1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cuối năm doanh nghiệp càng... đói vốn

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), nhu cầu vay vốn của DN trong những tháng cuối năm là rất lớn, đối với DN dân doanh tỉ lệ cần vay là 90,2%, DN quốc doanh là 81,5% và 57,7% đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Mặc dù hệ thống ngân hàng thương mại đang bước vào thời kỳ dư thừa vốn khả dụng, nhưng vì lãi suất quá cao, điều kiện vay khắt khe nên nhiều doanh nghiệp (DN) đói vốn lại khó tiếp cận với nguồn vay tín dụng.

Doanh nghiệp có nguy cơ bị lỗ vốn

Đến nay lãi suất cho vay đã giảm 1% - 2% so với 2 tháng trước, nhưng còn ở mức rất cao, từ 19% - 20%/năm. Những DN lớn được ngân hàng cho vay thì lo tiền lời kinh doanh không đủ trả lãi vay, còn DN vừa và nhỏ thì khó tiếp cận nguồn vốn do thiếu tài sản thế chấp và thiếu niềm tin với ngân hàng.

Trước đây, khi thị trường chứng khoán sôi động, nhiều DN huy động vốn qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu, nhưng nay kênh huy động này bế tắc nên nguồn vốn mà DN níu vào chủ yếu là tín dụng.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), nhu cầu vay vốn của DN trong những tháng cuối năm là rất lớn, đối với DN dân doanh tỉ lệ cần vay là 90,2%, DN quốc doanh là 81,5% và 57,7% đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Do kinh tế trong nước và thế giới suy giảm, việc tiêu thụ hàng hóa trở nên khó khăn, hiệu quả kinh doanh thấp nên tín dụng vừa là đòn bẩy tài chính nhưng cũng có thể là cái bẫy với DN. Nếu vay mà làm ăn bị lỗ thì lại ôm nợ vào thân. Mặc dù DN đã tìm nhiều cách tiết kiệm nhưng vẫn khó bù đắp do chi phí đầu vào tăng cao.

Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển sản xuất thương mại Sadaco, cho biết: Giá thành hàng hóa của DN tăng rất cao so với trước (do lãi vốn vay và giá nguyên vật liệu tăng lên) nhưng giá bán thì tăng thấp, thậm chí có nhiều mặt hàng không tăng nên DN khó làm ăn, thậm chí có nguy cơ bị lỗ vốn.

Không dám mạnh tay hạ lãi suất

Đại đa số DN trong nước có quy mô vừa và nhỏ, đang cần nguồn tín dụng để duy trì sản xuất, kinh doanh. Nếu tiếp tục để lãi suất tín dụng cao thì DN sẽ khó khăn và ngân hàng cũng sẽ bế tắc đầu ra.

Trong 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng bình quân đạt hơn 2,5%/tháng, nhưng tháng 7 chỉ còn tăng 0,7% và tháng 8 tăng 0,79%. Còn tính từ đầu năm đến nay mức tăng tín dụng chỉ đạt khoảng 18% so với cuối 2007, trong khi “hạn mức” là 30%. Vì dư địa còn rộng nên nhiều ngân hàng muốn giảm lãi suất để kích thích cho vay nhưng gặp khó.

Để khuyến khích DN vay vốn hiện nhiều ngân hàng đang chủ trương cho giảm dần lãi suất đầu ra để chia sẻ khó khăn với DN. Nhưng muốn hạ mạnh lãi suất cho vay thì cần phải giảm lãi suất huy động.

Hiện tại chưa ngân hàng nào dám hạ mạnh lãi suất huy động, mà chỉ giảm từ từ, bởi giảm mạnh lại sợ nguồn vốn chảy sang đơn vị khác.

Trước tình hình khó khăn của DN, ngày 23/9, VCCI đã có công văn đề nghị Hiệp hội Ngân hàng VN thống nhất với các thành viên thực hiện việc giảm lãi suất cho vay với các DN.

Theo VCCI, việc giảm lãi suất cho vay trong thời điểm này là rất cấp bách, nhằm góp phần thực hiện các nhóm giải pháp của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Mặt khác, việc này cũng nhằm bảo đảm cho hệ thống ngân hàng thương mại phát triển bền vững, vì DN chính là động lực của sự phát triển kinh tế và lợi nhuận cho các ngân hàng.

Theo Trần Phú Minh
Báo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm