Cụ ông 87 tuổi sáng chế dụng cụ tập kháng lực

Trường Thịnh

(Dân trí) - Ông Phan Văn Minh cải tiến dây tập kháng lực thành dụng cụ giúp tập luyện linh động nhiều nhóm cơ mà không cần phải móc một đầu dây vào góc cố định như các sản phẩm trước đó.

Một chiều mưa cách đây nhiều thập kỷ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được mời dùng cơm tại nhà ông Phan Văn Minh. Trong bữa cơm, ông Minh gặng hỏi người nhạc sĩ tài hoa, vì sao anh sáng tác được những ca từ đậm chất thơ như vậy: "Từ lúc đưa em về, là biết xa nghìn trùng". Trịnh Công Sơn chỉ nhỏ hơn vài tuổi nhưng đang ở tư cách là bạn con gái ông Minh, từ tốn trả lời: "Tôi cũng không biết, nó cứ tự nhiên mà tuôn ra thôi".

Thời điểm đó, ông Minh nghĩ đó là sự khiêm tốn của vị nhạc sĩ nổi tiếng. Sau này nghĩ lại, ông mới thấy là đúng thật, có nhiều ý tưởng cứ đến một cách tự nhiên, không phải mình cố tìm mà có hay học hỏi mà được. Chính cuộc đời ông cũng là một ví dụ.

Chủ thương hiệu bút lông nổi tiếng một thời

Ông Phan Văn Minh sinh năm 1934 tại Huế, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế và từng là giáo viên dạy môn vật lý tại Quy Nhơn (Bình Định). Với đồng lương giáo viên ít ỏi, ông khó khăn lắm mới đủ trang trải cho gia đình với 7 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Ngày Sài Gòn giải phóng, ông theo bạn bè Nam tiến, tìm cơ hội mới. 

Thời điểm đó, Sài Gòn thiếu hụt nhiều mặt hàng lúc trước phụ thuộc vào hàng viện trợ từ nước ngoài, trong đó có bút lông màu. Ông Minh tìm mua một hộp bút lông về mở từng chi tiết ra để tìm hiểu xem, vì sao trong nước chưa sản xuất được. Ông phát hiện, phần khó nhất là ngòi bút, làm sao đủ độ cứng nhưng vẫn có thể thấm mực.

Thế là ông bắt tay nghiên cứu, chế tạo ngòi bút bằng nhiều vật liệu khác nhau từ gỗ tre, sợi chỉ... Nhưng cái thì cứng quá, mực không thấm qua được, cái lại mềm quá, mực chảy xuống rất nhanh. Cuối cùng ông nghĩ ra một cách, dùng nhiều sợi chỉ mỏng luồn qua một ống nhựa nhỏ. Một đầu ống được cắt ngắn, đầu còn lại được bôi keo cho cứng, rồi mài nhọn thành hình ngòi bút.

Theo lời ông Minh, đây là chiếc ngòi bút lông "made in Vietnam" đầu tiên được ra đời. Ông cũng thành lập cơ sở sản xuất bút lông màu mang thương hiệu Vilonam (viết tắt của viết lông Việt Nam), chuyên sản xuất và kinh doanh những vĩ bút lông 12 màu cho thị trường phía Nam. Giai đoạn cực thịnh, ông còn đóng hàng chuyển ra Hà Nội, với công suất khoảng 300 thùng/tháng (mỗi thùng 100 vĩ). Có thời điểm đơn hàng nhiều quá sản xuất không kịp, nhiều đại lý phải xếp hàng dài trước cơ sở sản xuất chờ lấy hàng.

Ngoài bút lông màu, Vilonam còn sáng chế nhiều dụng cụ học tập khác, tận dụng các nguyên vật liệu trong nước sẵn có. Chẳng hạn như mực viết bảng (có thể lau sạch sau khi viết xong), đất nặn dùng cho học sinh làm bằng sáp ong... Nhờ đó, gia đình ông Minh phất lên nhanh chóng và cả 7 người con đều được học hành đến nơi đến chốn, đỗ đạt đại học.

Cụ ông 87 tuổi sáng chế dụng cụ tập kháng lực - 1
Chân dung cụ ông Phan Văn Minh (Ảnh: Quang Khoa).

Sau này, khi Việt Nam dần mở cửa, các nhà sản xuất trong nước bắt đầu nhập khẩu ngòi bút từ nước ngoài về và sản xuất ở quy mô lớn. Thị phần Vilonam thu hẹp lại và biến mất khỏi thị trường. Đến thời điểm hiện tại, gần như không thể tìm được các tài liệu liên quan đến thương hiệu này nhưng theo lời một người Sài Gòn chính gốc, sau năm 1975 hầu như học sinh, sinh viên nào cũng sử dụng bút lông Vilonam. 

Khả năng sáng tạo không ngừng

Cách đây 7 năm, vợ chồng ông Minh tạm gác mọi việc kinh doanh, sang Mỹ định cư theo nguyện vọng của con cháu. Nhưng gần trọn cuộc đời gắn với quê hương xứ sở, ông đã quen với nếp sống và tình cảm của người Việt. Nên sang Mỹ được vài ngày, ông lại đòi về nước.

Lần hồi hương gần đây, do Covid-19, ông bị kẹt lại Việt Nam thời gian khá dài. Những ngày phải quanh quẩn trong 4 bức tường căn hộ càng trở nên bí bách với người ưa vận động như ông. Ông tìm kiếm một dụng cụ tập thể dục tại nhà và biết đến sản phẩm dây kháng lực hay còn gọi là dây đàn hồi, dây tập gym hay tạ dây.

Sản phẩm này đã có mặt trên thị trường hàng chục năm nay, thường được làm bằng cao su dẻo, mỗi đầu có tay cầm. Người tập dùng sức của mình để kéo giãn dây cao su, thay vì sử dụng các phương tiện máy móc khác hoặc dụng cụ tạ tập nặng nề. Dây kháng lực khá phù hợp để làm dụng cụ tập luyện trong nhà, vì không chiếm không gian và dễ dàng cất giữ khi không sử dụng đến.

Tuy nhiên, nhược điểm của nhiều loại dây kháng lực hiện nay là cần phải kết nối một đầu với thành giường, tay nắm cửa hoặc khoan tường để cố định. Điều này có thể khó khăn nếu người tập mang đến những không gian khác nhau, không có chỗ cố định một đầu dây. Hơn nữa, giá thành sản phẩm cũng khá cao, dao động từ 500.000 đồng đến hơn một triệu đồng cho mỗi bộ sản phẩm.

Nhìn thấy "khuyết điểm" này, cụ ông 87 tuổi lập tức nảy ra ý tưởng khắc phục. Thay vì chỉ là một sợi dây với tay cầm ở 2 đầu, ông làm thành 4 sợi dây khác nhau. Mỗi sợi có một đầu gắn với tay cầm cứng cáp, đầu còn lại gắn vào một tấm chịu lực hình chữ nhật, có phủ lớp đệm chống thấm nước. Người tập có thể đặt lưng hoặc ngồi lên tấm chịu lực, lợi dụng chính sức nặng của mình để giữ một đầu dây kháng lực và dùng tay hoặc chân kéo, đẩy đầu dây còn lại.

Cụ ông 87 tuổi sáng chế dụng cụ tập kháng lực - 2
Bộ sản phẩm Philabedgym.

Nhờ đó, sản phẩm không cần móc vào tường mà còn có thể giúp vận động cùng lúc nhiều nhóm cơ khác nhau. Người tập có thể dùng chân đạp như chạy bộ, dùng tay kéo như tập tạ hoặc tay nhân tạo kết hợp như bơi lội. Dụng cụ nhỏ gọn có thể linh hoạt tập ngay trên giường hoặc sàn nhà, ngoài trời...

Hướng dẫn dùng dụng cụ tập kháng lực của ông cụ 87 tuổi

Chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, lúc đầu ông sử dụng cao su nhân tạo để làm sợi dây kháng lực nhưng dễ đứt sau thời gian sử dụng. Không nản chí, ông tìm kiếm chất liệu khác, đảm bảo khả năng đàn hồi nhưng có độ bền cao. Sau đó, sản phẩm đã được cải tiến, với dây kháng lực bằng cao su tự nhiên và bọc chỉ chắc chắn bên ngoài.

Sản phẩm được đặt tên Philabedgym với thiết kế bao bì chỉn chu và giá thành khá hợp lý. Để bảo vệ sáng chế độc đáo này, ngày 26/4/2021 vừa qua, ông cũng đã nộp đơn đăng ký bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp sản phẩm tại Cục Sở hữu Trí tuệ.

Cụ ông 87 tuổi sáng chế dụng cụ tập kháng lực - 3
Philabedgym có thể giúp người tập vận động cùng lúc nhiều nhóm cơ khác nhau (Ảnh: NVCC).

Nhìn qua Philabedgym, nhiều người không thể tin được đây là sản phẩm của một cụ ông U90. Không chỉ lên ý tưởng, ông tự mình đi tìm cơ sở đúc khuôn, ép nhựa, may đệm lót rồi thuê người thiết kế bao bì, website, đăng ký sở hữu trí tuệ... Càng khó tin hơn, khi toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm này của ông chỉ mất có vài tháng.

Cũng theo ông cụ, sản phẩm phù hợp cho nhiều lứa tuổi muốn duy trì vận động để rèn luyện sức khỏe, từ thanh niên đến người già, đặc biệt là những người ở căn hộ không có nhiều không gian cho các máy móc tập luyện cồng kềnh. Ngay khi có những sản phẩm, ông đã có "đơn hàng" đầu tiên từ con gái út. Cô mua liền 3 cái để sử dụng và tặng cho bạn bè.

Một người bạn thâm giao dùng từ "bái phục" khi được ông Minh tặng sản phẩm này, không phải vì nó quá độc đáo mà vì khả năng sáng tạo không mệt mỏi của ông.

"Tôi biết có nhiều người là giáo sư vật lý nhưng thất nghiệp cũng không biết làm gì, phải chạy xe ôm để kiếm sống. Nhưng ông Minh thì khác. Ông ấy luôn có những ý tưởng mới mẻ và biết cách giúp ý tưởng đó thành công", người này nói.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, những bước chân của ông cụ đã không còn vững chãi và bị lãng tai khá nặng. Nhưng bên trong dáng vẻ có phần run rẩy ấy là một bộ óc minh mẫn lạ thường. Ông say sưa kể về quá trình tạo ra Philabedgym, về 2 sản phẩm khác mà ông đang ấp ủ là đai đỡ cột sống có thể điều chỉnh độ cao và khẩu trang ngừa virus. Các sản phẩm này cũng đã thành hình, đang trong quá trình xin giấy phép trước khi được lưu hành ra thị trường.

Cụ ông 87 tuổi sáng chế dụng cụ tập kháng lực - 4
Ở tuổi 87, cụ ông Phan Văn Minh vẫn say sưa nghiên cứu và không ngừng sáng tạo (Ảnh: Quang Khoa).

Khi được hỏi ở tuổi này, con cháu cũng đã có cơ ngơi, sao ông không nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già và phải vất vả liên tục với những dự án mới, ông cười nói già mà không suy nghĩ, không làm việc thì não "teo" lại. Trong nhà ông lúc nào cũng có một bàn cờ, thỉnh thoảng ngồi chơi cùng các bạn già để bắt não làm việc. Còn những dự án kinh doanh mới giống như một niềm đam mê để ông theo đuổi, háo hức thức dậy vào mỗi buổi sáng vậy.

"Tạo ra một sản phẩm để thương mại, ai cũng muốn thu về lợi nhuận bởi đó chính là minh chứng cho thấy giá trị của sản phẩm cũng như cho các con tôi thấy cha chúng già nhưng vẫn còn được việc. Nhưng trên hết, tôi muốn mang đến một sản phẩm rèn luyện sức khỏe tốt, ai cũng dễ dàng có được, góp phần nâng cao sức khỏe và thể trạng của người Việt", cụ Minh lý giải.

Thông tin chi tiết, liên hệ:

Showroom: Số 22 Raymondienne, phường Tân Phú, quận 7, TPHCM.

Website: https://philabedgym.com/trang-chu.html/

https://www.theducchongluoiphila.com/trang-chu.html

Hotline: 0908 700 913 - 0942 944 217

Email: vanminh.phan2021@gmail.com