Công ty chứng khoán “vắt óc” tìm chiến lược
Hàng loạt công ty chứng khoán (CTCK) thua lỗ trong năm 2010 và quý I/2011. Các CTCK đang “vắt óc” tìm giải pháp để tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn kéo dài hiện nay.
Trong chia sẻ với cổ đông tại Đại hội cổ đông diễn ra ngày 28/4, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCK Sài Gòn (SSI), bày tỏ: “Nếu hết quý II, lạm phát không được kiềm chế, lãi suất ngân hàng không hạ xuống, thì 2011 là năm vô cùng khó khăn cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.”
Mặc dù đặt giả thiết “nếu”, nhưng SSI đã tính đến viễn cảnh không tốt. Kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm 2011 giảm so với năm 2010 đã được SSI đề ra. SSI lưu ý, Công ty chỉ xây dựng kế hoạch kinh doanh trên cơ sở TTCK không biến động nhiều, khoảng mức giá trị hiện tại. Nếu thanh khoản của thị trường dưới 1.000 tỷ đồng/phiên thì SSI có thể không đạt mục tiêu, thậm chí thua lỗ.
Một kế hoạch kinh doanh “bọc lót”, thậm chí có nhiều phương án, tùy vào tình hình thị trường không phải chỉ SSI nghĩ đến. Trước đó, CTCK VNDirect (VND) từng đệ trình trước cổ đông 2 phương án lợi nhuận mà VND dự liệu. Cụ thể, nếu điều kiện thị trường thuận lợi và VND không phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán thì Công ty đặt mục tiêu doanh thu 271 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng. Ngược lại, nếu thị trường cuối năm 2011 giảm 15% so với cuối quý I, mục tiêu lợi nhuận sau thuế của VND chỉ còn lại 1/3 (47 tỷ đồng).
Rõ ràng, các khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán đã và đang đe dọa đến lợi nhuận của CTCK. Kết quả kinh doanh thua lỗ của nhiều công ty trong quý I vừa qua cho thấy rõ điều đó.
Để tránh rủi ro, nhiều CTCK tìm cách thanh lý bớt danh mục đầu tư của mình. Điển hình là SSI, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2011, công ty này đã rút về gần 600 tỷ đồng từ đầu tư tài chính ngắn hạn. Hay trong tháng 3, VND đã chấp nhận cắt lỗ 15 tỷ đồng để giảm rủi ro đầu tư tài chính.
Sau SSI, một số công ty như VND, CTCK Thăng Long (TLS) cũng đang lên kế hoạch chuyển hoạt động tự doanh sang cho công ty quản lý quỹ. Nhưng trước mắt, khi chưa chuyển giao, ông Mạc Quang Huy - Phó tổng giám đốc TLS cho biết: “Năm 2011, TLS sẽ hạn chế hoạt động tự doanh”.
CTCK Ngân hàng Công Thương (CTS) và VND thì xác định, không ưu tiên cho tự doanh, dù trước đây mảng này đóng góp chính vào doanh thu công ty.
Tìm cách cắt lỗ, giải ngân có chừng mực là cách thức mà nhiều CTCK đang làm. Nhưng để “trú ẩn” qua giai đoạn khó khăn, công ty không thể chỉ trông đợi từ những nguồn thu cũ. SSI đã khiến nhà đầu tư bất ngờ khi cho biết, công ty dự kiến sẽ đầu tư bất động sản tại Mỹ.
Từ chối tiết lộ sâu hơn về kế hoạch này, nhưng theo những gì mà SSI đã trình bày, Công ty sẽ dùng quỹ đầu tư ra nước ngoài của SSI để mua bất động sản tại Mỹ. Ông Nguyễn Duy Hưng lạc quan, nếu SSI đầu tư 1 triệu USD sang Mỹ, SSI có thể thu về 5.000 USD/tháng.
Nhắm đến bất động sản còn có CTCK Phố Wall (WSS). Tuyên bố trước ĐHCĐ, ông Phạm Đức Long - Phó tổng giám đốc WSS, cho biết, năm nay Công ty sẽ tập trung đầu tư vào các dự án bất động sản tại Đại La, Ngọc Lâm, Đức Giang và các dự án dài hạn khác. WSS kỳ vọng, khoản mục đầu tư bất động sản sẽ giúp WSS đạt doanh thu khoảng 50 tỷ đồng, chiếm 40% tổng doanh thu mà WSS hướng đến. Trong khi đó, mục tiêu doanh thu môi giới chỉ là 9,6% tổng doanh thu.
CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) thì tìm cách mở rộng thị trường. Mới đây, ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch SBS, chia sẻ, dự kiến doanh thu từ thị trường Lào sẽ đóng góp 40-50% trong tổng doanh thu năm 2011.
Trong một thị trường mà cạnh tranh thị phần môi giới khắc nghiệt, để tìm được chỗ đứng riêng, ông Lê Anh Thị - Phó tổng giám đốc CTCK Âu Việt - bày tỏ, công ty sẽ tranh thủ cơ hội thị trường suy giảm để củng cố nội lực, tập trung phát triển và chuyên sâu hơn vào những hoạt động của ngân hàng đầu tư như tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn mua bán - sáp nhập.
Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng “quay lưng” với tự doanh. Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK TPHCM (HCM), cho biết, hiện tại, giá trị cổ phiếu trên thị trường bị đánh giá thấp, rất tiềm năng. Vì thế, HCM có định hướng bắt đáy thị trường năm 2011, với danh mục đầu tư cổ phiếu được phân bổ 300-400 tỷ đồng và xu hướng đầu tư sắp tới của HCM là đầu tư giá trị. Trong kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn sắp tới, HCM dự định dành phần lớn tiền huy động được cho hoạt động tự doanh.