"Cú sốc" Trương Đình Anh: Nước đi ngoài dự liệu trên bàn cờ FPT

(Dân trí) - Hẳn việc trở lại với chiếc ghế Tổng Giám đốc FPT ở tuổi 56 không phải là lựa chọn ưa thích của ông Trương Gia Bình, khi trước đó nhiều lần các cụm từ “trẻ hóa”, “cải cách”, “chuyển giao thế hệ” đã được HĐQT công ty nhắc tới.

Và việc ông Trương Đình Anh, không chỉ là một người nhà họ Trương, từ nhiệm chỉ sau chưa đầy hai năm, hẳn là một bất ngờ đáng tiếc với FPT và cá nhân ông Trương Gia Bình.
 
Việc ông Trương Đình Anh từ chức chắc chắn dẫn tới nhiều thay đổi ở FPT
Việc ông Trương Đình Anh từ chức chắc chắn dẫn tới nhiều thay đổi ở FPT

 

Cuộc chuyển giao táo bạo

 

Trương Đình Anh là CEO thứ 3 của FPT sau ông Trương Gia Bình và Nguyễn Thành Nam. Ông là cái lõi của thế hệ lãnh đạo thứ hai tại FPT. Sự xuất hiện của Đình Anh trên chiếc ghế này là chỉ báo rõ rệt của một cuộc chuyển giao quyền lực cho thế hệ trẻ đã được FPT lập trình khá kỹ càng.

 

Đình Anh ngồi ghế điều hành, Chủ tịch HĐQT đã không che giấu kế hoạch đó bằng những phát biểu đầy hy vọng rằng FPT mong muốn chọn ra những người ưu tú sinh năm 1970 về sau cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt, và đã có lộ trình cho thế hệ thứ ba gồm những người sinh từ 1975 về sau.

 

Đình Anh cùng các phó tướng cũng thế hệ 7x bắt đầu “lái xe” khi FPT ít nhiều đánh mất cá tính và miếng bánh ngành viễn thông, phần mềm bị cạnh tranh khốc liệt. FPT, lúc đó cũng sa lầy vào một số định hướng sai, mà cụ thể là việc muốn lao vào thị trường dịch vụ viễn thông di động bằng việc mua lại EVN Telecom.

 

FPT, lúc đó cũng chịu nhiều tác động từ các cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu, và một giai đoạn kinh tế vĩ mô đầy biến động trong nước.

 

FPT, lúc đó đã niêm yết và sự phát triển bong bóng của thị trường chứng khoán khiến nhiều người FPT giàu lên nhanh chóng mà riêng việc sở hữu cổ phiếu đã đủ để tài sản của họ tăng lên gấp bội, lợi ích từ cổ phiếu lớn hơn nhiều lần những khoản lương thưởng khi mà mức tăng trưởng đã rơi xuống dưới 20%.

 

Chiến lược OneFPT, vốn được hiểu là xây dựng một đại gia đình FPT có mục tiêu, có chiến lược, có lĩnh vực mũi nhọn và có phương pháp đồng nhất đã được Trương Đình Anh đưa ra mạnh mẽ trong bài diễn văn nhậm chức được đánh giá là đầy tính hịch, đầy tham vọng và cũng rất “tây”, rất hiện đại.

 

Bài toán chiến lược dài hơi được Đình Anh đặt ra rõ mồn một, cùng với cam kết không bao giờ từ chức trừ khi bị HĐQT miễn nhiệm. Đó là việc vươn ra quốc tế trong mảng giải pháp công nghệ thông tin, với các thị trường trọng điểm là các nước Đông Dương cũ và Trung Đông; chiến lược M&A trong mảng nội dung số, phần mềm, game và mạng xã hội; phát triển hệ thống bán lẻ và đào tạo nhân lực về IT.

 

Những chiến lược mạch lạc, cùng những động thái mạnh mẽ giải quyết các thương vụ tồn đọng, sa lầy và thiếu hiệu quả của Đình Anh khiến nhiều người bắt đầu nhắc tới những cụm từ “cải tổ”, “cách mạng” ở FPT.

 

Người FPT chứng kiến những thay đổi ráo riết từ nhân sự, tổ chức, hoạt động kinh doanh gắn với chiến lược OneFPT và mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 4 lần trong 4 năm và đưa FPT lọt vào top 500 của Forbes.

 

Một công ty có tiềm lực nhìn từ nhiều góc độ, có bản sắc và văn hóa tổ chức hiện đại, với một CEO chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ tỷ phú và chưa bao giờ thiếu phương pháp để hiện thực hóa giấc mơ đó cũng đáng để kỳ vọng và chờ xem.

 

Cá tính và sự xung đột

 

Gia nhập FPT với vai trò một chuyên gia máy tính, rồi Giám đốc Trung tâm internet và sau đó là Tổng giám đốc FPT Telecom, con đường sự nghiệp của Trương Đình Anh ở FPT có vẻ như không hề vấp váp. Và sự thành công vượt bậc của Đình Anh ở FPT Telecom đã tạo ra bức chân dung của một vị CEO cá tính, bạo liệt, thực dụng và hiện đại.

 

Người FPT thường nhắc đến Đình Anh với chủ nghĩa thực dụng trong kinh doanh, người luôn biết tìm kiếm cơ hội, dồn toàn lực để biến cơ hội thành tiền và đồng thời không ngại ngần dẹp bỏ những thứ không tạo ra tiền.

 

Tài năng, quyết đoán và nhạy bén là những gì gắn với Trương Đình Anh trong mắt những người yêu và ghét ông, vốn đều đông đảo.

 

Ở FPT Telecom, cá tính Trương Đình Anh tạo ra cá tính của tổ chức, tham vọng Trương Đình Anh tạo ra tham vọng của tổ chức và phương pháp Trương Đình Anh tạo ra phương pháp của tổ chức.

 

Sau khi FPT chững lại dưới thời CEO Nguyễn Thành Nam, trọng trách và kỳ vọng đặt lên vai CEO 41 tuổi (vào thời điểm nhậm chức 2/2011) là không hề nhỏ, nếu không muốn nói là rất lớn.

 

Và có vẻ như sau những thành công với FPT Telecom, Trương Đình Anh không có lý do để từ bỏ tính cách, phương pháp của mình với cương vị CEO tập đoàn.

 

Với con mắt nhìn thấy được đồng tiền theo nghĩa tích cực, Trương Đình Anh không ngại ngần gạt bỏ những khâu không tạo ra lợi nhuận, cũng như tiết giảm chi phí và siết chặt quản lý đến mức mà nhiều người FPT dùng từ “nghẹt thở”.

 

Kết thúc năm đầu tiên trên ghế CEO của Đình Anh, FPT đạt gần 26.000 tỷ doanh thu, lợi nhuận khoảng 1/10 con số đó. Nhưng kết thúc 6 tháng đầu năm 2012, doanh thu chỉ đạt gần 11.500 tỷ, lợi nhuận vẫn ở mức tốt 1.200 tỷ đồng, nhưng so với kết hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm chỉ đạt 36,6% và 40%.

 

Lần đầu tiên người ta thấy HĐQT FPT mà đứng đầu là ông Trương Gia Bình đưa ra thông điệp “trảm tướng” nếu các con số này không đạt được mốc 80% vì sự chủ quan. Và cũng là lần đầu tiên kể từ khi Trương Đình Anh làm tướng, FPT ít lạc quan hơn vào các mục tiêu khi phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu SXKD.

 

Công bằng mà nói, trong bối cảnh làm ăn khó khăn như hiện nay thì bức tranh kinh doanh của FPT không tệ. Nhưng những con số, thông điệp cho thấy dường như lực ma sát đã xuất hiện trong sự tương tác giữa HĐQT và Ban Tổng giám đốc trẻ trung của FPT.

 

Trương Đình Anh nghỉ phép 2 tháng, và ngay lập tức xuất hiện thông tin cho rằng ông sẽ nghỉ hẳn vì… dỗi. Cái “dỗi” ở đây được hiểu là có sự khác biệt trong cách nghĩ, cách làm của HĐQT so với CEO này.

 

Người FPT và người thân FPT giải thích sự khác biệt đó đến từ văn hóa tổ chức. Ở FPT Telecom nơi mà Đình Anh dựng nghiệp, văn hóa đó đồng nhất và thuần phục bởi sự áp đặt của văn hóa quản lý mà Đình Anh đưa ra.

 

Nhưng ở FPT, cách thức quản lý đó vấp phải sự phản kháng bởi những bộ phận không phải do Đình Anh dựng nên, và cũng không phải là sở trường của ông. Những bộ phận đó đã hình thành văn hóa tổ chức riêng, và là một phần của văn hóa FPT. Ở một góc độ nào đó, Đình Anh là "người mới" ở đây.

 

Đôi khi, sự cứng rắn, quyết đoán của Đình Anh được mô tả như sự độc đoán và “vô cảm” trong một môi trường vốn lâu nay tôn trọng và khuyến khích sự sáng tạo, khác biệt trong từng con người, từng bộ phận.

 

Và cách giải thích đó có vẻ như đã được tái khẳng định bởi lá đơn từ nhiệm của Trương Đình Anh, là do “những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành giữa CEO và HĐQT”. Lá đơn này, dù được giải thích bằng từ "bất đồng" hay "khác biệt", cũng cho thấy có sự xung đột thế hệ chưa thể dung hòa tại FPT.

 

Những người không thích Trương Đình Anh nhất, kể cả những người đã rời FPT do và không phải do Đình Anh, đều thừa nhận đây là một nhà quản lý có tài và là một người đặc biệt. Chính vì thế, việc ông Trương Gia Bình nói rằng ông cảm thấy đáng tiếc và mất mát khi Đình Anh rời ghế CEO không hẳn là lời khách sáo.

 

Có lẽ, điều khiến ông Bình cảm thấy tiếc nhất là chiến lược chuyển giao tương lai FPT cho thế hệ 7x của ông đã sụp đổ ngay ở khâu mà ông kỳ vọng nhất. Và ông một lần nữa phải ngồi vào chiếc ghế CEO mà ông đã thực sự muốn chuyển giao để chèo lái FPT trong bối cảnh mà quy mô, tầm vóc và thời cuộc đã hoàn toàn khác ngày ông cùng những đồng sự khai sinh nó 24 năm về trước với tên gọi kỹ nghệ chế biến thực phẩm.

 

Hồng Kỹ