Giá xăng giảm liên tiếp, cước vận tải vẫn quyết... đứng im

(Dân trí) - Sau 5 lần giá xăng giảm nhưng hầu hết các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa có động tĩnh gì, còn phía các hiệp hội cũng chỉ có thể đưa ra những lời khuyến cáo chung chung.

Ông Nguyễn Hoàng Trung - Giám đốc Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội cho biết, tuy đơn vị tiếp quản và điều hành lý 270 công ty có xe chạy qua các bến nhưng sau 5 lần giảm giá xăng dầu thì đến nay chỉ duy nhất một doanh nghiệp đăng ký giảm trung bình 5% giá vé.
 
Doanh nghiệp vận tải không có ý định giảm cước theo giá xăng

Doanh nghiệp vận tải không có ý định giảm cước theo giá xăng

Trong khi đó, dù đã khẳng định nhiều trong những đợt giảm giá xăng dầu trước rằng sẽ theo dõi diễn biến của giá xăng dầu để có kế hoạch điều chỉnh nhưng đã đến lần thứ 5 xăng dầu giảm giá mà phía Hiệp hội taxi Hà Nội hiện cũng chưa có bình luận nào.

PV Dân trí khi liên hệ với ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội để ghi nhận thông tin nhưng chỉ nhận được câu trả lời là đang rất bận và không có ý kiến hồi âm trả lời về việc sẽ có hay không điều chỉnh giá cước taxi trong thời gian sắp tới.

Về phía Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đại diện đơn vị này cho rằng, phần lớn đều không tăng khi giá dầu tăng nên sẽ không có chuyện giảm.

Đại diện Hiệp hội Vận tải còn nêu ra định hướng trong thời gian tới sẽ tính tới phương án không tăng-giảm giá cước theo giá xăng dầu nữa mà sẽ tính toán xây dựng giá cước theo mặt bằng chung để khi giá xăng dầu tăng-giảm dưới 10% sẽ không tăng hoặc giảm giá cước, chỉ khi chi phí tăng trên mức 10% mới tính chuyện tăng cước.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam tỏ rõ quan điểm: Với vận tải hàng hóa, khi tổng giá dầu diezel tăng thêm 1.500 đồng/lít đã thương thảo với khách hàng để có thêm phần bù chi phí giá dầu tăng. Hiệp hội cũng đã chỉ đạo những doanh nghiệp vận tải hàng hóa nào đã tăng giá thì giờ giá dầu giảm thì phải giảm giá cước cho khách hàng.

“Nếu doanh nghiệp vận tải hàng hóa không giảm cũng không được, bởi khách hàng thấy giá dầu giảm sẽ yêu cầu ngay. Việc giảm giá cước còn để đảm bảo tính cạnh tranh nên các doanh nghiệp cũng phải tự tính toán để cân đối.” - ông Hùng khuyến cáo.

Theo ghi nhận từ phía các doanh nghiệp có xe khách, đa phần các đơn vị vận tải đều lý giải rằng khi giá xăng dầu tăng phần lớn các doanh nghiệp đều chưa tăng giá cước, giờ mức giảm giá xăng dầu chỉ tác động giảm 1,2% chi phí đầu vào, nếu có giảm giá cước cũng chỉ giảm 0,7% và mức giảm đấy không đủ để giảm giá cước. Một số doanh nghiệp vận tải cũng tính tới hướng tăng chất lượng dịch vụ để bảo toàn giá vé nhằm tránh xáo trộn sau mỗi lần xăng dầu có sự điều chỉnh.
 
 Taxi giảm cước, vận tải hàng hóa nói không
 

Theo đại diện hãng taxi Mai Linh, hãng này đã quyết định sẽ giảm giá từ 200 – 500 đồng/km cho từng loại xe, từng khu vực vào tuần sau. Mức giảm này được tính toán dựa vào mức giảm giá xăng trong cả 2 đợt ngày 22/6 và 2/7. Trước đó, sau đợt giảm giá xăng ngày 7/6, hãng này cũng đã giảm giá cước từ 200 – 1.000 đồng/km vào giữa tháng 6.

 
Các hãng xe khác cũng đang tính toán mức giảm tương tự. Theo các doanh nghiệp kinh doanh taxi thì mức giảm cũng có thể chỉ giao động ở mức 500 đồng/km.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cho biết là trong đợt giảm giá xăng dầu lần này rất có khả năng là không có doanh nghiệp vận tải hàng hóa nào giảm giá cước.

 
Theo ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, thì lý do đầu tiên là mức giảm 200 đồng cho dầu diesel là quá nhỏ, chỉ khoảng 1% nên chưa thể điều chỉnh giảm giá cước theo. Các đơn vị vận tải cũng có cam kết với khách hàng sẽ thay đổi giá cước khi giá dầu thay đổi khoảng 5%, có hãng thì thay đổi giá cước khi giá dầu tăng giảm 500 đồng/lít.
 
Lý do thứ 2 mà ông Trung giải thích là vì hầu hết các hãng mới giảm giá sau hai đợt giảm giá xăng dầu trong tháng 6 và mức giá mới này cũng đã tương đương với mức giá trước ngày 7/3 (đợt tăng giá xăng dầu đầu tiên trong năm 2012). Giá cước mới chỉ mới được ký kết và áp dụng từ ngày 1/7 nên rất khó có chuyện sẽ giảm giá cước trong thời điểm này.
 
Theo ông Trung thì các hãng vận tải chỉ tính đến chuyện giảm giá cước nếu trong thời gian tới xăng dầu tiếp tục giảm giá và giá dầu giảm trong đợt tới cộng dồn với đợt này đạt mức 5%.
 
Trong năm nay, giá cước vận tải tại TPHCM đã có đợt tăng giá lớn sau lần tăng giá xăng dầu rất mạnh vào ngày 7/3 (xăng tăng 2.100 đồng/lít, dầu diesel tăng 1.000 đồng/lít). Trong đó, các hãng taxi đã tăng cước thêm từ 1.000 - 2.000 đồng/km, vận tải hành khách bằng xe khách tăng 5 - 10% giá cước, vận tải hàng hóa cũng tăng khoảng 5%.
 
Tùng Nguyên

 

 Quỳnh Anh