Cục Thuế Hà Nam: "99% vụ chuyển nhượng lan Bảo Duy gần 19 tỷ đồng là giả"
(Dân trí) - Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Hà Nam khẳng định 99% vụ chuyển nhượng lan Bảo Duy 5 cánh có giá gần 19 tỷ đồng là giả. Cục Thuế Hà Nam đang chỉ đạo Chi Cục Thuế địa phương rà soát, làm rõ.
Theo ông Nguyễn Văn Dương, Phó Cục trưởng, Cục Thuế tỉnh Hà Nam, qua xác minh ban đầu, cơ quan thuế xác định 99% các đối tượng buôn bán hoa lan trên là giả.
"Chúng tôi đã phối hợp với các phường, xã địa phương vào cuộc xác minh. Kết luận ban đầu 99% thương vụ trên là giả, các đối tượng nhờ các kênh khác nhau để đưa thông tin, gây sốt dư luận nhằm phục vụ các mục đích khác nhau", ông Dương nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Dân trí về trường hợp các đối tượng "lách luật" bằng cách trao đổi sản phẩm trồng trọt để không phải đóng thuế, ông Dương cho rằng: "Trồng lan có đặc thù riêng không cần đất đai, không đại trà nên việc quản lý các đối tượng này rất khó. Chỉ có các hội nhóm chơi lan với nhau tự đưa ra giá, giao dịch không hợp đồng, giấy tờ".
Còn theo đại diện Tổng cục Thuế, các thương vụ bán hoa lan đột biến lên đến vài tỷ hoặc vài chục tỷ gây rúng động dư luận ở Phú Thọ, Hòa Bình trong năm 2020 đều không xác định được giao dịch, hợp đồng nên không thể thu được thuế.
"Các giao dịch đều ở dạng ảo hoặc hội nhóm, không hóa đơn, chứng từ và không chứng thực được sản phẩm đó có giá trị thực tế đúng với số tiền vài chục tỷ hay không. Gần như mọi đối tượng tham gia vào phiên giao dịch đều từ chối các thông tin chuyển nhượng do họ cùng hội, nhóm chơi nên đều bán sang tay", vị đại diện này nói.
Theo vị này, trường hợp người trồng lan đột biến đứng ra bán như sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm tự tay trồng sẽ không chịu bất kỳ loại thuế nào cho dù là giá cao đến đâu.
Nhưng thương vụ bán theo hình thức thương mại, qua nhiều người sẽ phải chịu nghĩa vụ về thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ giao dịch lan đột biến được cho là có giá vài chục tỷ đồng tại Việt Nam bị đánh thuế.
Trước đó, ngày 12/3, Báo Dân trí đưa tin trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một vụ chuyển nhượng cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng với giá 18,8 tỷ đồng tại Hà Nam. Nhóm giao dịch để cả phông bạt, tên người bán, người mua.
Hay như tại Hòa Bình, Phú Thọ trong năm 2020 có hàng loạt thương vụ giao dịch hoa lan đột biến được cho là có giá từ vài chục tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng. Thậm chí, một đoạn cây lan, có mắt lan đột biến được dân chơi giao dịch trên "chợ mạng" có giá cả tỷ đồng.
Theo một số nhân vật trong các hội, nhóm chơi lan đột biến, thực tế các loại lan đột biến có giá cao bởi vì sự hiếm có và được nâng giá quá đà. Điều này khiến giá lan đột biến ở trạng thái ảo, khiến nhiều người đổ xô đặt hàng các loại lan giống với giá vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/cây giống về nuôi, nhưng sau đó vỡ mộng.
Trong năm 2020, lực lượng chức năng đã triệt phá, bắt nhiều vụ giả bán lan đột biến để chiếm đoạt tiền của nhiều người, trong đó các đối tượng bị lừa chủ yếu là người chơi lan hoặc người mới đầu tư lan hòng mộng tưởng làm giàu từ loại cây này.