1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nói gì trước thông tin tăng giá điện?

(Dân trí) - Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định việc điều chỉnh thay đổi biểu giá bán lẻ điện lần này không phải tăng giá điện.

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nói gì trước thông tin tăng giá điện? - 1
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương).

Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo lấy ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế quyết định số 28/2014/QĐ-TTg.

Theo đó, Bộ Công Thương đưa 5 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 1, 3, 4 và 5 bậc. Với các phương án đưa ra, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giá điện 5 bậc thang theo kịch bản 1.

Cụ thể, ở kịch bản này, giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang; trong đó giá điện bậc 1 (cho 0 - 100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 từ 101 - 200 kWh; bậc 3 từ 201 - 400 kWh; bậc 4 từ 401 - 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với PV nhằm làm rõ hơn về đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá giá bán lẻ nêu trên.

Vì sao Bộ Công Thương lại đề xuất cải tiến giá bán lẻ điện sinh hoạt ở thời điểm này?

Căn cứ vào chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ý kiến của nhiều khách hàng, Bộ Công Thương đã đề xuất một số phương án cải tiến cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt theo hướng giảm số bậc thang.

Ngoài ra cũng có một số ý kiến đề nghị mức sản lượng bậc 1 lên 100 kWh phù hợp với nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của người dân.

Vừa qua một số ý kiến cho rằng việc thay đổi biểu giá bán lẻ điện lần này là tăng giá điện, ông có thể chia sẻ làm rõ hơn về vấn đề này?

Tôi khẳng định việc điều chỉnh thay đổi biểu giá bán lẻ điện lần này không phải tăng giá điện.

Bộ Công Thương khẳng định không tăng giá điện

Việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này giữ nguyên biểu giá bán lẻ điện bình quân, điều chỉnh lại cơ cấu phù hợp thực tế sử dụng điện sinh hoạt của các khách hàng dùng điện, không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân.

Đồng thời đảm bảo khách hàng dùng điện dễ dàng theo dõi tính toán sản lượng điện, mức tăng vào mùa nắng nóng không đột biến.

Ông có thể phân tích rõ hơn vì sao chọn kịch bản 1 ở phương án 5 bậc thang?

Mỗi phương án đưa ra Bộ đều có tính toán so sánh về số tiền khách hàng ở mỗi bậc thang phải chi trả so với phương án đang áp dụng.

Chúng tôi đưa ra 4 phương án: 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc. Điểm chung của các phương án là dễ hiểu, đơn giản hơn, ít số bậc hơn so với biểu giá bán lẻ điện hiện hành.

Các phương án 1 bậc, 3 bậc hay 4 bậc có nhược điểm là chi phí sử dụng điện của khách hàng dùng dưới 300 kWh phải trả cao hơn. Điều này tạo gánh nặng cho phần lớn khách hàng sử dụng điện, khoảng hơn 87% tương ứng 21 triệu khách hàng dùng dưới 300 kWh sẽ phải trả tiền điện cao hơn.

Phương án hiện nay lựa chọn 5 bậc phù hợp nhất với thực tế khách hàng sử dụng điện hiện nay. Cả 2 phương án 5 bậc đều khắc phục được nhược điểm nêu trên là hơn 20 triệu khách hàng sử dụng từ 250 đến 300 bị trả cao hơn, đây là mức sử dụng phổ biến của nhiều khách hàng.

Đối với hộ nghèo và chính sách với 1,8 triệu hộ vẫn được hỗ trợ với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng/năm như hiện nay.

Ông có thể nói rõ hơn phương án 5 bậc thang đối tượng nào sẽ bị tác động, đối tượng nào hưởng lợi?

Chúng tôi xây dựng 4 phương án, trong đó Bộ đề xuất phương án 5 bậc thang, theo đó các khách hàng sử dụng dưới 700 kWh được hưởng chi phí dùng điện hàng tháng thấp hơn, còn trên 700 kWh/tháng phải tra tiền điện cao hơn.

Chúng tôi có những tính toán cụ thể khi chọn phương án này. Ví dụ khách hàng dùng trên 800 kWh/tháng phải chi trả tiền điện nhiều hơn 10.000 đồng/tháng. Đối với khách hàng sử dụng dưới 700 kWh/tháng thì thấp hơn hiện nay.

Bộ Công thương tiến hành khảo sát đầy đủ mức độ sử dụng điện của khách hàng. Mức 700 kWh chiếm tỷ lệ 1,7% nhưng mức sản lượng sử dụng điện sinh hoạt của họ trên 10%, nên chúng tôi xây dựng cơ cấu biểu giá làm sao để khuyến khích sử dụng điện hiệu quả. Càng dùng nhiều thì phải trả tiền điện nhiều hơn.

Với khách hàng dùng điện dưới 700 kWh thì hoá đơn tiền điện không tăng, chỉ tác động vào đối tượng dùng trên mức này.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguyễn Mạnh (thực hiện)