khoán xe công là thấy rõ. Tuy nhiên, sau quyết định mang tính "nêu gương" của Bộ Tài chính liệu có cơ quan nào khác sẽ tiếp tục triển khai áp dụng? Theo nhận định ban đầu của giới chuyên gia, đây vẫn là vấn đề nhạy cảm vì từ bỏ xe biển xanh có thể khiến lãnh đạo gặp không ít phiền hà, dễ "mất oai".

Như đã đưa tin, hôm qua (21/9), Bộ trưởng Tài chính đã ra quyết định định áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công cho các Thứ trưởng và Tổng cục trưởng trực thuộc bộ này.

Theo đó, 6 vị Thứ trưởng của Bộ Tài chính sẽ nhận được mức khoán hàng tháng, cao nhất là 9,9 triệu đồng và thấp nhất là 3,96 triệu đồng, phụ thuộc vào khoảng cách từ nhà đến cơ quan.

Như vậy, Bộ Tài chính - cơ quan nắm ngân khố quốc gia, là đơn vị đầu tiên trong bộ máy Chính phủ áp dụng chính sách khoán xe công đưa đón. Trước đó, Văn phòng Quốc hội cũng đã từng áp dụng mức khoán tới 10 triệu đồng/tháng tuy nhiên trên tinh thần tự nguyện và chỉ có 1-2 người đăng ký.

Việc từ bỏ đặc quyền xe công là không dễ (ảnh minh họa: Bích Diệp)
Việc từ bỏ đặc quyền xe công là không dễ (ảnh minh họa: Bích Diệp)

Trao đổi với phóng viên Dân Trí, chuyên gia kinh tế về tài chính công Đinh Tuấn Minh cho rằng, việc chuyển sang cơ chế khoán tức là đã tạo được sự minh bạch hơn, rõ ràng hơn trong việc xác định chi phí đi lại cho một vị Thứ trưởng được đưa đón. Chính sách khoán như vậy là hợp lý. Bộ Tài chính đã đóng vai trò "nêu gương" cho các cơ quan, đơn vị khác trong bộ máy công quyền.

Tuy nhiên, ông Minh cũng bày tỏ băn khoăn, nếu thực hiện việc khoán xe từ nhà đến cơ quan như trên thì việc tổ chức và chi phí đi lại cho các vị Thứ trưởng trên cho những phát sinh như họp hành, công tác ở những địa điểm khác sẽ được giải quyết ra sao? Nếu đến cơ quan rồi mới dùng xe công của bộ thì khá rắc rối, còn nếu tự túc kinh phí thì có tính vào công tác phí hay không?

"Nhưng ngay cả như thế thì cũng đã giảm chi phí đáng kể so với việc nuôi một xe chuyên phục vụ một người. Bởi ngoài tiền mua xe, nâng cấp xe thì còn chi phí xăng xe, gửi xe, bảo dưỡng định kỳ, lương bổng cho lái xe.... rất tốn kém", vị chuyên gia nhận định.

Theo Cục Quản lý công sản, hiện nay, cả nước có khoảng 40.000 xe công tiêu tốn ngân sách gần 13.000 tỷ đồng mỗi năm và chi phí cho mỗi chiếc xe công hàng năm trung bình là 320 triệu đồng. Tính ra, mỗi tháng, chi phí bình quân cho 1 xe công là trên 26 triệu đồng/tháng (lưu ý là mức tính bình quân này áp dụng cho nhiều loại xe, bao gồm cả xe chuyên dùng nên chi phí cho xe chức danh thực tế có thể cao hơn).

Nếu tính toán bằng số liệu cụ thể dựa trên mức bình quân trên, một năm riêng 6 Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận khoán xe công đã tiết kiệm cho dân được gần 1,4 tỷ đồng, công thức tính như sau: (320 triệu đồng x 6 xe)- ((9,9 triệu đồng x 3) + (5,28 triệu đồng x 2) + 3,96 triệu đồng))x12 = 1,39 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Đinh Tuấn Minh thì con số này thực ra không đáng kể nếu chỉ bó hẹp ở Bộ Tài chính và riêng với xe đưa đón chức danh. Cần phải nhân rộng chính sách khoán xe công đến tất cả các cơ quan công quyền, từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trung ương đến địa phương... thì mới có ý nghĩa về mặt tiết giảm ngân sách chi thường xuyên cho Nhà nước.

Vấn đề đặt ra là với mức khoán từ dưới 4 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng/tháng như Bộ Tài chính liệu có đủ hấp dẫn với người nhận khoán hay không? Theo đánh giá của đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương là "không". Bởi ngay cả mức khoán 10 triệu đồng/tháng mà Văn phòng Quốc hội từng áp dụng trước đây thì cũng chỉ 1-2 người tự nguyện đăng ký.

Nói về vấn đề này, chuyên gia Đinh Tuấn Minh lại có cái nhìn khác. Theo ông Minh, vấn đề không phải là cá nhân lãnh đạo đó cảm thấy thiệt hơn ở mấy triệu đồng tiền khoán, mà nằm ở tâm lý: Nếu có xe biển xanh đưa đón, việc di chuyển của lãnh đạo sẽ tiện hơn so với việc người đó sử dụng xe cá nhân hoặc đi taxi, xe bus.

"Các phiền hà trên đường đi, ngay cả như vấn đề giải thích với bảo vệ khi ra vào các cơ quan công quyền... cũng có thể khiến cá nhân người đó mất đi cái uy, cái oai của mình. Chủ yếu là người ta có chấp nhận văn hóa đi phương tiện công cộng, có cảm thấy mình bị mất oai hay không thôi!", vị chuyên gia bình luận.

Ngoài ra, chuyên gia Đinh Tuấn Minh cũng cho rằng, nếu muốn nhân rộng chính sách này thì các bộ, ngành, địa phương khác cũng phải học Bộ Tài chính ở sự quyết đoán, cương quyết của người đứng đầu. Trong trường hợp này là quyết định áp từ trên xuống của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Dư luận nhìn chung cũng đã có phản hồi tích cực với quyết định của Bộ Tài chính và mong muốn chính sách trên sẽ được nhân bản rộng rãi hơn nữa. Là một người làm trong lĩnh vực kế toán, độc giả Nguyen Thuy Huyen chia sẻ trên Dân Trí cho rằng: "Việc thực hiện cơ chế khoán là hoàn toàn đúng, hạn chế phát sinh ngân sách, việc thanh toán rất thuận, đúng người đúng việc. Chứ cứ sử dụng ô tô công rất lãng phí, chủ sử dụng ít lái xe kê thêm nhiều, khó mà biết chính xác được, trong thực tế khi điều động cũng có nhiều bất cập.

"Không chỉ khoán sử dụng xe, mà cần khoán tất cả các nội dung khác đối với các cơ quan hành chính khi sử dụng ngân sách. Việc xây dựng định mức khoán cần khảo sát thực tế, và chi phí phát sinh của năm trước trên cơ sở đó tính bình quân là chuẩn. Kết hợp với nguồn kinh phí giao và hiệu quả công việc để có mức khoán phù hợp với thực tế, tránh thừa, thiếu, lãng phí", vị độc giả góp ý.

Bích Diệp