Công ty đại gia Nguyễn Văn Tuấn lãi tăng đột biến nhờ "thâu tóm" Viglacera

Mai Chi

(Dân trí) - Hết quý I, Gelex, doanh nghiệp do ông Nguyễn Văn Tuấn làm Tổng giám đốc, có khoản lợi nhuận tăng đột biến, chủ yếu đến từ việc Gelex sở hữu chi phối Tổng công ty Viglacera.

Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (mã chứng khoán: GEX) vừa công bố báo cáo quý I. Doanh thu thuần đạt 8.645,4 tỷ đồng, tăng gấp đôi so cùng kỳ. Sau khi khấu trừ giá vốn hàng bán (cũng tăng mạnh) thì lãi gộp của Gelex còn 1.830,1 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần so với quý I/2021.

Lãi tăng bằng lần nhờ "thâu tóm" Viglacera 

Trong kỳ, doanh nghiệp của đại gia Nguyễn Văn Tuấn thu về xấp xỉ 245 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng 18% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí lãi vay và các chi phí khác như bán hàng, quản lý doanh nghiệp cũng tăng theo. Chi phí tài chính tăng 66% lên 508 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 3,5 lần lên 284 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 3,3 lần lên 433,5 tỷ đồng.

Kết quả, Gelex mang về 892,4 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý I, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm 2021. Cộng thêm khoản lợi nhuận khác hơn 8,8 tỷ đồng trong năm, Gelex đạt 901,2 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 2,7 lần so với quý I/2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 693,8 tỷ đồng, tăng 2,4 lần.

Lợi nhuận theo báo cáo tài chính hợp nhất tăng mạnh nhưng theo báo cáo tài chính riêng lẻ công ty mẹ, Gelex chỉ lãi 19,6 tỷ đồng trong quý I. Theo giải trình của Gelex về biến động tăng mạnh của kết quả kinh doanh, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sở hữu chi phối tại Tổng công ty Viglacera từ quý II/2021.

Công ty đại gia Nguyễn Văn Tuấn lãi tăng đột biến nhờ thâu tóm Viglacera - 1

Tổng giám đốc Gelex Nguyễn Văn Tuấn (Ảnh: Gelex).

Cụ thể, trong cơ cấu doanh thu thuần của Gelex, mảng cho thuê bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp từ Viglacera đóng góp 1.592,5 tỷ đồng và mảng vật liệu xây dựng đóng góp 2.190,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lần lượt 18% và 25% tổng doanh thu thuần.

Tính đến 31/3, quy mô tổng tài sản của Gelex đạt 61.522,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Giá trị hàng tồn kho giảm từ 11.533,3 tỷ đồng thời điểm đầu năm về 9.539,4 tỷ đồng sau 3 tháng. Nợ phải trả giảm từ 40.691,5 tỷ đồng xuống còn 39.787 tỷ đồng.

Tình hình vay nợ, đầu tư 

Trên báo cáo tài chính hợp nhất, vay và nợ thuê tài chính của Gelex là hơn 22.773 tỷ đồng, chiếm 57% nợ phải trả. Nguồn vốn vay chủ yếu là từ ngân hàng, trái phiếu. Vay ngắn hạn tại thời điểm 31/3 là 6.676,2 tỷ đồng, thấp hơn đầu năm; vay dài hạn đến hạn trả là 1.096,7 tỷ đồng và đã giảm 542 tỷ đồng.

Các khoản vay dài hạn đến thời điểm cuối quý I là 15.003 tỷ đồng, tăng 1.253 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó khoản vay trái phiếu thường là 6.769,2 tỷ đồng và vay ngân hàng là 8.142,7 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/3, tiền và các khoản tương đương tiền của Gelex là 6.101,1 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với đầu năm. Trong số này, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn không thay đổi so với đầu kỳ, ở mức 3.407,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp có số dư đầu tư tài chính ngắn hạn là 8.053,9 tỷ đồng tăng hơn 680 tỷ đồng sau 3 tháng, trong đó, giá trị chứng khoán kinh doanh đạt 7.797,8 tỷ đồng, tăng hơn 744 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/3, giá trị trái phiếu là 5.928,8 tỷ đồng (giảm nhẹ so với đầu năm) trong khi đó giá trị cổ phiếu là 1.868,9 tỷ đồng (tăng gấp 2,6 lần so với đầu năm tương ứng tăng thêm 1.139,8 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, giá trị đầu tư tài chính dài hạn theo ghi nhận trên Bảng cân đối kế toán tại ngày 31/3 là 1.824,9 tỷ đồng, tăng gần 42 tỷ đồng trong 3 tháng. Mục này chủ yếu là các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết với giá trị 1.692,6 tỷ đồng.

Công ty đại gia Nguyễn Văn Tuấn lãi tăng đột biến nhờ thâu tóm Viglacera - 2

(Biểu đồ: Mai Chi).

Hậu lãnh đạo vướng tin đồn, giá cổ phiếu ra sao?

Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông dự kiến tổ chức ngày 12/5 tới, Gelex trình kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến 36.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.618 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 27% so với thực hiện năm 2021. Với kết quả kinh doanh trong quý I, Gelex đã hoàn thành 24% chỉ tiêu doanh thu và 34% chỉ tiêu lợi nhuận dự kiến.

Trong năm nay, doanh nghiệp của đại gia Nguyễn Văn Tuấn lên kế hoạch niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phần Gelex Hạ tầng; tăng vốn, đăng ký niêm yết với Gelex Electric trên cơ sở vẫn nắm giữ tỷ lệ sở hữu chi phối tại 2 đơn vị này. 

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GEX của Gelex có diễn biến tăng tích cực sau thông tin ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng giám đốc Gelex - đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu. Nếu giao dịch thành công, số cổ phiếu GEX thuộc sở hữu của ông Tuấn sẽ tăng từ 192,3 triệu cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ 22,6%) lên 202,3 triệu cổ phiếu (tương ứng 23,8%).

Bên cạnh đó, nhóm quỹ Dragon Capital cũng đã báo cáo giao dịch mua vào cổ phiếu GEX. Cụ thể, trong phiên 15/4, quỹ thành viên Grinling International Limited đã mua vào 700.000 cổ phiếu và quỹ Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity) đã mua 100.000 cổ phiếu, qua đó lần lượt tăng lượng cổ phiếu nắm giữ lên 2,1 triệu đơn vị (tương ứng 0,25%) và 668.000 đơn vị (0,08%).

Tổng cộng sau giao dịch, nhóm quỹ Dragon Capital nắm giữ 42,6 triệu cổ phiếu GEX, tương ứng tỷ lệ sở hữu đạt 5%, trở lại là cổ đông lớn của Gelex.

GEX bị bán mạnh kể từ phiên 5/4 do bị ảnh hưởng bởi các tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội. Giá cổ phiếu GEX đã thiệt hại rất nặng, từ vùng 40.850 đồng/cổ phiếu lao dốc về mức 27.700 đồng/cổ phiếu ở phiên 20/4. Sau đó, với những tích cực được công bố, mã này đã hồi sinh với những phiên có sắc "xanh lá".