Cú sốc tỷ đô và những kỷ lục đau đớn

Sau khi lên đỉnh năm 2007, chứng khoán Việt Nam trồi sụt và gặp không ít những cú sốc giảm sàn trên diện rộng. Những kỷ lục giảm điểm và mất mát liên tục thiết lập khiến cho nhà đầu tư không thoát khỏi ám ảnh.

Chóng mặt vì mất tiền

 

Ngày 8/5/2014, TTCK có phiên giảm điểm kỷ lục trong lịch sử với khoảng 3/4 cổ phiếu trên sàn giảm giá, trong đó số lượng giảm hết biên độ với tình trạng "trắng bên mua" đếm không xuể. Thị trường ngay lập tức bị cuốn phăng mất hơn 3 tỷ USD do VN-Index rớt 5,87%, còn HNX-Index mất 6,4%.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Những công ty lớn nhất thế giới: Thế kỷ của Trung Quốc?

 

Đợt bán tháo lần này được ghi nhận là kỷ lục nhưng trước đó tình trạng tháo chạy, "bấm lệnh bán bằng mọi giá" trên TTCK Việt Nam không hề hiếm và rất nhiều NĐT còn nhớ thuộc nằm lòng bàn tay như thảm họa "bầu Kiên" bị bắt hồi tháng 8 năm 2012 hay vụ tin đồn chủ tịch Ngân hàng BIDV bị bắt đầu năm 2013 cho đến một vài vụ thay đổi chính sách tiền tệ, thắt chặt tín dụng trong các năm 2009 và 2011 trước đó.

 

Chỉ riêng trường hợp bầu Kiên, khi ông trùm ngành ngân hàng tài chính này bị bắt (21/8/2012), TTCK có 3 phiên giảm liên tiếp khiến thị trường bốc hơi 4 tỷ USD và cho tới khi bị đem ra xét xử lần 1 (ngày 16/4/2014 nhưng sau đó đã hoãn) thị trường cũng bay hơi mất 2,5 tỷ USD.

 

Vụ tin đồn ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV bị bắt lan truyền trên mạng hồi gần cuối tháng 2/2013 cũng khiến thị trường rúng động với lệnh bán tháo diễn ra trên cả 2 sàn chứng khoán với mức giảm chung khoảng 4%.

 

Trong năm 2011, TTCK chứng kiến hàng loạt các cú sốc lên sốc xuống liên quan tới các chính sách tín dụng của NHNN với nhiều phiên giảm khoảng 3,5-5%, trong đó có phiên giảm mạnh nhất vào ngày 21/2/2011 với VN-Index mất hơn 4%, còn HNX-Index giảm 5,6%.

 

Chứng khoán Việt Nam gặp không ít những cú sốc giảm sàn trên diện rộng.
Chứng khoán Việt Nam gặp không ít những cú sốc giảm sàn trên diện rộng.

 

Hồi cuối 11/2009, TTCK cũng gặp vài đợt "sóng thần" cuốn trôi hàng chục điểm, tương đương 4-6% mỗi phiên trên cả hai sàn chứng khoán mà nguyên nhân được cho là có liên quan tới các chính sách tiền tệ của cơ quan quản lý nhằm hạn chế cung tiền ra thị trường.

 

Bên cạnh những cú sốc lớn nói trên, thị trường mỗi năm còn trải qua nhiều đợt sốc không hề nhẹ như phiên đảo chiều 180 độ ngày 21/11/2013 với hầu hết bluechips đóng cửa cuối phiên đều giảm từ 3-7% so với đỉnh thiết lập đầu giờ hay "nỗi kinh hoàng không rõ nguyên nhân" hôm 25/6/2013 với VN-Index có lúc mất 23 điểm.

 

Các phiên đảo chiều chóng mặt, từ tăng sang giảm hoặc những đợt nóng-lạnh, lạnh-nóng chỉ tính từ năm 2012 cho đến nay rất nhiều. Riêng trong nửa đầu năm 2013 cũng đã có gần chục lần nóng lạnh, lạnh nóng như vậy.

 

Nỗi ám ảnh

 

Một trong những nội dung của kế hoạch tái cấu trúc TTCK Việt Nam là tái cấu trúc NĐT. Điều này được hiểu là cấu trúc NĐT trên TTCK Việt Nam không hợp lý, thông thường ở thế giới số lượng các NĐT cá nhân tham gia vào thị trường không lớn, mà chủ yếu là các tổ chức. NĐT cá nhân tham gia vào thị trường qua các quỹ.

 

Việc có quá nhiều NĐT cá nhân, trong đó rất nhiều người coi đầu tư chứng khoán chỉ là nghề tay trái, thậm chí chỉ để "lướt" kiếm tiền trong những lúc thị trường có "sóng" nên TTCK Việt Nam được coi là nơi mà có tâm lý bầy đàn rất lớn.

 

Những kỷ lục giảm điểm và mất mát liên tục thiết lập khiến cho nhà đầu tư không thoát khỏi ám ảnh.
Những kỷ lục giảm điểm và mất mát liên tục thiết lập khiến cho nhà đầu tư không thoát khỏi ám ảnh.

 

Trong phiên giao dịch 8/5/2014 vừa qua, phiên giảm kỷ lục với khoảng 6% trên mỗi sàn đã được nhiều chuyên gia và CTCK nói đến với nguyên nhân là do tâm lý đám đông. Các NĐT đã ồ ạt tháo chạy khi nhận được thông tin về tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Trong phiên giao dịch 9/5, thị trường ngay lập tức hồi phục với VN-Index tăng trở lại gần 3%, còn HNX-Index tăng 3,54%, lấy lại được khoảng 50% những gì đã mất, tương đương khoảng 1,5 trong số 3 tỷ USD đã bốc hơi trong phiên liền trước.

 

Trước đó, trong vụ "tin đồn Trần Bắc Hà", thị trường cũng đã nhanh chóng lấy lại "những gì đã mất" sau khi tin đồn nhanh chóng bị bác bỏ.

 

Nhìn chung, hiện tượng "sập sàn", chuyện lao dốc rồi bất ngờ nóng bỏng, tăng trở lại là rất bình thường bởi thị trường phản ánh kỳ vọng và nỗi sợ hãi của giới đầu tư. Một khi thông tin không còn ảnh hưởng tới thị trường thì giá cổ phiếu sẽ tăng trở lại.

 

Trong các cú sốc trên, thông tin bầu Kiên có lẽ có ảnh hưởng mạnh và lâu dài nhất đối với TTCK. Vụ bầu Kiên bị bắt đã khiến chứng khoán giảm mạnh liên tiếp 3 ngày (quét đi 3 tỷ USD) và còn giảm dai dẳng sau đó. Tới ngày bầu Kiên ra trước vành móng ngựa, thị trường cũng giảm tiếp.

 

Mặc dù vậy, những cú sốc chứng khoán với các phiên "trắng bên mua" trong vài năm gần đây cho thấy một thực tế là tâm lý bầy đàn trên TTCK quá lớn, hoặc/và sự minh bạch hay mức độ phản ánh nền kinh tế, phản ánh DN của TTCK là chưa tương ứng.

 

Nhiều NĐT thậm chí còn vạch trước các kịch bản tăng nóng sau các vụ sập sàn sau khi đã "ngơ ngác" không biết tại sao thị trường "rơi tự do" hoặc sốc vì nhận được tin dữ. Hiệu ứng "domino" song hành cùng với sự hoảng loạn của giới đầu tư là một trong những đặc điểm đáng nhớ của TTCK thời kỳ đầu phát triển.

 

Lịch sử sẽ ghi nhận những cú sốc do không làm chủ được tâm lý của đại đa số các NĐT nhưng có lẽ cũng ghi nhận khả năng tiếp cận thông tin hoặc được tiếp cận thông tin kém, không đầy đủ và kịp thời của họ. Trong mỗi một cú sốc như vậy, tạm thời gọi là sóng, tương đương với sự chênh lệch về vốn hóa hàng tỷ USD, chắc chắn sẽ có nhiều người mất và cũng sẽ có những người được. Vấn đề đặt ra là đâu là sự ổn định và lợi ích lâu dài của toàn thị trường.

 

Theo Mạnh Hà

VEF
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước