1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đá quý chưa được quan tâm đúng mức?

(Dân trí) - Hôm nay 26/3, Hội đá quý Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Đá quý Việt Nam, tiềm năng, hiện trạng và giải pháp” nhằm thảo luận, đánh giá và đóng góp những quan điểm, kiến nghị để phát triển ngành đá quý Việt Nam.

Trên thế giới, Việt Nam không phải là quốc gia có diện tích lãnh thổ lớn nhưng không vì thế mà nguồn tài nguyên thiên nhiên nhỏ, không dồi dào. Trong lĩnh vực đá quý, Việt Nam nổi trội là nơi giàu có về nguồn đá quý, bán quý và các loại đá trong trí mỹ nghệ so với nhiều quốc gia khác.

Năm 1987, mẫu ruby đầu tiên được tìm thấy tại Yên Bái. Theo KS Nguyễn Xuân An, Chủ tịch Hội đá quý Việt Nam, sau hơn 20 năm phát hiện và khai thác ồ ạt đá quý ruby saphia, chúng ta đã sớm kỳ vọng nguồn tài nguyên đá quý dồi dào này sẽ là một thế mạnh, đóng góp có ý nghĩa vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
 
Đá quý chưa được quan tâm đúng mức? - 1
Các đại biểu tại hội thảo.

“Chính phủ đã chủ trương và hết sức quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện để xây dựng một ngành công nghiệp đá quý và trang sức Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế, đến nay, ngành công nghiệp đá quý và trang sức Việt Nam đã không được hình thành” - KS An cho hay.

Thực trạng của ngành đá quý Việt Nam cho thấy, các hoạt động về điều tra tài nguyên và thăm dò khai thác đá quý đã không được tiến hành trong suốt 10 năm qua. Trong khi đó, nạn khai thác đá quý trái phép vẫn diễn ra tại nhiều địa phương, nằm ngoài vòng kiểm soát của nhà nước. Nhà nước hiện còn chưa ban hành chiến lược và quy hoạch cho các hoạt động đã quý để định hướng cho việc xây dựng và phát triển ngành.

Đánh giá về tiềm năng đá quý Việt Nam, TS Phạm Văn Long - Giám đốc Trung tâm kiểm định đá quý và vàng Hà Nội - cho biết, nếu so sánh tiềm năng đá quý nhóm I của Việt Nam và một số nước khác trong khu vực thì hầu hết các chuyên gia đều thừa nhận rằng, hai mỏ ruby và saphia ở vùng Yên Bái, Nghệ An có một tiềm năng rất lớn và có trữ lượng không thua kém.
 
Với chủ trương xây dựng ngành công nghiệp đá quý và trang sức Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã cho thành lập một doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty đã quý và vàng Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là hoạt động kinh tế không hiệu quả nên đến năm 2003, doanh nghiệp này đã không còn tồn tại. Các hoạt động trong lĩnh vực đá quý đã chuyển sang 2 công ty cổ phần.

KS Nguyễn Xuân An kiến nghị, cần sớm ban hành chiến lược đối với ngành đá quý, đảm bảo khoáng sản đá quý được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và định hướng cho xây dựng, phát triển ngành công nghiệp đá quý Việt Nam. Để đảm bảo đánh giá được tài nguyên, làm cơ sở cho hoạt động khoáng sản thăm dò, khai thác đã quý trong tương lai, cần đầu tư xây dựng quy hoạch hoạt động điều tra địa chất đá quý và tổ chức thực hiện quy hoạch khoáng sản đá quý.

Theo KS An, cần tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức và cá nhân trong, ngoài quốc doanh và mọi thành phần kinh tế tham gia vào các quá trình thăm dò và khai thác đá quý trên cơ sở tuân thủ các quy định của luật khoáng sản.

Tiến Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm