Hà Nội:

Giá xăng giảm, cước vận tải vẫn "dậm chân tại chỗ"

(Dân trí) - Xăng dầu giảm giá khiến nhiều người kỳ vọng cước vận tải cũng sẽ được điều chỉnh xuống, nhưng sau gần 1 tuần các doanh nghiệp vận tải Hà Nội chưa có phản ứng gì cho kế hoạch này vì cho rằng giá xăng vẫn ở mức cao nên chưa tác động nhiều.

Xăng vẫn đang tăng giá?

Taxi được xem là loại hình vận tải chịu tác động sớm nhất và nhiều nhất của việc giá xăng dầu tăng, giảm. Với đợt giá xăng giảm 800 đồng hôm 7/6 - mức giảm nhiều nhất từ đầu năm đến nay những tưởng sẽ làm taxi giảm cước, tuy nhiên dù thừa nhận là xăng giảm giá đủ cơ sở nhưng mức giảm nếu có cũng không bõ.

Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi cũng đã xem xét đến việc giảm giá cước, vẫn đang theo dõi diễn biến của giá xăng dầu rồi mới quyết định”.

Theo ông Bình, tổng công 3 lần tăng giá và 2 lần giảm thì hiện giá xăng vẫn là tăng so với thời gian đầu là 1.000 đồng. Đối với các đơn vị, khi xăng tăng 2.100 đồng thì họ đã điều chỉnh giá cước, thậm chí khi xăng chưa tăng họ đã muốn điều chỉnh rồi vì các yếu tố đầu vào đều tăng như: phí trước bạ, các loại dịch vụ xã hội, kiểm định xe, lương cho người lao động...

Taxi Hà Nội không giảm giá cước (ảnh: Vietnamnet)

Taxi Hà Nội không giảm giá cước (ảnh: Vietnamnet)

Trên thực tế, trong bối cảnh xăng tăng giá, vận tải tăng cước thì người tiêu dùng chấp nhận bỏ thêm tiền để đi taxi, nhưng khi giá xăng đã giảm thì nhiều người cũng kỳ vọng giá cước ít nhiều có thể giảm xuống để làm dịu tâm lý sử dụng dịch vụ.

“Người tiêu dùng mong giảm cước là điều chính đáng, nhưng họ không hiểu rằng dù xăng giảm 2 lần thì hiện giá thực của xăng vẫn đang tăng. Nếu cấn nhắc giảm cước vào thời điểm hiện nay thì cũng chỉ là 200-300 đồng/km, mức giảm này không bõ, lắt nhắt. Doanh nghiệp không thể cứ vì giá vừa tăng lên 500 đồng hay giảm 200 đồng là lại điều chỉnh, trong khi chi phí cho mỗi lần điều chỉnh tăng giảm cước với doanh nghiệp là rất nhiều.” - ông Bình thẳng thắn.

Lý giải ý kiến so sánh với TP.HCM có một số doanh nghiệp kinh doanh taxi đã công bố giảm cước, ông Bình cho biết vào thời điểm xăng tăng giá trước kia các doanh nghiệp trong TP.HCM đã điều chỉnh tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/km, còn các doanh nghiệp Hà Nội chỉ tăng 1.000 đồng, vì thế việc TP.HCM giảm cước bây giờ cũng không bằng việc taxi Hà Nội đang giữ giá.

“Muốn phát triển vận tải phải tăng cước chứ đừng nói giảm”

Liên quan đến cước vận tải sau gần 1 tuần xăng giảm giá, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội ông Bùi Danh Liên cho rằng mức xăng giảm như hiện nay không cào bằng được mặt giá so với trước đó nên các doanh nghiệp cũng không nghĩ đến việc giảm giá vận tải.
 
Hoạt động vận tải ô tô khách có cơ sở để không giữ giá
Hoạt động vận tải ô tô khách có cơ sở để không giữ giá

Theo ông Liên, xăng dầu không phải là yếu tố quyết định đến việc cước vận tải tăng hay giảm giá, xăng dầu chỉ là phần đầu vào của giá thành vận tải, ngoài ra còn rất nhiều yếu tố khác tác động.

“Không những không giảm mà theo tôi muốn giúp cho hoạt động vận tải phát triển vững mạnh thì cần phải đầu tư thêm, tức là cần phải nâng giá cước vận tải lên cao hơn so với mặt bằng giá cước hiện nay nhằm đảm bảo ổn định thu chi cho doanh nghiệp, tất nhiên việc này phải có lộ trình chứ không phải làm ngay. Còn nếu cứ duy trì như hiện tại làm kiểu kinh doanh “mỳ ăn liền”, các doanh nghiệp vận tải hiện giống như bà bán bún, buổi sáng bỏ vốn ra làm ăn rồi chiều lại thu vốn về.” - ông Liên nhìn nhận.

Trong khi đó, ở góc độ là nhà quản lý các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Hoàng Trung - Giám đốc Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội phân tích, việc các doanh nghiệp vận tải không nghĩ đến chuyển giảm giá cước là có cơ sở, bởi trong những lần xăng tăng giá trước kia hầu hết các doanh nghiệp vận tải bằng ô tô khách không hề tăng giá vé.

“Chỉ có 18 trong tổng số hơn 300 doanh nghiệp mà đơn vị tôi quản lý có đề xuất tăng giá vé trong 2 lần xăng tăng trước kia, mức tăng cũng không đáng kể. Hiện xăng giảm giá nhưng thực tế là mức giảm không bằng so với trước khi tăng, trong khi các dịch vụ tiêu dùng không hề giảm mà vẫn giữ giá và thậm chí là tăng giá, các chi phí đầu vào cho hoạt động vận tải cũng không thay đổi, đó là còn chưa kể đến việc các doanh nghiệp vận tải hành khách đường dài theo tuyến cố định đang phải đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để đảm bảo đủ điều kiện chạy xe từ 1/7 tới đây.” - ông Trung cho hay.

Thời gian tới, chưa biết diễn biến của xăng dầu sẽ như thế nào, nhưng việc giữ giá vận tải trong thời điểm này dù có được các doanh nghiệp lý giải thì cũng khó làm vừa lòng các “thượng đế” sử dụng dịch vụ.

Quỳnh Anh