Công ty thép Tam Điệp được miễn thuế có công bằng?

Các doanh nghiệp sản xuất ngành thép đang bức xúc chuyện Công ty TNHH cán thép Tam Điệp (KCN thị xã Tam Điệp, Ninh Bình) được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu phôi thép. Vì sao Công ty Tam Điệp được hưởng ưu đãi này?

Cơ sở để các cơ quan chức năng cho Công ty Tam Điệp được miễn thuế nhập khẩu thép là vì công ty này đầu tư nhà máy ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn (thuộc danh mục C), theo nghị định 51 của Chính phủ về qui định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước. Nếu theo qui định này thì Công ty Tam Điệp sẽ được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu tới năm năm, kể từ ngày đi vào sản xuất. 

 

Theo công văn của Bộ Thương mại, Công ty TNHH cán thép Tam Điệp sẽ được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép trong năm 2005, số lượng là 110.000 tấn phôi thép. Hiệu lực của công văn sẽ kéo dài đến hết tháng 12/2005.

 

Điều này cũng có nghĩa chỉ riêng năm 2005, Công ty Tam Điệp sẽ được lợi ít nhất trên 30 tỉ đồng so với các doanh nghiệp khác khi không phải chịu mức thuế suất 5% mỗi khi nhập khẩu phôi thép về sản xuất.

Chiều 4/10, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Phạm Gia Quang - giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Ninh Bình -  khẳng định đã từ lâu Ủy ban Dân tộc - miền núi xác định thị xã Tam Điệp là thị xã miền núi và đến nay Ủy ban Dân tộc - miền núi vẫn chưa bãi bỏ văn bản này. 

 

Ông Quang cũng nói rằng đã làm đúng các qui định tại nghị định 51 về qui định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước và nghị định 35 sửa đổi danh mục A, B, C ban hành kèm theo nghị định 51. Ông Quang nhấn mạnh: “Tỉnh làm đúng và các doanh nghiệp đóng tại thị xã Tam Điệp là thị xã miền núi nên được hưởng ưu đãi miễn thuế là đúng”.

 

Thế nhưng qua tra cứu danh mục được hưởng ưu đãi đầu tư theo nghị định 51 của Chính phủ, tại phụ lục C qui định cụ thể các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt  khó khăn - điều kiện để  được miễn thuế nhập khẩu  - lại không có thị xã Tam Điệp. 

 

Thị xã Tam Điệp cùng với huyện Nho Quan (cũng của Ninh Bình) chỉ nằm ở danh mục B - địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; như vậy các doanh nghiệp hoạt động ở đây chưa đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi đầu tư đến mức được miễn cả thuế nhập khẩu nguyên vật liệu.

 

Tra cứu nghị định 35 sửa đổi danh mục ưu đãi đầu tư đã ban hành tại nghị định 51 thì tỉnh Ninh Bình cũng không có địa bàn nào nằm trong danh mục C - địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Tại danh mục B, Ninh Bình có ba đơn vị là thị xã Tam Điệp, huyện Nho Quan và huyện Yên Mô.

 

Để cẩn thận hơn, chiều cùng ngày chúng tôi với tư cách là nhà đầu tư đã liên hệ với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình để hỏi và được một cán bộ ở đây khẳng định Tam Điệp, Nho Quan, Yên Mô đều thuộc “danh mục B, không thuộc danh mục C”.

 

Trong khi đó, trả lời chúng tôi qua điện thoại chiều 4/10, ông Đặng Lê Hoa, giám đốc Công ty TNHH cán thép Tam Điệp, khẳng định việc doanh nghiệp ông được hưởng các mức thuế suất ưu đãi nói trên đều có sự chấp thuận của các bộ ngành có thẩm quyền như Bộ Tài chính, Bộ Thương mại thông qua sự đề xuất của UBND tỉnh Ninh Bình.

 

“Lý ra chúng tôi đã được hưởng mức thuế ưu đãi nói trên từ vài năm trước rồi. Nhưng do cấp trên cứ điều tra tới điều tra lui rồi mới công nhận nên bây giờ mới được. Kỳ công lắm đấy!”, ông Hoa nói. 

 

Liệu việc ưu đãi thuế cho Công ty Tam Điệp có chính xác? Các doanh nghiệp ngành thép đang chờ các cơ quan chức năng trả lời. 

 

Theo T.Tu – Trần Vũ Nghi

Báo Tuổi trẻ