Cư dân mạng phát cuồng vì quảng cáo Kangaroo?
(Dân trí) - Mỗi clip chỉ vài giây với tiếng nổ chát chúa kèm theo câu khẩu hiệu duy nhất. Kangaroo đang gây sốc cho người dân hay đó chính là cách mà nhãn hàng này tận dụng sức mạnh của truyền thông để tiếp thị?
Clip quảng cáo của nhãn hàng kangaroo gây dư luận xôn xao trong những ngày qua (Ảnh chụp từ màn hình)
Những chiêu quảng cáo, tiếp thị của các hãng đã dần trở nên nhàm chán đối với người tiêu dùng. Các nhãn hàng luôn phải cố gắng tận dụng mọi cơ hội để gây ấn tượng với mọi người, thậm chí bằng cách để lại ấn tượng không tốt.
Bắt đầu từ những ồn ào của cuộc thi Vietnam Idol 2010, người ta đã thấy rõ hơn hết sức mạnh của thế giới ảo, khi một cô gái không hẳn đã là đặc biệt tài năng đã làm dậy sóng cộng đồng mạng và khiến cuộc thi trở nên “hot” hơn bao giờ hết. Tất nhiên người hưởng lợi ở đây là nhà đài và công ty tổ chức cuộc thi vì thu hút thêm nhiều hợp đồng quảng cáo béo bở. Còn những cư dân mạng “ngây thơ” hay “cố tình” lao vào những cuộc khẩu chiến trên mạng, chỉ làm tăng sự tò mò của công chúng và thu hút thêm số người xem cho chương trình.
Sau đó, hàng loạt những bài viết về đời tư của các ngôi sao xuất hiện, như trên Facebook Sao Việt nói về nữ diễn viên Hồng Ánh, rồi những bài lập lờ về ca sĩ Hiền Thục, và chính cô ca sĩ mới nổi cũng bị cư dân mạng “ném đá” bằng cách tung clip chế nhạo v.v… Thật sự mọi thứ đã đi quá đà và người ta bắt đầu nghi ngờ về tính chân thực của truyền thông cũng như sự bát nháo của thế giới ảo. Nhiều nhãn hàng, thương hiệu nổi tiếng cũng lợi dụng sự hai mặt của thế giới ảo để tung ra các chiêu thức thu hút sự quan tâm của công chúng.
Gần đây nhất là vụ clip về thương hiệu Kangaroo xuất hiện ngay trong phần quảng cáo trước trận đấu chung kết Champions League giữa 2 đội Barcelona và MU. Dài chưa đầy 5 giây nhưng nội dung trong clip lặp lại đến gần chục lần liên tục với một tiếng nổ chát chúa, kèm theo câu: “Kangaroo - máy lọc nước hàng đầu Việt Nam”. Phần hình ảnh chỉ có duy nhất logo, hình ảnh sản phẩm và địa chỉ liên hệ với nhà sản xuất.
Clip này ngay sau đó đã nhận được những phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng, phần nhiều cho rằng nó quá phản cảm. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ của những người làm truyền thông, tiếp thị, chính sự phản cảm này lại đạt được những thành công nhất định.
Không cần biết nó gây phản cảm hay không nhưng nhãn hàng ấy đã trở nên nổi tiếng và chắc chắn người ta sẽ để ý tới nó khi thấy nó ở đâu đó. Có thể người ta sẽ không mua nhưng chắc chắn sẽ xem nó là cái gì mà đã gây “bức xúc” và nếu thật sự nó là một sản phẩm tốt và giá phải chăng thì người ta cũng sẵn sàng mua nó. Thậm chí, những người thóa mạ và chế giễu nó trên mạng biết đâu lại sẽ là những khách hàng tiềm năng của nhãn hàng này. Xét về góc độ chuyên môn, clip ấy không hề phản cảm vì không hề vi phạm thuần phong mỹ tục hay quá lố, chỉ hơi đơn điệu về màu sắc và hình ảnh.
Vì thế, việc một số trang mạng xã hội tố cáo clip này là phản cảm e rằng chưa công bằng lắm mà còn vô tình giúp cho nhãn hàng ấy ngày càng nổi tiếng hơn, vô hình chung đã quảng cáo “không công” cho nhãn hàng. Có lẽ họ bị dị ứng bởi cách làm lặp đi lặp lại và cách xen vào giữa đoạn gay cấn của trận đấu.
ThS.Bùi Quang Vĩnh
Khoa Quản Trị Kinh Doanh - ĐH Công Nghệ TPHCM