Cục Điều tiết Điện lực: EVN được tự tăng giá điện là phù hợp

(Dân trí) - Trước thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền tăng giá điện bình quân từ 3 - 5% , ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đánh giá: Việc điều chỉnh tăng giá điện nhằm phù hợp với thực tế khi giá dầu biến động lớn và tỷ giá ngoại tệ đồng USD và Việt Nam đồng có xu hướng tăng.

Theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được xây dựng thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg, chính thức có hiệu lực ngày 15/8/2017, hàng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Trong trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát, báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.

Cục Điều tiết Điện lực: EVN được tự tăng giá điện là phù hợp - 1
Giá bán điện bình quân tăng 3- 5%, EVN được quyền tăng giá bán lẻ điện bình quân mà không cần sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ

Trước quyết định này, nhiều PV đặt câu hỏi là tại sao trong Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg, giá bán điện bình quân tăng từ 7% trở lên, EVN mới được quyền tăng giá điện bán lẻ sau khi được Bộ Công Thương chấp thuận. Tuy nhiên, tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, EVN được quyền tăng giá bán điện bán lẻ tương ứng với giá bán điện bình quân tăng từ 3 - 5%, chỉ khi giá điện bình quân tăng từ 5% trở lên, EVN mới phải xin chấp thuận của Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan?

Trả lời các câu hỏi này, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: Việc điều chỉnh nêu trên là để phù hợp với thực tế khi giá giá dầu biến động lớn và tỷ giá ngoại tệ giữa đồng USD và và đồng Việt Nam có xu hướng tăng cao, việc chỉ điều chỉnh giá bán điện bình quân khi giá bán điện tăng từ 7% trở lên sẽ không phản ánh kịp thời biến động của các các thông số đầu vào cơ bản trong năm.

Việc giá bán điện bình quân tăng từ 7% trở lên mới được tăng giá điện bán lẻ khiến cho giá điện không phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh, gây lỗ cho các đơn vị điện lực và không thu hút đầu tư, từ đó không đáp ứng được nhu cầu phụ tải điện hiện nay (từ 12%-14%).

Đại diện Cục Điều tiết điện lực cho hay: Theo Báo cáo kết quả kiểm tra giá thành năm 2015 của Bộ Công Thương, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2015 của EVN là 234,73 nghìn tỷ đồng. Việc thực hiện điều chỉnh tăng giá điện 7% đồng nghĩa với việc tăng tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện ít nhất khoảng 16 nghìn tỷ đồng sẽ khó đạt được sự đồng thuận của người dân trong việc tăng giá điện, gây khó khăn trong việc điều chỉnh giá điện theo giá thị trường.

Vì vậy, cần giảm ngưỡng điều chỉnh giá và cho phép EVN quyết định điều chỉnh giá điện trong phạm vi nhất định từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định để kịp thời phản ánh kịp thời sự biến động của các thông số đầu vào cơ bản.

Nguyễn Tuyền