1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Covid-19 khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm mạnh

(Dân trí) - Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế xuống thấp nhất 30 năm, Cục Hàng không vừa có đề xuất nghiên cứu khôi phục các chuyến bay quốc tế thương mại thường lệ đưa khách vào Việt Nam vào cuối tháng 7/2020.

Covid-19 khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam thấp nhất 30 năm qua

"Qua rà soát dữ liệu thống kê từ năm 1991 đến nay, chưa bao giờ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm trong gần 30 năm qua của Việt Nam lại thấp kỷ lục như hiện nay" - ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia - Tổng cục Thống kê cho biết tại cuộc họp báo sáng 29/6.

Cụ thể, tăng trưởng GDP của Việt Nam quý 2 chỉ đạt 0,36%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (2011-2020). Tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2020 cũng được ghi nhận con số thấp nhất trong 10 năm.

Dù tốc độ tăng trưởng của Việt Nam gần như thấp nhất trong gần 30 năm qua , nhưng theo ông Hùng, tăng trưởng vẫn dương, so với quốc tế chúng ta vẫn có điểm sáng vì nhiều nước tăng trưởng âm.

Việt Nam dự kiến “mở cửa” đường bay quốc tế vào cuối tháng 7

Giữa bối cảnh phát triển kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”, Cục Hàng không Việt Nam mới đây đã có kiến nghị lên Bộ Giao thông Vận tải về các quy định để khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam.

Covid-19 khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm mạnh  - 1

Việt Nam dự kiến “mở cửa” đường bay quốc tế vào cuối tháng 7

Cơ quan này cho rằng có thể nghiên cứu khôi phục các chuyến bay quốc tế thương mại thường lệ đưa khách vào Việt Nam vào cuối tháng 7/2020. Đường bay quốc tế có thể mở đến các quốc gia/vùng lãnh thổ không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong 30 ngày liên tục.

Để duy trì và đảm bảo tính khả thi thì không nên hạn chế nguồn khách, bao gồm cả nguồn khách du lịch, tuy nhiên phải siết chặt điều kiện khách đảm bảo quy định được phép nhập cảnh và dứt khoát không chấp nhận khách quá cảnh.

Thủ tướng ra “tối hậu thư” yêu cầu hàng loạt “ông lớn” thoái vốn nhà nước

Yêu cầu nói trên được nhấn mạnh trong Quyết định 908/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành.

Theo danh mục DN có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 là DN do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 gồm 120 DN.

DN chuyển giao về SCIC để thực hiện thoái vốn, hoàn thành chuyển giao trước 31/8/2020 gồm 14 doanh nghiệp: Tổng Công ty CP xây dựng công nghiệp Việt Nam (Bộ Công Thương), Công ty CP Xây dựng và Nhập khẩu Tổng hợp (Bộ Công Thương), Công ty CP Nông thổ sản Việt Nam (Bộ Công Thương), Tổng Công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Bộ Công Thương), Công ty CP Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)…

Không để tăng giá, phải giảm giá để kích cầu tiêu dùng!

Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Trong nửa cuối năm 2020, cần tiếp tục kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo sự ổn định và nền tảng thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển, sản xuất kinh doanh, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, của người dân vào công tác điều hành chung của Chính phủ, “không chỉ tập trung tháo gỡ để tăng trưởng mà còn lưu ý hơn nữa đến giá cả, lạm phát”.

Sức ép tăng giá, lạm phát vẫn còn lớn, đặc biệt là giá dầu thô, lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng, nhiều nước đã giảm giá đồng tiền.

Trong bối cảnh ấy, chúng ta kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, Thủ tướng khẳng định “chúng ta sẽ rất linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, nhất là thời điểm, mức độ can thiệp các công cụ chính sách để không ảnh hướng đến mục tiêu phục hồi và phát triển nền kinh tế”.

Hóa đơn điện "nhảy múa": Đã có bao nhiêu vụ ghi nhầm chỉ số công tơ?

Covid-19 khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm mạnh  - 2

Những vấn đề liên quan tới hoá đơn tiền điện tiếp tục "nóng"

Những vấn đề liên quan đến hoá đơn tiền điện vẫn tiếp tục “nóng” trong tuần qua. Chiều ngày 30/6, Đoàn kiểm tra, xác minh về hoá đơn tiền điện tăng cao của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có cuộc làm việc tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc - EVNNPC.

Ông Đỗ Văn Năm – Phó Trưởng Ban Kinh doanh EVNNPC cho biết, hiện nay tại Tổng công ty có 3 hình thức ghi chỉ số công tơ. Trong đó, ghi chỉ số tự động hoàn toàn tự động là 1,17 triệu công tơ; ghi chỉ số bán tự động là hơn 1,5 triệu; thủ công là hơn 7,7 triệu.

Thông tin về kết quả kiểm tra, phúc tra chỉ số công tơ đối với khách hàng có sản lượng tăng từ 1,3 lần, đại diện EVNNPC cho biết: Số khách hàng tháng 5 tăng so với tháng 4 từ 1,3 lần trở lên có hơn 1,47 triệu khách hàng, thực hiện kiểm tra hơn 1,34 triệu khách hàng, phát hiện có 2.056 trường hợp ghi nhầm chỉ số công tơ, đã sửa sai, phát hành hoá đơn và thu tiền của khách hàng.

Còn tháng 6/2020 đã phát hành hơn 10,2 triệu hoá đơn trên địa bàn 27 tỉnh. Số khách hàng tháng 6 tăng so với tháng 5 từ 1,3 lần trở lên (tính đến hết ngày 24/6) là hơn 4,46 triệu khách hàng.

“Đã thực hiện kiểm tra đến hết ngày 20/6 là hơn 3,53 triệu khách hàng, phát hiện có 2.175 khách hàng ghi nhầm chỉ số công tơ hay công tơ cháy, kẹt… Hầu hết các trường hợp đã được phát hiện và sửa chỉ số trước khi phát hành hoá đơn”, ông Năm thông tin.

Sau ồn ào ghi nhầm, lại xuất hiện hoá đơn điện nhiều tháng liền giống nhau

Mới đây, một người dân ở Tiền Giang phản ánh hoá đơn tiền điện của gia đình 6 tháng liền giống hệt nhau , không sai một số.

Trả lời câu hỏi liên quan đến các vụ việc nêu trên, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn EVN cho biết, quy trình kinh doanh đã được sửa đổi nhiều lần, tuy nhiên đây là tình huống thực tế trong cuộc sống, tức là có nhiều lúc công nhân ghi chỉ số tới không gặp được khách hàng.

Trong những tình huống này, quy trình tập đoàn cho phép công nhân được tạm tính bằng trung bình 2 tháng trước, nhưng quá trình này chỉ được kéo dài 2 tháng tạm tính. Sau đó công nhân phải gặp khách hàng, thỏa thuận với khách hàng di chuyển công tơ ra ngoài. Tất cả trường hợp không ghi được phải tạm tính thì đa phần là công tơ cơ, còn công tơ điện tử đo từ xa không phát sinh vấn đề này.

Vụ hóa đơn tiền điện tăng: Một người dân Hà Nội thuê luật sư tính kiện EVN

Thời gian qua, nhiều phản ánh về hoá đơn tiền điện tăng vọt. Chia sẻ với Dân trí, ông Đ.H.N (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết đã thuê luật sư, lên phương án kiện Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) về việc thiếu minh bạch trong việc tính số điện.

Anh Đ.H.N cho rằng, EVN là đơn vị cung cấp điện độc quyền, do vậy trước những vấn đề khách hàng đặt ra, cần một bên thứ ba độc lập đứng ra phân xử để đảm bảo khách quan, chính xác.

“Tôi đang lên phương án một cách bài bản về vấn đề khởi kiện. Có thể sẽ khởi kiện EVN Hoàn Kiếm - đơn vị trực tiếp cung cấp điện trong hợp đồng mua bán, cũng có thể là EVN Hà Nội hoặc cao hơn là Tập đoàn EVN.

Sau thông tin tôi chia sẻ trên trang cá nhân, có rất nhiều khách hàng cùng "cảnh ngộ", con số lên tới hàng nghìn người, họ nói cũng muốn tham gia. Do vậy, tôi cũng đang cân nhắc. Mục tiêu của tôi là đòi hỏi họ phải minh bạch và buộc họ chứng minh được sự minh bạch của mình, tiến tới cho một xã hội công bằng văn minh” - ông Đ.H.N chia sẻ.

Mai Chi

Tổng hợp