Đà Nẵng sẽ có cơ chế đặc thù để thành đô thị thông minh, sáng tạo châu Á

(Dân trí) - Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Theo đó, địa phương này sẽ sớm trở thành đô thị sinh thái, thông minh vào năm 2030 và tầm nhìn 2045 sẽ trở thành thành phố biển đáng sống đẳng cấp châu Á.

Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ.

Đà Nẵng sẽ có cơ chế đặc thù để thành đô thị thông minh, sáng tạo châu Á - 1

TP. Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những đô thị thông minh, đô thị kết nối miền Trung Việt Nam

Năm 2030, Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong cải cách và đổi mới, người dân có mức sống thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước.

Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, thu nhập bình quân/người (GRDP/người) của người dân TP. Đà Nẵng năm 2030 sẽ đạt khoảng 8.700 USD (khoảng hơn 200 triệu đồng/năm).

Năm 2030, tỷ trọng tổng sản phẩm quốc gia của Đà Nẵng so với cả nước đạt trên 2%; cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng sẽ chuyển sang dịch vụ với ngành dịch vụ đạt tỷ trọng 62-65%, công nghiệp và xây dựng 28-30%, nông nghiệp 1-2%.

Mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2045 của Đà Nẵng sẽ trở đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.

Đặc biệt, Nghị quyết của Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung và Tây Nguyên và cả nước.

Các cơ chế, chính sách đặc thù cần được nghiên cứu thấu đáo, cụ thể, đảm bảo tính tương quan, tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước; những việc đã rõ, được thực tế chứng minh là hiệu quả thì làm ngay, việc gì mới, phức tạp nhưng cấp thiết thì nghiên cứu thực hiện thí điểm.

Theo đó, Đà Nẵng được thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương…

Bộ Chính trị cho phép địa phương này có cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Bộ Chính trị đồng ý xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của Thành phố và quy định của pháp luật.

Theo đại diện của Ban Kinh tế Trung ương - nơi xây dựng và đề xuất Nghị quyết về xây dựng và phát triển Đà Nẵng được xem là trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo công nghệ cao của miền Trung.

Đã năng sẽ thực hiện chức năng đầy đủ của chính quyền đô thị, phân cấp, phần quyền và tự chủ về cơ chế chính sách thu hút người tài vào bộ máy. 

Theo đại diện Ban Kinh tế Trung ương: Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ, sẽ phát triển Đà Nẵng với 3 trụ cột chính là du lịch sinh thái, biển và đô thị thông minh.

Nguyễn Tuyền