Đà Nẵng sẽ phải làm gì khi gánh trên vai sứ mệnh vươn tầm thế giới?
(Dân trí) - Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị với rất nhiều cơ chế đột phá được xem là "cởi trói" cho thành phố Đà Nẵng phát triển trong hiện tại và tương lai. Nhiều trí thức và các nhà khoa học khẳng định, với thế mạnh của thành phố đáng sống, năng động bậc nhất nước, Nghị quyết 43 về phát triển thành phố Đà Nẵng sẽ mở toang cơ hội cho Đà Nẵng vươn tầm thế giới.
Theo Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị, tầm nhìn đến năm 2045 Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Đặc biệt, Nghị quyết của Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung và Tây Nguyên và cả nước.
GS. TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, Nghị quyết 43, Bộ Chính trị đã xác định đúng cái tầm gắn với thời đại cho Đà Nẵng, xác định đúng vị thế của thành phố trong cái phát triển miền Trung Tây nguyên cũng như của cả nước.
"Mục tiêu đặt ra cho Đà Nẵng mang tính cam kết rõ ràng. Chân dung của Đà Nẵng là một thành phố đáng sống, cạnh tranh quốc tế và khu vực", TS Thiên nói.
Ông Thiên phân tích, thời gian qua Đà Nẵng có trục trặc va vấp nhưng lúc này là cơ hội trao tay và lãnh đạo địa phương cần chủ động sáng tạo, để vươn lên tầm thế giới.
Về góc độ chiến lược phát triển, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cho hay, trước khi ban hành Nghị quyết 43, Bộ Chính trị đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 về phát triển Đà Nẵng, trong đó đánh giá được 4 yếu tố được coi là mặt được và tồn tại của thành phố này.
Với Nghị quyết 43, Đà Nẵng được định hướng phát triển chuỗi đô thị ven biển từ Huế vào tới Quy Nhơn.
"Vùng đô thị Đà Nẵng phải phát triển từ Lăng Cô, trung tâm Đà Nẵng đến Hội An, Nam Hội An. Như vậy Đà Nẵng không phải phát triển địa giới hành chính riêng mà còn tạo sức bật cho cả vùng", ông Lịch nói.
Nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM cho hay: "Đà Nẵng lâu nay có sự bứt phá khi hình thành đô thị theo hướng hiện đại. Với định hướng rõ rệt của Nghị quyết 43, Đà Nẵng càng có thêm cơ sở để xây dựng quy hoạch chung phát triển đến năm 2045 với đầy đủ nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đồng bộ".
Là cơ quan tham mưu, giúp Bộ Chính trị xây dựng hai Nghị quyết về phát triển TP. Đà Nẵng và TP. Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Đà Nẵng ngoài điều kiện tự nhiên ưu đãi, còn có địa chính trị - kinh tế hết sức là quan trọng, đây là một lợi thế lớn cho thành phố phát triển trong tương lai.
"Xây dựng và phát triển Đà Nẵng không chỉ riêng địa phương này mà còn tạo ra động lực và sự lan tỏa cho cả vùng kinh tế miền Trung. Với việc xác định vai trò của Đà Nẵng, chúng ta đặt ra 3 trụ cột lớn cho phát triển địa phương này trong thời gian tới là phát triển về du lịch, công nghiệp công nghệ cao và phát triển thành phố cảng biển.
Về du lịch, một trong những trọng tâm là phát triển Đà Nẵng thành một trong những trung tâm du lịch của quốc tế. Về công nghiệp công nghệ cao, tập trung phát triển theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh. Cuối cùng, phát triển Đà Nẵng với các ngành kinh tế dịch vụ cảng theo hướng tăng cường hoạt động về logistic.
Là một trong hai địa phương được thừa hưởng quyết sách quan trọng của Bộ Chính trị, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch thành phố Đà Nẵng nói: Đà Nẵng cần làm nhiều việc để đảm đương nhiệm vụ được giao và cũng để thể hiện vai trò, năng lực của đất và người Đà Nẵng.
Theo đó, nhiệm vụ sắp tới của Đà Nẵng sẽ tập trung vào điều chỉnh theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, phát triển không gian đô thị đến 2030 và tầm nhìn đến 2045.
"Đà Nẵng sẽ tập trung triển khai những dự án động lực, trọng điểm và kết nối vùng, liên vùng như đường cao tốc, di dời ga, mở rộng sân bay…", Chủ tịch Thơ nhấn mạnh.
Ông Thơ cam kết thời gian tới Đà Nẵng là sẽ tập trung giải quyết những điểm nghẽn lớn về mặt phát triển đô thị, hạ tầng, không gian. Trong đó những vấn đề lớn liên quan đến mở rộng không gian đô thị, quy hoạch quản lý đô thị, mô trường tài nguyên, y tế, giáo dục.
Nguyễn Tuyền