1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Công ty may từ hơn 4.000 nhân viên còn 35 người rẽ hướng làm bất động sản

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Garmex Sài Gòn, công ty may mặc lớn ở TPHCM giảm từ hơn 4.000 nhân viên còn 35 người, đang bán máy móc, thanh lý tài sản để khắc phục khó khăn và chuyển hướng đầu tư vào dự án bất động sản.

Tạm ngừng sản xuất vì không có đơn hàng từ tháng 5/2023

Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (mã chứng khoán: GMC) - doanh nghiệp may mặc nổi tiếng tại TPHCM với hơn 20 năm hoạt động - đã cắt giảm khoảng 4.000 nhân viên trong 2 năm 2022-2023. Tính đến cuối năm 2023, doanh nghiệp này còn 35 người.

Tình hình hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn do không có đơn hàng. Mới đây, công ty có gửi báo cáo cập nhật về hoạt động lên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE).

Công ty xác nhận bị tạm ngừng sản xuất, kinh doanh chính từ tháng 5/2023 đến nay do không có đơn hàng. Trong năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, thiếu đơn hàng để hoạt động, đơn hàng nhỏ, năng suất thấp, giá gia công cạnh tranh dẫn đến doanh thu không bù đắp chi phí. Công ty đã phải tổ chức lại bộ máy, tiếp tục cắt giảm lao động, tạm ngưng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại.

Từ tháng 5/2023 đến nay, công ty tạm ngưng sản xuất gồm may trang phục và tủ vải do chưa nhận được đơn hàng. Chỉ nhân sự kho của các nhà máy và một số nhân viên nghiệp vụ gián tiếp được giữ lại để bảo quản hàng lưu kho, rà soát các tài sản không còn dùng để chuẩn bị thanh lý. Do đó, chi phí cho ngành hàng may vẫn phát sinh dù không có doanh thu.

Công ty may từ hơn 4.000 nhân viên còn 35 người rẽ hướng làm bất động sản - 1

Garmex Sài Gòn gặp khó khăn (Ảnh minh họa: GMC).

Bán tài sản, rẽ hướng sang bất động sản

Tìm đối tác để bán tài sản không sử dụng là một trong những phương án Garmex Sài Gòn đưa ra nhằm khắc phục khó khăn giai đoạn hiện tại.

Tháng 9-10/2023, công ty đã bán thanh lý một số máy móc thiết bị hư hỏng theo hình thức chào giá cạnh tranh. Đến tháng 12/2023, công ty tiếp tục đấu giá thêm ô tô, xe tải, máy thêu, máy giặt, máy sấy công nghiệp nhưng chỉ đấu giá thành công lô máy giặt, máy sấy công nghiệp.

Một giải pháp khác là đa dạng hóa ngành nghề, tránh rủi ro. Công ty chọn đầu tư vào nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới, trong đó có bất động sản. Doanh nghiệp này tăng phần vốn góp tại Công ty cổ phần Phú Mỹ (công ty liên kết) từ 4,3 tỷ đồng lên 18,2 tỷ đồng. Đến giờ, Garmex Sài Gòn đã góp gần 24 tỷ đồng. Công ty Phú Mỹ là chủ đầu tư của dự án nhà ở thương mại Phú Mỹ (Bình Dương).

Ngoài ra, ngày 26/2 vừa qua, HĐQT đã thông báo thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua kế hoạch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại nhiều lô đất khác nhau. Công ty có kế hoạch chuyển nhượng thửa đất hơn 5ha tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thửa đất 2,6ha tại cụm Công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Trong năm 2023, doanh thu của Garmex Sài Gòn đạt hơn 8 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế âm 52 tỷ đồng. Năm thứ 2 liên tiếp, doanh nghiệp đã thua lỗ dù trước đó có nhiều giai đoạn phát triển rực rỡ.

Năm 2018, công ty có doanh thu vượt 2.045 tỷ đồng và lợi nhuận 121 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động. Năm 2019, công ty cũng có lợi nhuận tốt đạt 104 tỷ đồng.

Garmex Sài Gòn bắt đầu phát sinh lỗ từ quý II/2020 với số lỗ hơn 8 tỷ đồng, doanh thu giảm 31%. Lúc này, nguyên nhân giảm doanh thu là tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, đơn hàng giảm. Việc thua lỗ kéo dài sang quý III/2020 nhưng cả năm, công ty vẫn lãi.

Tuy nhiên, Garmex Sài Gòn chỉ thực sự suy sụp vào năm 2022. Lần đầu tiên trong lịch sử công ty kể từ khi niêm yết, lợi nhuận cả năm lỗ khoảng 66 tỷ đồng. Doanh thu cũng giảm 73% xuống còn 292 tỷ đồng, mất mốc doanh thu nghìn tỷ mà doanh nghiệp duy trì được suốt 9 năm liên tiếp (từ 2012).

Giải trình về sự suy giảm này, doanh nghiệp cho biết năm 2022, công ty chủ yếu sản xuất các đơn hàng gia công. Đồng thời từ giữa tháng 8, công ty phải tạm ngừng sản xuất ở một số nhà máy để khắc phục chất lượng nên hầu hết hàng sản xuất ra phải lưu kho. Bước sang quý IV/2023, công ty nhận sản xuất các đơn hàng gia công số lượng nhỏ, giá cạnh tranh, năng suất thấp nên doanh thu giảm đáng kể.