Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn “sơ khai, manh mún”

(Dân trí) - Hiện tại, các doanh nghiệp hỗ trợ nội địa mới chỉ dừng lại ở khâu sản xuất các chi tiết, linh kiện đơn giản và cơ cấu giá trị nội địa hóa rất nhỏ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Hình ảnh thủ lĩnh sinh viên Hồng Kông gây sốt

* Bộ Tài chính lên tiếng về khoản thưởng tiền tỷ cho các nhà thầu

* “Tôi tin, Uber không có động cơ kinh doanh trái phép”

* “Dở khóc, dở cười” khi đặt vé tàu qua mạng

* Việt Nam nhập khẩu than:Nghịch lý bán đi rồi lại mua về

* Điều chưa kể về người vợ được Bầu Đức dấu kín

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) bắt đầu hình thành và từng bước phát triển phục vụ cho nhu cầu sản xuất, lắp ráp các sản phẩm tiệu thụ nội địa. Chất lượng chi tiết, linh phụ kiện chế tạo nâng cao dần. Xu hướng chuyên môn hóa đã hình thành. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia và đứng vững trong dây chuyền sản xuất mang tính toàn cầu của các tập đoàn nước ngoài.

Tuy vậy, theo đánh giá của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện tại, công nghiệp Việt Nam vẫn đang ở “thế hệ công nghiệp thứ hai”, vì vậy việc thực hiện tỷ lệ nội địa hóa cao là khó có thể đạt được. Nhìn chung ngành CNHT Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn sơ khai và manh mún.

Số lượng các doanh nghiệp hỗ trợ nội địa mới chỉ dừng lại ở khâu sản xuất các chi tiết, linh kiện đơn giản và cơ cấu giá trị nội địa hóa rất nhỏ.

Việc thực hiện tỷ lệ nội địa hóa cao là khó có thể đạt được đối với công nghiệp Việt Nam
Việc thực hiện tỷ lệ nội địa hóa cao là khó có thể đạt được đối với công nghiệp Việt Nam

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ có thể tập trung đầu tư và phát triển sản xuất các loại phụ tùng linh kiện có kích cỡ cồng kềnh với công nghệ sản xuất không phức tạp và chỉ với mục tiêu đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của các doanh nghiệp FDI.

Thứ hai, năng lực của các nhà cung ứng chưa mạnh. Các doanh nghiệp nội địa có trình độ công nghệ thấp hơn nhiều so với các nước, năng lực tổ chức sản xuất và quản lý chưa đáp ứng được đòi hỏi của các nhà đầu tư FDI. Một trong những điểm yếu nhất là khả năng nghiên cứu, phát triển (R&D).

Thứ ba, yêu cầu đặt ra cũng như chính sách thu mua từ phía các công ty FDI rất khắt khe về chất lượng, thông số kỹ thuật, nguồn nguyên vật liệu và thực hiện các khế ước hợp đồng. Thực tế, các doanh nghiệp nội địa khó có khả năng đáp ứng một cách toàn diện các yêu cầu này, nguyên nhân chính vẫn là năng lực sản xuất kinh doanh và uy tín của các doanh nghiệp nội địa vẫn chưa đủ mạnh.

Sức ép nội địa hóa đối với ngành công nghiệp hỗ trợ

Hiện tại, CNHT cho ngành công nghiệp xe máy được coi là thành công nhất, với việc hình thành một hệ thống các nhà cung ứng ngay trong nội địa. Song cho đến nay, khả năng chế tạo các linh kiện và phụ tùng lắp ráp trên ô tô ở trong nước còn rất hạn chế, đa phần là các bộ phận có giá trị thấp. Tỷ lệ nội địa hoá trong sản xuất và lắp ráp ô tô đạt thấp và khó có khả năng tăng cao do nhu cầu sử dụng tại thị trường nội địa nhỏ không tương xứng quy mô công suất kinh tế.

Trong khi đó, CNHT phục vụ ngành điện tử ở Việt Nam vẫn còn ở mức độ sơ khai ở cả quy mô, trình độ phát triển công nghệ, năng lực quản lý và kỹ năng lao động.

Việc phát triển CNHT để tăng tỉ lệ nội địa hoá sản phẩm và thu hút đầu tư nước ngoài chỉ thực sự bức thiết trong 3 năm gần đây do tác động mạnh mẽ của quá trình hội nhập. Từ ngày 01/01/2006 theo lộ trình AFTA, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu hàng điện tử và điện máy nguyên chiếc từ các nước ASEAN từ 30 - 40% xuống 0 - 5%, nên để cạnh tranh với sản phẩm của các nước ASEAN, các nhà sản xuất trong nước (gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI) phải tìm kiếm phụ tùng linh kiện sản xuất trong nước để giảm chi phí sản xuất và giảm giá thành sản phẩm.

Từ ngày 11/01/2007, khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, thuế nhập khẩu hàng nguyên chiếc và nhiều phụ tùng linh kiện giảm đi, một số ưu đãi dành cho ngành điện tử bị bãi bỏ theo các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO nên đã có một số doanh nghiệp FDI gặp khó khăn.

Trước sức ép mạnh mẽ của các cam kết WTO, việc phát triển CNHT để tăng tỉ lệ nội địa hoá sản phẩm, hạ giá thành, cải thiện khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trở nên rất cấp bách. Không những vậy, từ khi Việt Nam gia nhập WTO một làn sóng đầu tư nước ngoài mới đã tràn vào Việt Nam, trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành điện tử, điển hình là dự án đóng gói và đo kiểm CHIP của hãng Intel (Mỹ) 1 tỉ USD, dự án sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao của hãng Foxconn (Đài Loan) 5 tỉ USD.

Ngoài ra còn có một số nhà đầu tư nước ngoài khác muốn chuyển cơ cở sản xuất của họ từ một số nước trong khu vực về Việt Nam. Đây là cơ hội thuận lợi để phát triển CNHT của Việt Nam, vì để thực hiện một dự án lớn các nhà đầu tư nước ngoài cần hàng chục, thậm chí hàng trăm nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ CNHT.

CNHT cho ngành công nghiệp xe máy được coi là thành công nhất hiện nay
 CNHT cho ngành công nghiệp xe máy được coi là thành công nhất hiện nay

CNHT vẫn chỉ là sân chơi của các “ông lớn”

Khả năng cung ứng cho các ngành công nghiệp là một trong các vấn đề được các công ty đa quốc gia cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định đầu tư vào một quốc gia. Nền kinh tế với các ngành CNHT mạnh và có thể đáp ứng nhu cầu cho các nhà lắp ráp là một trong các nhân tố tác động mạnh đến thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển công nghiệp.

Quá trình này thường được bắt đầu bằng việc các nhà lắp ráp sẽ lôi kéo các nhà cung ứng từ nước ngoài vào nước sở tại, tạo nên lớp cung ứng thứ nhất. Giai đoạn đầu, các doanh nghiệp nội địa bán sản phẩm cho các doanh nghiệp cung ứng FDI này, tạo nên lớp thứ 2, lớp thứ 3 trong hệ thống cung ứng. Dần dần doanh nghiệp nội địa có thể phát triển thành nhà cung ứng lớp thứ 1.

Do đó, đầu tư nước ngoài trong CNHT chiếm vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp này liên quan chặt chẽ đến quy mô sản xuất và tiêu thụ của khách hàng của họ - nhà lắp ráp ở thị trường nội địa. Nếu quy mô sản xuất và tiêu thụ của nhà lắp ráp thấp, nhà cung ứng FDI không muốn đầu tư và công ty lắp ráp sẽ phải nhập khẩu đầu vào. Điều này làm giá thành sản xuất cao và nhà lắp ráp không muốn đầu tư vào quốc gia đó trong dài hạn.

Cho đến nay, chưa có các thống kê về dự án FDI trong các lĩnh vực CNHT. Tuy nhiên, theo nhiều báo cáo về tình hình phát triển CNHT ở Việt Nam, các quốc gia quan tâm và đầu tư sản xuất CNHT tại Việt Nam hiện bao gồm chủ yếu là các nhà đầu tư Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, vấn đề thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp trong nhiều năm qua hầu như chỉ tập trung vào các tập đoàn lớn, tạo nhiều việc làm, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn. Đa số các tập đoàn lớn trong các ngành chế tạo là các doanh nghiệp lắp ráp, tạo ra giá trị gia tăng rất ít trong sản phẩm, không có tác động lan tỏa cho doanh nghiệp nội địa. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất CNHT thường có quy mô nhỏ và vừa, có nhu cầu thuê diện tích sản xuất nhỏ gần như chưa được quan tâm khi thu hút đầu tư nước ngoài.

Các dự án sản xuất CNHT được Chính phủ Việt Nam ưu đãi và khuyến khích đầu tư vào Việt Nam thời gian qua như Intel, Foxconn… hầu hết là sản xuất linh phụ kiện phục vụ 100% cho xuất khẩu. Nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào của các dự án này hầu hết cũng 100% nhập khẩu. Các nhà sản xuất CNHT xuất khẩu loại này ít có động cơ nội địa hóa.

Là nước công nghiệp hóa đi sau, Việt Nam cần và có thể tận dụng lợi thế về thông tin của những nước đi trước để vận dụng bài học thành công, tránh vết xe đổ, nhằm tìm ra phương thức hữu hiệu trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách thu hút FDI của các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới.

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”