Hậu xăng tăng giá:

Cước vận tải, giá thực phẩm: “Lớn” chưa tăng, “nhỏ” lăng xăng chạy trước

(Dân trí) - Sau đợt tăng giá xăng vừa qua, các doanh nghiệp vận tải đều chưa tăng giá nhưng xe ôm, xe ba gác... đã tiên phong đẩy giá cước; Giá thực phẩm tại các chợ lẻ cũng được tiểu thương tăng thêm vài ngàn đồng/kg tùy loại.

“Lớn” chưa tăng

Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM thì đến nay vẫn chưa nhận được đề nghị tăng giá cước nào của các doanh nghiệp thành viên. Thực tế trong đợt tăng giá vừa qua, dầu chỉ tăng 500 đồng/lít, chưa đạt 5% nên hầu hết các doanh nghiệp chưa tăng giá mà còn theo dõi biến động giá trong thời gian tới.

Một số doanh nghiệp vận tải đường dài cũng thỏa thuận với chủ hàng sẽ thay đổi giá cước khi giá xăng dầu điều chỉnh ở mức 500 đồng/lít. Tuy nhiên, giá cước của các doanh nghiệp này thường ký hợp đồng theo tháng và hợp đồng tháng 8 đều đã ký vào cuối tháng 7.

Còn các hãng taxi cũng chưa có doanh nghiệp nào công bố tăng giá cước. Theo hãng taxi Vinasun thì họ đang theo dõi diễn biến giá xăng dầu trong thời gian tới mới quyết định tăng giá hay không. Hãng taxi Mai Linh mới chuẩn bị họp các công ty thành viên để quyết định về giá cước…

Doanh nghiệp taxi, vận tải hàng hóa đều chưa tăng giá cước
Doanh nghiệp taxi, vận tải hàng hóa đều chưa tăng giá cước

Theo các hãng taxi thì mỗi lần điều chỉnh giá cước họ đều phải cân nhắc rất kỹ, chỉ khi mức tăng giá xăng dầu ảnh hưởng lớn đến chi phí giá họ mới phải tăng giá cước theo. Lý do là mỗi lần thay đổi giá cước họ đều phải tiêu tốn hàng trăm triệu đồng cho việc kiểm định, điều chỉnh đồng hồ cước.

Trong khi đó, giá nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối vẫn không tăng trong những ngày qua. Theo lãnh đạo chợ đầu mối nông sản Thủ Đức thì lượng hàng hóa về chợ những ngày qua vẫn ổn định, giá các mặt hàng cũng không có dấu hiệu biến động theo chiều hướng tăng, thậm chí một số mặt hàng còn giảm giá so với cuối tháng 7 vì sức mua yếu.

Các tiểu thương chợ đầu mối Hóc Môn cũng cho biết là mức giá nông sản bán buôn không tăng kể từ ngày tăng giá xăng đến nay, giá các loại thịt cá cũng không có dấu hiệu tăng vì thực tế sức mua của người dân không có dấu hiệu cải thiện, tăng giá thì không bán được hàng.

“Nhỏ” lăng xăng chạy trước

Tuy các hãng vận tải lớn đều chưa tăng giá cước nhưng chỉ 1 ngày sau khi xăng tăng giá thì dịch vụ vận tải của các cá thể đã bắt đầu tăng giá cước. Ngày 2/8, anh Tùng, nhân viên 1 công ty truyền thông tại quận 1, chuyển nhà trọ từ ở đường Thống Nhất (Gò Vấp) sang khu chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh). Vì đồ đạc nhiều mà nhà trọ trong hẻm nên anh thuê xe ba gác để chở với giá 170.000 đồng/chuyến.

Anh cho biết: “Tháng trước anh bạn hàng xóm của tôi cũng chuyển nhà trọ đến chỗ mà tôi vừa chuyển, cũng chính anh ba gác đấy chở lấy giá chỉ 150.000 đồng/chuyến. Tôi hỏi sao tăng giá nhanh vậy thì ảnh bảo là xăng tăng”.

Ba gác, xe ôm đã đẩy giá lên
Ba gác, xe ôm đã đẩy giá lên

Bà Tính, chủ 1 hàng rau ở chợ đầu mối Hóc Môn cũng cho biết là xe ba gác chở rau mối của bà cũng đã tăng giá cước thêm 10.000 đồng/chuyến. Bà cũng phản ánh là xe ôm quanh chợ cũng đã bắt đầu tăng giá 5 – 10 ngàn đồng/chuyến tùy quãng đường đi xa hay gần.

Anh Tuấn, một tài xế chạy xe ba gác tại đường Phan Văn Hớn (quận 12) cho biết: “Thực ra là vì cái gì cũng tăng nên mình phải tăng giá chở hàng theo mới đủ sống. Điện tăng nè, gas tăng nè, thịt cá rau củ ngoài chợ mấy hôm nay cũng đã tăng theo giá xăng rồi…”.

Chị Phượng (ngụ tại phường Tân Thới Nhất, quận 12) thường mua đồ ăn ở chợ Lạc Quang cho biết: “Sau đợt xăng tăng giá, thức gì cũng tăng 2 – 3 ngàn/ký (kg), thịt thì tăng 3 – 5 ngàn tùy loại thịt đùi hay thịt vai… Hỏi thì họ đều bảo xăng tăng làm công vận chuyển tăng…”.

Doanh nghiệp taxi, vận tải hàng hóa đều chưa tăng giá cước
Giá thịt cá, rau củ quả tại các chợ lẻ đã vội tăng giá làm khó người tiêu dùng dù nông sản tại chợ đầu mối không tăng giá

Bà Tính cho rằng: “Thực ra thì các chợ lẻ tăng giá té nước theo mưa thôi. Chứ 1 chuyến chở rau cả 2, 3 trăm ký (kg) mà chỉ tăng giá vận chuyển 10 – 20 ngàn đồng/chuyến thì mỗi ký rau tăng bao nhiêu đâu. Cái chính là họ o ép người mua lẻ, không để ý đến 1, 2 ngàn đồng nên tăng theo thôi”.

Còn về giá vận tải, theo anh Tuấn thì nếu tính riêng ảnh hưởng của việc tăng giá xăng thì không đáng kể, xăng tăng 900 đồng/lít thì phải chạy quãng đường 20 – 25km các xe ba gác mới tốn thêm 1.000 đồng chi phí tiền xăng. Mà mỗi chuyến hàng ở TP ít khi đi xa như vậy nên ảnh hưởng do giá xăng đến giá cước là rất thấp. Cái chính là chi phí sinh hoạt tăng nên nhân đợt xăng tăng giá giới tài xế cũng tăng giá cước theo.

Tùng Nguyên