Cung ứng đủ hàng hóa để “ngăn” lạm phát

(Dân trí) - Để đối phó với diễn biến giá cả trong những tháng cuối năm, nhất là chỉ số giá tiêu dùng 10 tháng qua đã lên tới 7,58%; Chính phủ đang tập trung các biện pháp cung ứng đầy đủ hàng hóa; chỉ đạo các địa phương phải ra quân quyết liệt để kiểm soát…

Cung ứng đủ hàng hóa để “ngăn” lạm phát - 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh (ảnh: Việt Hưng).
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh chia sẻ với báo giới bên lề kỳ họp Quốc hội sáng nay 25/10.
 
Chỉ số giá tiêu dùng tăng hơn 1%, đưa mức tăng chung của cả nước 10 tháng qua lên tới 7,58%. Theo quy luật, hai tháng cuối năm giá các mặt hàng còn tăng cao. Vậy mục tiêu giữ chỉ số giá ở mức 8% sẽ được tiến hành thế nào thưa Bộ trưởng?
 
Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để ổn định giá, nhất là giá lương thực, thực phẩm. Nói về giá tăng phải phân tích cơ cấu. Trong những thời điểm nhất định, phải điều chỉnh giá lương thực vì mặt hàng này thấp quá sẽ ảnh hưởng đến đời sống bà con nông dân nhưng nếu tăng quá lại ảnh hưởng đến vĩ mô. Do vậy, phải xử lý hài hòa các mục tiêu khác nhau.
 
Với những diễn biến giá hiện tại, nhiều người lo ngại, giá cả sẽ leo thang vào dịp trước Tết Nguyên đán. Hiện tại Chính phủ đã có biện pháp gì?
 
Chính phủ tập trung vào các biện pháp như cung ứng đầy đủ hàng hóa; chỉ đạo các địa phương phải ra quân quyết liệt để kiểm soát, thanh tra hoạt động đăng ký giá và niêm yết giá. Bên cạnh đó, các cơ quan, bộ ngành liên quan phải báo cáo việc hình thành giá như thế nào, nếu tăng giá vô căn cứ thì phải xử lý nghiêm.
 
Biện pháp này sẽ làm mạnh và cương quyết. Đặc biệt, đối với khu vực chịu lũ lụt ở miền Trung phải đảm bảo đủ nguồn hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân.
 
So sánh với các nước trong khu vực, lạm phát ở Việt Nam ở mức rất cao. Nguyên nhân là vì sao?
 
So sánh như vậy cũng khập khiễng vì mặt bằng giá cả của mỗi nước có cơ cấu hình thành khác nhau, phụ thuộc vào nhiều vấn đề.
 
Theo lộ trình, từ năm sau sẽ điều chỉnh thêm giá điện, giá than. Hiện Bộ đã lên phương án cụ thể như thế nào?
 
Chúng tôi đang nghiên cứu vì không thể kéo dài giá điện, giá than kiểu bao cấp như hiện nay. Ví dụ như giá điện, để không thua lỗ mãi, chúng ta phải có lộ trình để tăng giá nhưng cố gắng ở mức ảnh hưởng thấp nhất đến đời sống và nền kinh tế. Tuy nhiên, việc này cũng chưa bàn cụ thể và chưa thấy phương án của Bộ Công Thương.
 
Nhưng hiện giá cả đang leo thang và có nguy cơ kéo dài thì việc tăng thêm giá điện, giá than có phù hợp?
 
Vì vậy mới cần có lộ trình, chọn thời điểm phù hợp. Ngoài ra, Chính phủ đã trình Trung ương để việc điều chỉnh không ảnh hưởng đến người có mức thu nhập thấp.
 
Ví dụ phương án điều chỉnh sẽ không điều chỉnh những số điện đầu tiên, còn cụ thể thế nào còn phải tính toán. Trước đó, nhà nước hỗ trợ cho dân vùng cao qua đơn vị cung cấp điện, nay không áp dụng cách này mà hỗ trợ trực tiếp cho người dân và người dân tiết kiệm thì chi phí sẽ ít hơn.
 
Liên quan tới Quỹ bình ổn giá xăng dầu, một số ý kiến cho rằng, Quỹ bị sử dụng sai và không có hiệu quả. Ông đánh giá vấn đề này thế nào?
 
Trong pháp lệnh giá quy định, Chính phủ được phép áp dụng các biện pháp để bình ổn giá. Ban Dân nguyện của Quốc hội cũng nói rõ, là quỹ sử dụng chưa thật chuẩn chứ không phải là sai và cần xem lại.
 
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, cơ chế hoạt động của Quỹ này giống như việc doanh nghiệp bỏ từ tay trái sang tay phải?
 
Việc ý kiến này khác là quyền của mọi người. Vấn đề là xem mục tiêu của quỹ là gì và đã đạt được chưa. Nếu bình thường, giá thả nổi lên xuống theo đúng thị trường, như các nước vẫn làm thì một ngày có khi có mấy mức giá khác nhau và người tiêu dùng quen với việc này.
 
Còn Việt Nam không muốn biến động thường xuyên như vậy mà phải có thời hạn nhất định và quỹ được lập ra là vì mục tiêu này. Theo đánh giá của tôi, Quỹ đã đạt được mục tiêu trên.
 
Theo quy định, quỹ chỉ được sử dụng trong một mục đích duy nhất là bình ổn giá. Sau này, quyết toán ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
 
Như đầu năm, thấy giá có chiều hướng khác thường, chúng tôi đã sử dụng quỹ có hiệu quả và từ nay đến cuối năm cũng sử dụng quỹ để mặt hàng xăng dầu không tác động lớn đến rổ giá cả chung. Như tháng 10, nếu để doanh nghiệp tự điều hành thì họ đã tăng giá.
 
Vậy sẽ không có chuyện bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
 
Chính phủ thành lập quỹ để can thiệp và quản lý giá xăng dầu trong những giai đoạn giá cả lên cao. Xăng dầu luôn được xác định là mặt hàng nhạy cảm đến cả sản xuất và tiêu dùng. Sau khi có Nhà máy lọc dầu Dung Quất, lượng xăng dầu phải nhập vẫn là 70%.
 
Cơ chế mặt hàng xăng dầu là đi theo thị trường, ngay cả Nhà máy lọc dầu Dung Quất và phụ thuộc giá thị trường rất lớn, với biến động hàng giờ. Vì vậy, nếu ta cứ chạy theo hàng giờ như vậy thì sẽ rất phức tạp và tạo tâm lý bất an trong đời sống xã hội.
 
Tôi xin nhấn mạnh, Việt Nam chưa muốn và chưa quen với việc điều chỉnh giá xăng dầu lên xuống theo giờ nhưng cũng không có nghĩa là bao cấp mà dùng quỹ bình ổn để điều chỉnh.
 
- Xin cám ơn ông!
 
Nguyễn Hiền - Cấn Cường (ghi)