Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam lại tố CGV

(Dân trí) - Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam vừa tiếp tục ra thông cáo tố CGV

CGV nhiều lần bị Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam tố chèn ép doanh nghiệp trong nước.
CGV nhiều lần bị Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam tố chèn ép doanh nghiệp trong nước.

Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Tài chính cho biết, ngành điện ảnh Việt Nam đang gặp khó khăn lớn bởi sự chiếm lĩnh, chèn ép từ doanh nghiệp nước ngoài.

Theo Hiệp hội này, bằng những ưu thế về vốn, kinh nghiệm và với các thủ đoạn tinh vi, doanh nghiệp nước ngoài đã và đang thiết lập những điều kiện nhằm buộc các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam phải tuân theo với mục đích chiếm lĩnh thị trường, trong khi đó các khoản ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp này lại có phần hạn chế.

Hiệp hội dẫn 2 trường hợp doanh nghiệp nước ngoài đã có rà soát tình hình tài chính và cho rằng “có dấu hiệu cần được xem xét và làm rõ”.

Cụ thể, trường hợp của Công ty TNHH CJ CGV (CGV), một doanh nghiệp liên doanh giữa Envoy Media Partners, một công ty thành lập tại British Virgin Islands và Công ty Cổ phần Văn hoá Phương Nam, trong đó nhà đầu tư nước ngoài (Envoy) chiếm 80% vốn điều lệ.

Hiệp hội cho biết, năm 2012 sau khi đổi chủ, CGV lãi 137 tỷ đồng nhưng các năm sau đó, lợi nhuận giảm dần xuống 118 tỷ đồng năm 2013, rồi 70 tỷ đồng năm 2014 và đến năm 2015 chỉ còn 31,5 tỷ đồng.

“Nguyên nhân lợi nhuận năm 2015 giảm được lý giải là do hệ thống mở rộng và một phần do biến độ tỷ giá. Tuy nhiên, những lý do đó có thuyết phục hay không thì cần xem xét”, báo cáo nêu.

Nói về mở rộng, Hiệp hội cho hay, năm 2015 CGV mở thêm 10 rạp, nhưng 3 năm từ 2012-2014, CGV chỉ mở với tốc độ bằng 1/3 mà lợi nhuận vẫn sụt giảm. Tới năm 2016, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này có sự xoay chiều đáng kể. Lợi nhuận cả năm 2016 đạt 93,36 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2015, và năm 2017 ghi nhận lợi nhuận khoảng 140 tỷ đồng.

“Việc tăng lợi nhuận trong 2 năm này khá trùng hợp với kế hoạch của CGV về việc niêm yết cổ phiếu của mình trên sàn chứng khoán vào năm 2018”, báo cáo cho hay.

Việc Phương Nam thoái vốn khỏi CGV cũng được Hiệp hội này nhắc tới. Theo kế hoạch, Phương Nam sẽ chuyển nhượng 12,5% vốn tại CGV với giá trị 160 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư Kim Cương Đen, một công ty mới được thành lập từ ngày 26/4/2018 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng.

Nguồn sử dụng vốn thu được sẽ ưu tiên trả nợ cho đối tác Cross Junction Investment (CJI) bao gồm: nợ gốc 7 triệu USD (160 tỷ đồng) và lãi vay khoảng 18,5 tỷ đồng đến hạn thanh toán ngày 30/6/2018 và không được gia hạn.

Theo Hiệp hội, Phương Nam đã vay CJI vào năm 2014, khoản vay được thế chấp bằng toàn bộ vốn góp của doanh nghiệp này tại CGV, kèm điều khoản Phương Nam không được vay nợ từ tổ chức, cá nhân nào khác.

Đáng chú ý, theo thông tin từ Cục Kế toán và Quản lý doanh nghiệp của Chính phủ Singapore cung cấp thì CJI chỉ mới được lập ngày 21/3/2014 với số vốn điều lệ chỉ 50 USD và là một công ty thuộc tập đoàn CJ - công ty mẹ của CGV.

Tại thời điểm CJ CGV mua lại Megastar có quy mô 7 rạp chiếu gồm 54 phòng chiếu với doanh thu năm 2010 đạt 23 triệu USD. Đến năm 2017, CGV Việt Nam đã có 53 cụm rạp với 324 phòng chiếu, doanh thu đạt khoảng 2.600 tỷ đồng (115 triệu USD).

“Sau 7 năm, quy mô của hệ thống CGV đã tăng lên gấp 3 lần trong khi Phương Nam lại dự định thoái vốn với mức giá chưa đến 60% mức định giá cách đây 7 năm là một phương án có phần khó hiểu”, báo cáo nêu.

Phương Dung

Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam lại tố CGV - 2