Cuộc đời chìm nổi của “bà hoàng quặng sắt” Gina Rinehart

(Dân trí) - Cả cuộc đời bà phải chiến đấu với chính những người thân của mình, nhưng “bà hoàng quặng sắt” người Australia Gina Rinehart vẫn tự tin, vượt qua khó khăn, và đang được kỳ vọng sẽ chiếm ngôi vị người giàu nhất thế giới trong tương lai không xa.

Cuộc đời chìm nổi của “bà hoàng quặng sắt” Gina Rinehart
 
Gina Rinehart là một phụ nữ có cuộc đời bất hạnh. Trớ trêu thay, bi ai lớn nhất đời bà lại từ chính gia đình mà lẽ ra là tổ ấm bình yên như đối với bao người phụ nữ khác. Người cha 3 đời vợ Rinehart từng doạ từ mặt bà, mẹ kế thì khinh miệt và con cái thì kiện bà ra tòa. Quả là một bị kịch lớn khi nữ doanh nhân với những quan điểm thẳng thắn chính trực này mất tới nửa đời người chiến đấu sống còn với chính người thân của mình.

 

Nhưng tại sao chúng ta quan tâm tới đời tư của Gina Rinehart? Bởi một ngày không xa, bà được dự đoán sẽ là người giàu nhất thế giới.

 

Theo báo cáo mới nhất thì tài sản cá nhân của bà ước tính vào khoảng 20 tỷ USD, và có triển vọng tăng lên mức 100 tỷ USD chỉ trong vài năm tới. Cơ ngơi đồ sộ mà bà đang sở hữu chủ yếu là từ việc khai thác quặng sắt tại tây Australia. Với trữ lượng lớn và năng suất tăng vọt do nhu cầu từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng mạnh cũng đủ để đưa bà sớm trở thành doanh nhân giàu có hơn cả Carlos Slim hay Bill Gates.

 

Bà Rinehart là một nữ doanh nhân kín tiếng và từng tỏ ra e ngại trước giới truyền thông. Tuy nhiên, người phụ nữ với hai đời chồng và bốn đứa con này bỗng bỏ ra 167 triệu USD mua lại 13% cổ phần của tập đoàn Fairfax Group - hãng truyền thông lâu đời và danh tiếng nhất Australia. Năm 2010, bà cũng mua 10% cổ phiếu của Network Ten - một trong ba mạng xã hội thương mại chính của nước này.

 

Điều gì khiến bà có những thay đổi lớn đối với giới truyền thông và sử dụng như một phương tiện ngôn ngữ của mình trước công luận? Nguyên nhân của bi kịch gia đình và vụ kiện tụng rùm beng bắt nguồn từ đâu? Độc giả có thể tìm ra câu trả lời từ câu truyện về dòng họ Hancock dưới đây.

 

Năm 1952, hai năm trước khi bà Gina chào đời, cha của bà - ông Lang Hancock - một phi công kiêm chuyên viên thăm dò mỏ quặng đã đặt chân tới Australia trong một chuyến bay từ Pilbara về Perth. Để tránh trận bão đầu mùa, ông phải điều khiển máy bay liệng qua một hẻm núi ở Hamersley và nhận ra phía bên dưới là những bức tường đỏ lóng lánh. Đó là những phiến đá khổng lồ chứa đựng hàng tỷ tấn quặng sắt.

 

Ông Hancock trở thành “vua xứ Pilbara” sau khi thuyết phục được Rio Tinto thiết lập nên công ty sản xuất ra hàng trăm triệu tấn quặng mỗi năm. Cùng với cộng sự của mình, ông đã chấp nhận thoả thuận vĩnh viễn - hưởng 2,5% giá trị mỗi tấn quặng được xuất khẩu. Ngày nay, giá trị này tương đương với 105 triệu USD mỗi năm.

 

Mỏ quặng mà ông Hancock phát hiện ra ngày đó, nay là nguồn dự trữ tài nguyên thiên nhiên lớn thứ 15 của thế giới. Và bà Gina Rinehart - con gái ông trở thành “quý bà quặng sắt”. Nghề mỏ thấm vào dòng máu chảy trong người bà đến mức khi được hỏi quan điểm về cái đẹp, bà đáp đó là “một mỏ quặng sắt”.

 

Khí chất con người bà dường như cũng “nhuốm màu kim loại”. Tháng 9 năm ngoái, các con đã kiện bà trước toà, yêu cầu bà từ bỏ trách nhiệm uỷ thác của cơ ngơi hàng trăm tỷ đô do ông ngoại Lang Cook để lại cho các cháu. Luật sư của Gina phản cáo rằng trong quy định của gia đình này có một điều lệ là phải giải quyết các vấn đề nội bộ một cách kín đáo, không vạch áo cho người xem lưng. Tuy nhiên vụ lùm xùm này vẫn được phép tiếp tục tại toà.

 

Lý do bà Rinehart quyết giữ kín vụ này hoàn toàn có thể hiểu được. Mười một năm đấu tranh pháp lý với người vợ thứ ba của bố - bà Rose Lacson - một phụ nữ Philippines thích chưng diện. Người đàn bà này đã bước vào cuộc đời ông Hancock năm 1983 - do chính bà Rinehart thuê làm quản gia chỉ vài ngày sau khi mẹ bà qua đời, bắt đầu mối quan hệ ông chủ - người hầu.

 

Khi Rinehart phát hiện ra điều này, bà đã đuổi bà Rose ra khỏi nhà và đe doạ trục xuất cả cha mình. Hai năm sau, ông Lang và bà Rose - cách nhau 39 tuổi đã kết hôn vắng mặt bà. Ông Lang qua đời năm 1992 vì bệnh tim ở độ tuổi 82. Bà Rinehart đã cáo buộc bà Rose ép ông Lang viết di chúc để chiếm một phần tài sản. Vụ kiện tụng quyết liệt này trở thành những phiên tòa tai tiếng nhất trong lịch sử Australia về tranh chấp quyền thừa kế tài sản của người quá cố.

 

Bà Rose sau này đã được viện kiểm soát minh oan, nhưng quyền quản lý công ty thì nằm trọn về tay bà Rinehart. Hiện ba trong số bốn đứa con của Rinehart đang kiện tụng lại bà vì quyền thừa kế đó.

 

Bà từng phát biểu trước một nhóm bạn của cha mình rằng : “Tất cả những gì tôi làm là vì dòng họ Hancock. Bất kỳ điều gì cũng không thể ngáng đường!”

 

Lan Trinh

Theo DailyBeast