Cũng trồng tại Việt Nam, tại sao ăn rau của người Nhật yên tâm hơn?
(Dân trí) - Xung quanh câu chuyện sản xuất, kinh doanh rau và thực phẩm sạch tại Việt Nam, ông Vũ Minh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: Ở Nhật, rau sạch của người nông dân ra chợ dân sinh còn có mã số. Còn tại Việt Nam, ngay ở siêu thị, cũng có rau dởm.
Người Việt sợ ăn thực phẩm do chính người Việt sản xuất?
Ông Phú nhấn mạnh: “Trước khi còn đương chức, tôi đi công tác bên Nhật, thấy người nông dân trồng rau, dù chỉ bán ở chợ dân sinh thôi họ cũng tự tin dán mã vạch (mã số sản xuất, kinh doanh) của hộ gia đình lên mỗi mớ rau. Họ đảm bảo chất lượng và trách nhiệm đến từng chi tiết như vậy. Còn tại Việt Nam thì sao? Người nông dân vẫn có kiểu nơi phun thuốc thì bán ra thị trường, nơi không phun thuốc là để cho gia đình mình ăn".
Còn trên phố, người dân thành thị tin vào cách thức mua bán ở siêu thị, trung tâm thương mại. "Tuy nhiên, tôi biết vừa qua có vụ một thương hiệu rau sạch có tiếng đã cố tình đưa rau dởm (rau không đủ tiêu chuẩn sạch) vào siêu thị. Kinh doanh như thế thì sao lại phải thắc mắc người Việt sợ ăn thực phẩm do chính người Việt sản xuất ra như thế nào", ông Phú chia sẻ.
Người Nhật đang đổ vốn rất lớn vào nông nghiệp Việt Nam, trong đó sản xuất, kinh doanh rau sạch là lĩnh vực họ đang thu lợi. Tại sao người Nhật làm ăn có lãi, kinh doanh tốt và được thị trường tin tưởng? Tại sao, ăn rau người Nhật trồng trên đất Việt Nam lại yên tâm hơn là ăn rau của người Việt trồng trên đất Việt? Đó là câu hỏi lớn và chúng ta cần trả lời.
Theo ông Phú, chúng ta đang khuyến khích người Việt ưu tiên, tin tưởng sử dụng hàng Việt, chất lượng Việt. Và muốn điều đó, trước tiên chúng ta phải thực hiện tốt kỷ cương, phép nước, thói làm ăn tùy tiện. Phải rèn lại theo cách làm công nghiệp, đừng để ai làm ăn phi pháp tồn tại. Có thế, chúng ta mới tiến lên được.
Sẽ có nhiều doanh nghiệp bán lẻ bán mình, phá sản?
Về thực trạng của thị trường bán lẻ cũng như hệ thống các DN bán lẻ trong nước, theo ông Vũ Minh Phú, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ cũng như rất nhiều DN tư nhân trong nước đều đứng trước muôn vàn khó khăn
Gần đây thị trường bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại), các DN ngoại nắm trong tay thị phần rất lớn, không nói thâu tóm phần lớn thị trường. Các DN nước ngoài đang mua đi, bán lại trước mắt các DN Việt, người dân Việt. Bằng chứng như các nhà tư bản Thái Lan mua Metro, Nguyễn Kim, BigC… Trong khi đó, các DN bán lẻ trong nước hiện chỉ còn lại số ít, kinh doanh manh mún, dè dặt. Họ đã và đang chịu nhiều áp lực từ cạnh tranh khu vực và toàn cầu, thậm chí đe dọa sự tồn tại.
Ông Phú nhấn mạnh: Ngành bán lẻ chưa bao giờ có được cơ hội tăng trưởng lợi nhuận tốt như hiện nay. Tuy nhiên, với những đặc điểm cố hữu của mình như: là DN tư nhân, vốn nhỏ, kinh nghiệm thương trường kém, kết nối hẹp… Chính vì vậy, tương lai phía trước sẽ có nhiều DN bán mình, phá sản trước sức ép cạnh tranh.
Ông Phú nói rõ: "Từ trước đến nay, dường như mọi ưu đãi của Việt Nam vẫn đặt cao nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi mọi thảm đỏ trải ra cho họ, kế đến là DN Nhà nước, sau cùng mới là phần về tay DN tư nhân. Các DN bán lẻ trong nước không cần ưu đãi gì nhiều, họ chỉ cần một môi trường kinh doanh bình đẳng về chính sách, thuận lợi, thông thoáng, công bằng và cạnh tranh lành mạnh mà thôi.
Trong khi đó, thị trường bán lẻ trong nước đang được DN nước ngoài đầu tư mở rộng, xâm lấn dưới nhiều hình thức mà DN trong nước phải ngậm đắng, nuốt cay dù đủ tiền, có thể mua lại được nhưng vẫn phải ngồi nhìn. Nhưng khi nói đến chi phí sản xuất ở Việt Nam thì nhiều vô kể, chỗ nào cũng phí, lệ phí, thậm chí vì phí mà DN không lớn được. Điều này đang làm cạn dần khí thế kinh doanh của các DN".
“Ai đời mớ rau từ tay người nông dân vào siêu thị cũng bị tăng giá hơn 50%, phải chịu phí giá trị gia tăng (VAT) 10%. Chẳng nước nào như vậy, đáng lẽ chúng ta nên bỏ lâu rồi”, ông Phú nói.
Nguyễn Tuyền