Cú "đảo pha" ngoạn mục của cổ phiếu công ty đại gia Trịnh Văn Quyết

Mai Chi

(Dân trí) - Đầu phiên sáng, chịu ảnh hưởng bởi thông tin thua kiện Xây dựng Hòa Bình, cổ phiếu FLC bị bán mạnh và giảm khá sâu. Tuy nhiên, lực bắt rất mạnh đã đẩy mã này "đổi màu" ngoạn mục.

Cú đảo pha ngoạn mục của cổ phiếu công ty đại gia Trịnh Văn Quyết - 1

Giới đầu tư đang hồi hộp chờ đợi diễn biến VN-Index khi bước vào vùng quan trọng 1.180 điểm (Ảnh minh họa: VNDS)

Ngay đầu phiên giao dịch ngày 11/3, các chỉ số đã bật tăng mạnh. Trạng thái tăng xác lập từ sớm khiến tinh thần giới đầu tư trở nên khá hưng phấn.

Vẫn còn áp lực chốt lời nhất định khi VN-Index một lần nữa bước vào vùng thử thách quan trọng 1.180 - 1.200 điểm. Tuy nhiên, lần này, lực bán ra đã không còn mạnh như trước. Kết quả, đóng phiên, VN-Index vẫn tăng 11,65 điểm tương ứng 1% lên 1.181,73 điểm.

Trong khi đó, HNX-Index cũng tăng 6,42 điểm, tương ứng tăng 2,4% lên 273,52 điểm; UPCoM-Index tăng 0,1 điểm tương ứng 0,12% lên 80,34 điểm.

Thanh khoản đạt 629,1 triệu cổ phiếu tương ứng 15.111,02 tỷ đồng trên HSX và 158,67 triệu cổ phiếu tương ứng 2.562,33 tỷ đồng trên HNX; con số này trên UPCoM là 53,98 triệu cổ phiếu tương ứng 940,36 tỷ đồng.

Phiên bứt tốc này của thị trường đương nhiên không thể thiếu vai trò của các cổ phiếu lớn, đặc biệt là sự mở đường, dẫn dắt của các mã ngành ngân hàng, chứng khoán.

27/30 mã trong rổ VN30 ngày hôm qua tăng giá. Trong đó, VPB tăng tăng 4,2%, STB tăng 3,2%; BID tăng 3,1%; SSI tăng 2,6%; TCB tăng 2,2%; CTG tăng 1,7%; HDB và MBB cùng tăng 1,1%... Bên sàn HNX, bộ đôi SHB và SHS cũng lần lượt tăng 6,1% và 2,9%.

Giới quan sát phiên hôm qua cũng dành mối quan tâm lớn đối với cặp đôi cổ phiếu FLC và HBC sau khi có thông tin kết quả tranh chấp bước đầu của hai doanh nghiệp này.

Cú đảo pha ngoạn mục của cổ phiếu công ty đại gia Trịnh Văn Quyết - 2

Diễn biến cổ phiếu FLC trong phiên 11/3 (ảnh chụp màn hình đồ thị)

Cú đảo pha ngoạn mục của cổ phiếu công ty đại gia Trịnh Văn Quyết - 3

Diễn biến cổ phiếu HBC trong phiên 11/3 (ảnh chụp màn hình đồ thị)

Theo đó, thông tin từ Công ty Luật TNHH ALB & Partners cho biết, một trong hai hợp đồng có tranh chấp giữa hai bên, phát quyết trọng tài chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của HBC, buộc FLC phải thanh toán cho Hòa Bình số tiền hơn 234,85 tỷ đồng.

Mặc dù phán quyết có giá trị chung thẩm, ràng buộc các bên và có hiệu lực từ ngày 14/11/2020, vấn đề đặt ra là tiến độ thi hành của FLC trả số tiền này cho HBC trên thực tế.

Diễn biến trở nên gay cấn hơn khi doanh nghiệp do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch HĐQT cho biết không đồng tình với phán quyết của VAIC. Ngày 8/3, FLC khởi kiện Tập đoàn Hòa Bình về vấn đề vi phạm trong tiến độ, chất lượng xây dựng của doanh nghiệp này tại dự án FLC Sầm Sơn. FLC cũng cho rằng số tiền mà Hòa Bình đưa ra buộc FLC phải chấp nhận thanh toán là "vô căn cứ".

Ngay từ đầu phiên 11/3, trong lúc thị trường tăng mạnh thì FLC lại chịu áp lực bán lớn. Mã này có lúc đã về mức 6.350 đồng/cổ phiếu và hầu hết thời gian trong phiên sáng đều giao dịch ở vùng giá "đỏ".

Nếu quan sát kỹ giao dịch tại FLC trong phiên, có thể thấy lực đỡ đối với mã cổ phiếu này rất mạnh. Bên mua tung vào rất nhiều lệnh lớn và đỡ giá không cho cổ phiếu giảm sâu. Do đó, ngay cả khi bị dồn ép thì mã này vẫn không về mức sàn.

Tình hình phiên chiều với FLC trở nên khác hẳn. Khi nguồn cung rẻ cạn dần, cổ phiếu này "đổi màu" ngoạn mục sang sắc xanh và có lúc tăng lên 6.680 đồng/cổ phiếu trước khi đóng cửa ở 6.620 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ 0,5%. Khớp lệnh tại mã này cao với 27,34 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.

Về phía HBC, ngược lại với FLC, HBC có khởi đầu thuận lợi và tăng giá mạnh từ đầu phiên và đạt mức giá 19.300 đồng/cổ phiếu. Sau đó, biên độ tăng phần nào được thu hẹp và HBC đóng cửa tại mức giá 18.850 đồng/cổ phiếu và cũng chỉ tăng 0,8%.

Tính chung, toàn thị trường phiên 11/3 có 583 mã tăng giá, 50 cổ phiếu tăng trần so với 375 mã giảm, 26 mã giảm sàn. Về thanh khoản, ngoài khớp lệnh cao tại FLC thì thị trường còn chứng kiến giao dịch cực sôi động ở SHB với khối lượng khớp lên tới 58,16 triệu đơn vị và tại STB là 34,59 triệu đơn vị.

Theo nhận định của chuyên gia phân tích tại BVSC, VN-Index dự báo tiếp tục thử thách vùng kháng cự 1185-1200 điểm trong phiên cuối tuần. Đây vẫn là vùng kháng cự mạnh về cả mặt tâm lý và kỹ thuật đối với chỉ số.

Do đó, BVSC cho rằng, thị trường có thể vấp phải áp lực điều chỉnh trở lại khi tiếp cận vùng cản này.

Về tổng thể, thị trường vẫn sẽ dao động trong vùng được giới hạn bởi cận trên là vùng cản 1.185-1.200 điểm và cận dưới 1.150-1.155 điểm. Diễn biến của thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.