1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

CPI tháng 10 bất ngờ giảm tốc

(Dân trí) - So với mức tăng 2,2% của tháng 9, lạm phát tháng 10 đã dịu đi nhanh chóng, chỉ còn 0,85% và tăng 6,02% so tháng 12/2011. Không quá nóng như tháng trước, song giá cả nhóm y tế và giao dục (tác nhân chính gây đột biến trong tháng trước) vẫn duy trì cao.

Giá lương thực, thực phẩm tháng này đã tăng trở lại.

Giá lương thực, thực phẩm tháng này đã tăng trở lại.

Tổng cục Thống kê sáng nay (24/10) vừa có báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2012. Theo đó, tháng này, CPI tăng 0,85% so tháng trước, giảm mạnh so mức "ngất ngưởng" 2,2% thiết lập hồi tháng 9.

So với cùng kỳ tháng 10/2011, CPI tháng 10 này đã tăng 7% và tăng 6,02% so mốc tính tháng 12/2011.
 
Tại phiên Khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII hôm 22/10 vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong những tháng cuối năm sẽ thực hiện các biện pháp để giữ mức lạm phát cả năm khoảng 8%.

Như vậy, với mục tiêu 8% đặt ra, lạm phát cả nước trong năm nay vẫn đảm bảo dưới 2 con số, và trong hai tháng còn lại, bình quân, mỗi tháng lạm phát không đến 1%.

Trong tháng này, ngoài nhóm Bưu chính viễn thông giảm giá thì 10 trên 11 nhóm hàng trong rổ tính giá đều có chỉ số giá tăng, tuy nhiên, mức tăng ở các nhóm hàng không đáng kể.

CPI tháng 10/2012 ghi nhận sự tăng giá trở lại của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Sau nhiều tháng liên tục giảm thì tháng này, chỉ số giá ở nhóm này đã nhích lên 0,29% so tháng trước. Trong đó lương thực tăng 0,37%, thực phẩm tăng 0,28% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,27%.

Đây cũng là nhóm chiếm tỉ trọng lớn nhất trong rổ tính giá, gần 40%, do đó, việc chỉ số giá ở nhóm này duy trì đạt thấp trong gần suốt năm nay đã giúp kìm mức tăng CPI chung của cả nước. Cho đến nay, những mối lo về an toàn thực phẩm vẫn đang đặt ra bài toán đau đầu cho cơ quan quản lý. Việc đồn đoán nếu lan truyền về các loại thực phẩm, hoa quả nếu không được làm rõ sẽ gây thiệt hại cho không chỉ người tiêu dùng mà cả người kinh doanh các mặt hàng này.

"Thủ phạm" gây ra lạm phát đột biến trong tháng 9 là hai nhóm thuốc - dịch vụ y tế và giáo dục vẫn giữ mức tăng cao nhất so với các nhóm hàng khác. Đây đều là hai nhóm hàng thuộc về dịch vụ công.

Tháng này, giá thuốc và dịch vụ y tế vẫn tăng tới 5,94% so tháng trước, trong đó dịch vụ y tế tăng 7,78%. Nhóm giáo dục tăng 1,88%, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 2,1%.

Một nhóm hàng khác có chỉ số giá tăng trên 1% là nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 1,09%. Nhóm này bao gồm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng. Trong những tháng gần đây, mức tăng giá ở nhóm này thường đạt cao, dự kiến, giai đoạn cuối năm sẽ còn tăng.Vì bao gồm tiền thuê nhà và điện, nước, chất đốt - những yếu tố cơ bản của phần lớn người dân nhập cư tại các thành phố lớn, nên mức tăng giá cao ở nhóm này rất đang lo ngại và sức tác động đến chi tiêu người tiêu dùng sẽ rộng hơn.

"Nhấp nhổm" tăng giá, xăng dầu vẫn chưa tác động nhiều đến chi phí giao thông. Trong tháng, nhóm này chỉ tăng 0,61% so tháng trước.

Các nhóm hàng khác như đồ uống - thuốc lá; may mặc, mũ nón, giầy dép; thiết bị - đồ dùng gia đình; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác lần lượt tăng 0,17%; 0,55%; 0,3%; 0,24% và 0,71%.

Không nằm trong rổ tính giá, với những diễn biến sôi động trong thời gian vừa qua, giá vàng tháng 10 đã tăng 4,64% so tháng 9, chỉ số giá USD cũng tăng 0,06%.

Ở các thành phố lớn, CPI Hà Nội tăng 0,37%, TPHCM tăng 0,4%, Hải Phòng tăng 0,37% và Thừa Thiên Huế tăng 0,44%. Tăng cao nhất phải kể đến Thái Nguyên, lạm phát tháng 10 tới 4,78%. Ở địa phương này, chi phí dịch vụ y tế rất đáng lo ngại, tăng đến 72,26% so tháng trước trong khi ở các thành phố đã nêu, hầu như không thay đổi.
Bích Diệp