Củng cố lòng tin người gửi tiền

Hội thảo “Ba năm nhìn lại tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Báo Lao Động tổ chức chiều 5/10 tại Hà Nội mang đến những đánh giá tổng quát về sự chuyển biến tích cực của hệ thống ngân hàng sau nhiều năm nỗ lực.

Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) Nguyễn Hữu Nghĩa phải thốt lên rằng: “Gần bốn năm tái cơ cấu là bốn năm vượt khó của toàn hệ thống ngân hàng để đẩy lùi nguy cơ sụp đổ hệ thống”. Còn TS Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank - lạc quan khi nhìn nhận: “Đã đến lúc nợ xấu không còn xấu!”.

Đánh chuột mà bình không vỡ!

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (NH), mua bán, sáp nhập các TCTD yếu kém và lành mạnh hóa môi trường kinh doanh NH là những bước đi dài mà ngành NH tốn không ít công sức trong thời gian vừa qua. TS Nguyễn Đức Hưởng đánh giá việc NHNN mua lại một vài NH với giá 0 đồng là sáng kiến chưa có tiền lệ.

“Ngay cả tại Mỹ cũng phải bỏ tiền ra cứu các NH nhưng Việt Nam lại không dùng ngân sách. Việc NHNN mua lại NH với giá 0 đồng tức là “đánh chuột nhưng không vỡ bình”, đánh chính vào những HĐQT, cổ đông. Tuy nhiên tiền của dân không mất. Tránh được tình trạng đổ vỡ “domino” bởi chỉ cần một NH đổ vỡ, các NH khác cũng vỡ theo.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

 

Đáng chú ý, các đại biểu, chuyên gia tài chính NH và ngay cả một số lãnh đạo NHTM cũng bất ngờ với những con số được ông Nguyễn Hữu Nghĩa tiết lộ tại hội thảo. Theo vị này, sau khi bị NHNN mua lại với giá 0 đồng, 3 NH yếu kém hiện đang dần hồi sinh, thể hiện rõ rệt qua dòng tiền gửi mới đang trở lại.

Cụ thể, NH Xây dựng đang có dự trữ thanh khoản là 1.000 tỉ đồng, GP Bank có 3.000 tỉ đồng và OceanBank có 7.000 tỉ đồng. Đây là nguồn thanh khoản bền vững sẵn sàng chi trả cho người dân... Mục đích NHNN mua lại NH mất hết vốn, đó là vì sự an toàn đối với tiền gửi của dân, tài sản của Nhà nước. NHNN mua không vì mục tiêu lợi nhuận.

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, TS Lê Xuân Nghĩa thẳng thắn: Sau 3 năm, thanh khoản của hệ thống, thị trường vàng và tỉ giá hối đoái về căn bản ổn định, lòng tin của những người gửi tiền được củng cố. Đây có thể coi là thành công bước đầu vô cùng quan trọng để chống lại cú sốc thanh khoản xảy ra vào thời điểm trước.

Quan ngại nợ xấu “cất vào kho”

Con số nợ xấu được xử lý thời gian theo công bố của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh thực sự gây được nhiều chú ý. Vị đại diện NHNN tiết lộ, chỉ tính đến hết tháng 8.2015, hệ thống các TCTD xử lý được tới hơn 424.000 tỉ đồng nợ xấu, tức tương đương tới 91,2% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9.2012.

Nhìn nhận đã đến lúc nợ xấu không còn xấu, TS Nguyễn Đức Hưởng chỉ ra rằng, những khoản nợ xấu mà Cty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) mua lại đều có tài sản đảm bảo tốt nên giá có thể lên bất kỳ lúc nào. “Có hai loại đồ cổ, có loại càng để lâu càng mất giá, nhưng nợ xấu mà VAMC mua lại càng để lâu càng có giá” - ông Hưởng ví von.

Song không phải không có những quan ngại liên quan đến phương thức và quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống NH hiện nay, như bà Victoria Kwa Kwa - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - từng nhận định: “Phần lớn nợ xấu chuyển sang VAMC có tính chất nhập kho tạm thời”. Với đánh giá này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng ở Việt Nam đang thiếu khuôn khổ pháp lý, không có thị trường mua bán nợ và thiếu nguồn lực tài chính xử lý nợ xấu.

Thiếu thốn đủ đường nhưng lại cần tìm ra phương án để xử lý nợ xấu nhanh bởi liệu có thể bán tống bán tháo tài sản thanh lý được không khi tài sản thế chấp chính là phương tiện sản xuất của các doanh nghiệp. Hơn nữa, bán tài sản thế chấp đi chẳng những doanh nghiệp không trả được nợ mà phương tiện sản xuất của họ cũng không còn. “Vậy cách nào để gỡ khó cho sản xuất kinh doanh?” - ông Nghĩa đặt câu hỏi đồng thời giải đáp rằng, việc xử lý này cần dựa vào hai yếu tố là môi trường kinh doanh và sự ấm dần bất động sản.

Chính vì vậy, mục tiêu của NHNN và VAMC không phải mua một đống nợ xấu về rồi để đấy 5 năm sau trả lại cho các NHTM. “Tôi kỳ vọng VAMC ra đời để tạo quãng thời gian chờ đợi cho chu kỳ kinh tế mới, khi đó chi phí xử lý nợ xấu sẽ thấp hơn cho cả doanh nghiệp và NH. Chính phủ không có tiền tài trợ cho xử lý nợ xấu” - ông Nghĩa nói.

TS Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch LienVietPostBank: Phải tái cơ cấu tận gốc

Trao đổi với PV Báo Lao Động bên lề hội thảo chiều 5.10 về quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng thời gian qua, TS Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank (ảnh) đánh giá:

-3 năm qua là một khoảng thời gian ngắn để thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng (NH). Tuy nhiên, hệ thống NH đã đi bước dài và đạt được nhiều thành tích nổi bật về quản lý kinh tế nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng. Chúng ta chinh phục được những đỉnh cao, phá những tảng băng lớn về lạm phát, lãi suất, tỉ giá, vàng, tái cơ cấu với việc thành lập VAMC và mua NH với giá 0 đồng.

TS Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch LienVietPostBank.
TS Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch LienVietPostBank.

Ngay với thị trường vàng, Thống đốc NHNN đi ngược lại đám đông và loại hẳn một đồng tiền tiềm năng vốn ăn sâu vào nhiều thế hệ của người Việt Nam, làm cho tỉ giá ổn định và đồng tiền Việt Nam có giá trị tăng lên. Niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với chính sách tiền tệ nói riêng và chính sách quản lý kinh tế nói chung đó là một bước tiến dài.

Tôi có hai kiến nghị, thứ nhất, cần tiếp tục tái cơ cấu bằng cách xử lý triệt để tận gốc, sửa đổi, bổ sung Luật TCTD, xã hội hóa việc quản lý các NH thương mại cổ phần (TMCP), có đại diện vốn của dân trong HĐTV các NH TMCP để quản lý được tốt hơn. Thứ hai, cần thận trọng tránh vòng quay luẩn quẩn theo chu kỳ lạm phát, khoán huy động vốn khi lãi suất tăng; khi giảm phát, lãi suất giảm lại khoán cho vay. Rồi đến lúc cho vay nhiều quá lại khoán huy động vốn và bẫy thanh khoản có thể xảy ra.

Ngay trong thời gian tới đây, tôi cho rằng vấn đề cấp thiết và quan trọng nhất khi thực hiện tái cơ cấu hệ thống NH là chúng ta phải tái cơ cấu tận gốc và có những cơ chế báo động đỏ những hoạt động nguy hiểm. Khi sáp nhật mua bán, chúng ta cần cái gì nên mua cái đó, từ đó mới sử dụng hiệu quả được. Ví dụ, nếu đang cần mạng lưới hãy mua các NH có nhiều mạng lưới. Nếu đang thiếu nguồn vốn, cần tìm đến các TCTD mạnh. Nếu thiếu nhân sự, dĩ nhiên phải tìm những người có đầu óc kinh doanh tốt. 

TS Lê Xuân Nghĩa: Tái cơ cấu triệt tiêu sở hữu chéo, lũng đoạn

Nhìn lại 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngân hàng (NH), nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - TS Lê Xuân Nghĩa (ảnh) - khẳng định: “Chúng ta làm được 4 việc rất quan trọng”:

Thứ nhất, củng cố được thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng và thứ hai, xử lý được khoảng 17 NH yếu kém, trong đó có một số NH tự nguyện sáp nhập và tái cấu trúc thành công như NH Quốc dân (NCB), NH TPBank hay NH MHB sáp nhập với BIDV.

Ngoài ra, NHNN cũng tiến hành các biện pháp rất mạnh tay như mua lại với giá 0 đồng các NH yếu kém, trước đó cho thời gian tái cấu trúc nhưng thực hiện không nghiêm túc.

Đồng thời, NHNN cũng tiến hành một cách toàn diện chương trình lành mạnh tài chính của các NHTM, trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề xử lý nợ xấu, từ 17% (năm 2011) đến nay kéo xuống còn 3%.

Củng cố lòng tin người gửi tiền - 3

Thứ ba, việc đưa vào các chuẩn mực NH theo tiêu chí của Basel. Hàng loạt NH có chiến lược kinh doanh mới, đầu tư rất mạnh vào nền tảng phát triển kỹ thuật, áp dụng các biện pháp minh bạch về quản lý rủi ro, rồi phát triển sản phẩm mới. Tới đây, chương trình hiện đại hóa NH và áp dụng các chuẩn mực mới về quản trị nó có thể còn tiếp tục được tiến hành.

Kết quả thứ tư đáng ghi nhận là qua quá trình xử lý các NH yếu kém, xử lý nợ, mua bán và sáp nhập, NHNN cũng xử lý được một kết quả kép, giải quyết nhanh chóng sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn, đến nay tình trạng này được xử lý tương đối tốt, mặc dù còn một số điểm cần tiếp tục xử lý. Tôi tin rằng, chúng ta đã gióng lên một hồi chuông mạnh mẽ với ai có ý đồ lũng đoạn, có ý đồ trong sở hữu chéo NH phải dè chừng. 

TS Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Cty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC): Tốc độ xử lý nợ xấu còn chậm

Chỉ tính từ đầu năm đến ngày 15.9, VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt (TPĐB) để mua nợ xấu của các TCTD được hơn 11.000 khoản nợ tương ứng với hơn 75.000 tỉ đồng dư nợ gốc nội bảng. Như vậy, tính từ năm 2013 đến nay, VAMC phát hành TPĐB để mua nợ xấu đạt hơn 204.000 tỉ đồng dư nợ gốc nội bảng, khoảng 177.000 tỉ đồng giá mua nợ. Đến nay, VAMC thực hiện thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo đạt hơn 13.000 tỉ đồng.

Như vậy, theo thời gian, có thể thấy VAMC là công cụ hữu hiệu trong quá trình xử lý nợ xấu không sử dụng vốn ngân sách nhà nước của Việt Nam, mà kết quả là sau hơn 2 năm đi vào hoạt động giúp cho các TCTD giảm được dư nợ xấu hơn 210.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, VAMC vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc của trong công tác xử lý nợ. So với thực trạng nợ xấu, tốc độ xử lý nợ xấu còn chậm, kết quả bán nợ, tài sản đảm bảo còn rất khiêm tốn.

Quá trình triển khai xử lý nợ xấu trong thời gian qua VAMC gặp phải một số khó khăn, bất cập. Hiện nay, Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ xấu. VAMC mua nợ xấu của các TCTD nhưng không thể bán được nợ cho bên thứ ba nếu không có giấy phép kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ. 

TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng: Nợ xấu vẫn “giậm chân tại chỗ”

Ở Việt Nam, vấn đề xử lý nợ dựa nhiều vào quyền Nhà nước. Việc xử lý nợ và xiết nợ đáng lẽ cần có sự can thiệp hỗ trợ của công an nhưng công an bó tay, đưa ra tòa thi hành án cũng bó tay. Chúng ta có đống nợ xấu có thể lên tới 300.000 tỉ đồng nhưng vẫn nằm ở đó. Khoảng 200.000 tỉ đồng nợ xấu “vứt” sang VAMC, nhưng nợ xấu vẫn giậm chân tại chỗ. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Vấn đề nằm ở thanh lý tài sản bảo đảm.

Ở Mỹ, xử lý nợ nói chung và nợ xấu nói riêng có 2 cách: Thông qua kênh pháp lý và tòa án. Đối với cách 1, ngân hàng (NH) có quyền thế chấp ưu tiên tại mặt hàng bảo đảm. Khi quá hạn có thư thông báo, sau thời hạn sẽ bán đấu giá. Sau 3 lá thư, khách hàng biết điểm đấu giá, NH có thể đem tài sản đi bán đấu giá hoặc cấn trừ nợ, nếu thừa đem trả cho khách hàng. Cách này đòi hỏi ý thức của xã hội chấp nhận cách làm như thế mà không cần sự can thiệp của Nhà nước. Cách 2, NH thu hồi nợ không được có thể đưa ra tòa án giải quyết. Nợ không được giải quyết, tòa án tuyên bố phá sản cho doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, việc xử lý nợ hầu như đều qua thương thảo giữa người đi vay và cho vay, phần lớn phải đem nhau ra toàn ròng rã bao nhiêu năm trời. Nhưng khi có phán quyết của tòa án lại tùy theo nhận định, sự hiểu biết của các đơn vị thi hành án. 

Theo Lao động

 

Củng cố lòng tin người gửi tiền - 4