Công ty Kính nổi Chu Lai tiếp tục xin được nhập khẩu "hàng cấm"

(Dân trí) - Công ty Kính nổi Chu Lai kiến nghị tiếp tục được nhập khẩu mặt hàng nằm trong danh mục cấm nhập khẩu là săm lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng với lượng 130 nghìn tấn/năm đến hết năm 2021 để bổ sung nguồn nguyên liệu thu mua trong nước còn thiếu


(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Theo nguồn tin của Dân trí, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc xử lý nhập khẩu của công ty Cổ phần kính nổi Chu Lai - INDEVCO đối với mặt hàng săm lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng để sản xuất nhiên liệu phục vụ sản xuất kính của công ty.

Tại công văn này, Bộ Tài chính cho biết, theo kết quả kiểm tra của đoàn công tác liên ngành, lượng săm lốp ô tô, cao su thu mua trong nước dùng làm nguyên liệu sản xuất cho INDEVCO không ổn định do số lượng không nhiều và giá trên thị trường luôn biến động dù công ty đã lập kế hoạch phát triển các mạng lưới, hệ thống đại lý để đẩy mạnh việc mở rộng thu mua trong nước và thay thế nhập khẩu.

Phía UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép công ty tiếp tục được nhập khẩu săm lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng với lượng 130 nghìn tấn/năm đến hết năm 2021 để bổ sung nguồn nguyên liệu thu mua trong nước còn thiếu, đảm bảo cho nhà máy xử lý phế thải cao su và plastic tại Ninh Bình. UBND tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị tiếp tục cho áp dụng cơ chế ưu đãi với mức thuế suất nhập khẩu 3%.

Hiện Bộ Công Thương đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét cho phép nhập khẩu như trên. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị trước mắt cho nhập khẩu không quá 260 nghìn tấn trong thời hạn 2 năm.

Dù thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu nhưng trước đó, từ tháng 5/2013, Công ty Cổ phần Kính nổi Chu Lai được Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu săm lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tối đa 160 nghìn tấn/năm từ năm 2013 - 2015 với thuế suất ưu đãi 3%.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 3 năm (2013, 2014, 2015), Công ty này đã nhập 271.000 tấn lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng (trong đó năm 2013 là 91 nghìn tấn, 2014 là 112 nghìn tấn và năm 2015 là 65 nghìn tấn). Công ty đã đưa vào sản xuất 166.000 tấn, còn khoảng 105.000 tấn chưa sử dụng.

Công ty này đã đầu tư Nhà máy xử lý phế thải cao su tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Quảng Nam để thực hiện. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề về môi trường, sau đó, công ty này đã thành lập thêm công ty con tại Ninh Bình là Công ty TNHH MTV Công nghiệp Hạ Long (Ninh Bình) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy xử lý phế thải cao su và plastic ở Ninh Bình.

Phương Dung