1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Cục trưởng Quản lý Công sản nói gì về đấu giá biển số đẹp?

Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng cho rằng, cần xác định rõ biển số xe là tài sản, không đơn thuần là công cụ quản lý nhà nước.

Cục trưởng Quản lý Công sản nói gì về đấu giá biển số đẹp? - 1

Đồng ý việc đấu giá biển số xe đẹp để chi cho các mục đích an sinh xã hội, nhưng Cục trưởng Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng cho rằng, cần xác định rõ biển số xe là tài sản, không đơn thuần là công cụ quản lý nhà nước. Nếu là tài sản, người sở hữu có quyền mua bán, cho, biếu, tặng… bất kể ai tùy thích.

Tuy vậy, theo ông Trần Đức Thắng, để giải quyết được vấn đề trên, cần xem lại quy định hiện hành. Khi quy định hiện nay xem biển số xe là công cụ quản lý phương tiện, gắn trọn đời với xe, kèm số khung, số máy, một biển số chỉ được cấp cho 1 xe duy nhất. Điều này này sinh bất cập, biển số xe không phải là tài sản, nên không thể đem đấu giá. Nếu xác lập là tài sản, phải thay đổi quy định cho phù hợp với thực tế.

Cách đây ít ngày, Bộ Công an đã khởi động xây dựng đề án đấu giá biển số xe theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Tại cuộc họp giữa các bên, có ý kiến coi biển số xe là tài sản nhưng chủ xe chỉ có quyền sử dụng, không có quyền định đoạt (cho, tặng, bán biển số xe cho người khác); không có quyền chiếm hữu (giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác). Biển số xe trúng đấu giá là tài sản dưới dạng “quyền tài sản” nhưng phải thực hiện theo nguyên tắc quản lý phương tiện của pháp luật hiện hành: Mỗi biển số gắn với một xe; khi chuyển nhượng xe, biển số đó được cơ quan công an làm thủ tục cùng với xe.

Cũng có ý kiến cho rằng, giá khởi điểm với biển số xe ô tô tối thiểu gấp 10 lần lệ phí đăng ký hiện hành (với mô tô gấp 5 lần). Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh quyết định mức giá khởi điểm.

Ông Thắng cho biết, tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (do Bộ Tài chính xây dựng). Theo đó, dự án luật sẽ xác định rõ biển số xe là một loại tài sản công, từ đó sẽ có các quy định chi tiết tới việc quản lý, sử dụng loại tài sản công đặc biệt này.

Theo ông Thắng, ông đã nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm tại một số nước trên thế giới cũng bán đấu giá biển số xe đẹp. Theo đó, cá nhân muốn có biển số dễ nhớ, trùng với ngày sinh hay một ngày kỷ niệm nào đó thì được chọn nhưng phải trả cho cơ quan cấp biển số một khoản tiền.

Các nước không đưa số tiền bán đấu giá biển số đẹp vào ngân sách nhà nước, mà dùng cho các mục đích san sinh, từ thiện hay thực hiện công tác xã hội. Nhưng tại Việt Nam, hiện chưa có quy định nào về đấu giá hay thu phí với số điện thoại, biển số xe đẹp, nên sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm, để sau khi Luật Quản lý tài sản công được ban hành sẽ tính tới câu chuyện này.

“Tôi thấy các nước làm như trên rất phù hợp, tiền thu được dùng làm từ thiện hay hoạt động xã hội, không nên đưa vào ngân sách nhà nước”, ông Thắng nói.

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Kinh tế Việt Nam cho rằng, nên đưa số điện thoại, biển số xe đẹp vào diện tài sản nhà nước để quản lý và bán đấu giá công khai. Vì theo ông, lâu nay vẫn diễn ra tình trạng mua bán số đẹp. Do lâu nay không được quản lý, nên hoạt động mua bán số đẹp trở thành miếng đất cho tham nhũng, lợi dụng để trục lợi cá nhân.

Theo: Lê Hữu Việt

Tiền Phong