1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bản tin trưa 10/3:

Cuống cuồng bán tháo cổ phiếu "họ" FLC trước khi bị đình chỉ

Mai Chi

(Dân trí) - Trong phiên giao dịch cuối cùng của KLF trước khi bị đình chỉ giao dịch, nhà đầu tư bán tháo ngay từ khi mở cửa.

Hôm nay là thứ sáu nên cổ phiếu KLF của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS được phép giao dịch. Tuy nhiên, phiên này cũng là phiên giao dịch cuối cùng của KLF trên sàn HNX trước khi bị đình chỉ giao dịch kể từ ngày 14/3 tới.

KLF bị đưa vào diện bị đình chỉ giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 quá 6 tháng so với thời hạn quy định. Công ty sẽ phải giải trình nguyên nhân, đưa ra biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán bị đình chỉ giao dịch và công bố thông tin.

Cuống cuồng bán tháo cổ phiếu họ FLC trước khi bị đình chỉ - 1

Cổ phiếu KLF đang có giá 800 đồng, mức giá ở vùng đáy của mã này trước khi bị đình chỉ giao dịch (Ảnh chụp màn hình).

Sáng nay, ngay từ khi thị trường vừa mở cửa, KLF đã bị kê lệnh bán sàn, mất 11,1% thị giá. Mã này hiện tại hoàn toàn trắng bên mua trong khi vẫn còn dư bán sàn 6,1 triệu đơn vị. Dù vậy, trong sáng nay vẫn có lệnh mua vào khớp giá sàn với tổng khối lượng giao dịch đạt 1,8 triệu đơn vị.

Mức giá hiện tại của KLF đã "bốc hơi" khoảng 89% so với thời điểm một năm về trước, cũng là khi mã này đạt đỉnh giá. Như vậy, những người bán ra cổ phiếu này phiên hôm nay (vùng đáy kể từ khi KLF niêm yết) gần như là hoạt động cắt lỗ thoát hàng.

Trong khi KLF bị bán tháo và "lau sàn" thì các mã cổ phiếu khác trong cùng lĩnh vực du lịch vẫn diễn biến tích cực nhờ thông tin ngày 15/3 tới phía Trung Quốc sẽ thí điểm du lịch theo đoàn vào Việt Nam.

Trên sàn HNX, cổ phiếu CTC và HHG tăng trần. Ở sàn UPCoM, STT, PDC và DTI trần cứng, trong đó PDC tăng trần ngay từ đầu phiên. VTR tăng 8,4%; RIC tăng 4,4%; VTD tăng 3,4%. Còn trên HoSE, DAH tăng trần, VNG tăng 4,7%; HVN tăng 4,1% trong khi một số mã điều chỉnh, chịu áp lực chốt lời như TCT, VNS, VJC, DSN, SKG, SCS.

Điều chỉnh cũng là tình trạng chung của thị trường trong phiên sáng nay. Cả 3 sàn có 484 mã giảm giá, 28 mã giảm sàn so với 243 mã tăng, 44 mã tăng trần.

Cuống cuồng bán tháo cổ phiếu họ FLC trước khi bị đình chỉ - 2

Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm gây áp lực tới chỉ số chung (Ảnh chụp màn hình).

Theo đó, VN-Index giảm 7,97 điểm tương ứng 0,76% còn 1.047,98 điểm, tạm thời mất mốc 1.050 điểm; VN30-Index giảm 8,34 điểm tương ứng 0,79% còn 1.041,94 điểm. HNX-Index giảm 1,49 điểm tương ứng 0,71% còn 207,74 điểm; UPCoM-Index giảm nhẹ 0,03 điểm tương ứng 0,04% còn 76,57 điểm.

Thanh khoản thu hẹp so với phiên hôm qua, đạt 221,15 triệu cổ phiếu tương ứng 3.848,43 tỷ đồng trên HoSE; 32,86 triệu cổ phiếu tương ứng 485,57 tỷ đồng trên HNX và 17,35 triệu cổ phiếu tương ứng 161,61 tỷ đồng trên thị trường UPCoM.

Ngoại trừ LPB đứng giá tham chiếu, cổ phiếu ngành ngân hàng trên sàn HoSE đều chịu áp lực điều chỉnh. Trong đó, HDB giảm 2,2%; VIB giảm 2,1%; SHB giảm 1,9%; TCB giảm 1,8%; CTG giảm 1,7%; MSB giảm 1,6%; VCB giảm 1,4%; SSB giảm 1,4%; ACB giảm 1,4%; TPB giảm 1,2%... Đây cũng là yếu tố gây áp lực lên thị trường chung.

Ngành bất động sản cũng giao dịch không thuận lợi, nhiều mã giảm sâu: TIX giảm sàn; DXS giảm 4,2%; DRH giảm 3,7%; LEC giảm 3,6%; DTA giảm 3,6%; PDR giảm 2,9%; CRE giảm 2,8%; HTN giảm 2,6%; HDC giảm 2,4%; NVL giảm 2,3%; HQC cũng giảm 2,3%.

Nhìn chung, sự điều chỉnh của thị trường trong phiên sáng nay là dễ hiểu khi lượng cung hàng giá thấp của phiên 8/3 về tài khoản nhà đầu tư.