Đã qua thời “vàng bỏ ống cũng có lãi”?
Trước đây, giá vàng trên thị trường là do các “đầu nậu” làm ra. Nhưng từ cuối 2012, thị trường này do Nhà nước kiến tạo.
Vàng không còn là kênh “kiếm bộn tiền”?
Đến những ngày giáp Tết nguyên đán này, giá vàng ở mức 45,6 triệu đồng/lượng, cách khá xa đỉnh điểm 49,2 triệu đồng/lượng vào tháng 9/2011. Giá vàng tăng cao trong điều kiện tỷ giá VND/USD cơ bản ổn định, chênh lệch giữa giá USD trên thị trường tự do và thị trường chính thức không đáng kể.
Đặc biệt, giá vàng biến động mạnh khi Chính phủ đã có Nghị định 24/2012/NĐ-CP về hoạt động kinh doanh vàng và Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư hướng dẫn về quản lý vàng miếng theo hướng gom vàng về một mối.
Thị trường vàng năm 2012 đã dần đi vào qui củ
Kết thúc năm 2012, Ngân hàng Nhà nước tự tin khẳng định: Năm qua, đánh dấu sự thành công bước đầu trong công tác quản lý thị trường vàng của NHNN theo đúng chủ trương, định hướng của Chính phủ. NHNN đã tham mưu, trình Chính phủ trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; tổ chức triển khai chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của các TCTD và áp dụng các biện pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng. Nhờ đó, thị trường vàng trong nước, đặc biệt là thị trường vàng miếng trong năm 2012 có nhiều chuyển biến đáng kể so với trước kia. Mặc dù giá vàng trong nước và thế giới biến động mạnh, nhưng không như thời gian trước đây, khoảng cách lớn giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới không đi kèm với hiện tượng “sốt vàng”.
Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ Trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước cho hay: Từ đầu năm 2012, NHNN không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, không thực hiện bình ổn giá vàng nhưng trên thị trường hầu như không diễn ra việc nhập lậu vàng qua biên giới, nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, không bị tác động tiêu cực bởi sự biến động của giá vàng.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã xây dựng lộ trình chấm dứt tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế gồm ba giai đoạn: Giai đoạn 1: Xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ để quản lý thị trường vàng; Giai đoạn 2: Chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng và Giai đoạn 3 là chuyển hoàn toàn quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng miếng; Nhà nước sẽ thực hiện huy động nguồn vốn bằng vàng thông qua việc mua vàng tăng Dự trữ Ngoại hối Nhà nước và cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Trong năm 2012, NHNN đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 (Nghị định 24) thay thế Nghị định 174 về quản lý thị trường vàng. Nghị định 24 đã tạo lập khuôn khổ pháp lý nhằm tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng. Nghị định 24 không đặt vấn đề giá vàng trong nước phải liên thông với thế giới mà chỉ tập trung vào việc bình ổn thị trường vàng ở góc độ kinh tế vĩ mô.
Nhà nước sẽ kiến tạo thị trường vàng
“Trước đây giá vàng do đầu nậu làm ra, nhưng tới đây sẽ do NHNN kiến tạo và điều khiển thị trường vàng trong nước theo ý đồ quốc gia, chuyển đổi vàng thành tiền cho sản xuất kinh doanh. Nền kinh tế giữ tiền, Nhà nước giữ vàng nhằm đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Theo đó, bắt đầu từ năm 2012, NHNN đã tổ chức lại mạng lưới mua, bán vàng miếng để đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của người dân đối với vàng miếng như: mua bán, nắm giữ, được bảo đảm an toàn thông qua dịch vụ giữ hộ của các tổ chức tín dụng.
Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ Trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước cho hay: Trong năm 2013, NHNN tiếp tục thực hiện lộ trình xóa bỏ tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế và quản lý chặt thị trường vàng để hạn chế đầu cơ, làm giá.
Và để chuẩn bị cho giai đoạn chuyển hóa quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng, NHNN sẽ giám sát chặt chẽ quá trình tất toán số dư huy động và cho vay vốn bằng vàng của các TCTD. NHNN cũng sẽ áp dụng các biện pháp đẩy nhanh tiến độ gia công vàng miếng SJC từ vàng miếng thương hiệu khác để hỗ trợ cho các TCTD có nguồn vàng chi trả cho các khoản huy động, giữ hộ đến hạn.
Người dân đã yên tâm hơn khi mua vàng
Theo Vụ Quản lý ngoại hối, tâm lý găm giữ đầu cơ đã giảm khi thị trường vàng miếng được cấp phép đi vào hoạt động; người dân đã yên tâm hơn khi mua, bán vàng miếng trên thị trường được cấp phép; trên mạng lưới mua bán được cấp phép, thông tin về giá mua bán được công bố công khai minh bạch và cập nhật nhanh hơn; mạng lưới được cấp phép cũng tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ. Đáng chú ý, để triển khai các nội dung trong Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tham gia thị trường vàng với tư cách là người kiến tạo và mua, bán cuối cùng nhằm ổn định thị trường vàng theo đúng tinh thần Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Việc thu hẹp được chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ có tác động tích cực về tâm lý đối với việc kiềm chế lạm phát. Và trong những ngày giáp tết Nguyên đán, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có Chỉ thị số 01/CT-NHNN ban hành ngày 31/1/2013. Điểm đáng lưu ý trong văn bản này được Thống đốc chỉ đạo là: “Khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý, ổn định thị trường vàng, đảm bảo giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế”. Thống đốc cũng yêu cầu các đơn vị tiến hành kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép./.
Theo Vũ Hạnh
VOV online