1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức thành lập: Niềm vui đi kèm những nỗi lo

(Dân trí) - Tham gia vào một thị trường rộng lớn hơn 600 triệu dân, tổng GDP năm 2014 đạt 2.505 tỉ USD...hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận với đa dạng chủng loại hàng hoá với giá rẻ, song đi kèm với đó là những nỗi lo khi sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu.

Hôm nay (31/12/2015), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập.

Theo lộ trình đã đề ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 12 (2007) thì AEC sẽ được xây dựng dựa trên nền tảng một thị trường rộng lớn có dân số hơn 600 triệu người, tổng GDP năm 2014 đạt 2.505 tỉ USD, kim ngạch thương mại đạt 2.530 tỷ USD vào năm 2014.

AEC sẽ là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới và tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới vào năm 2030.

Về bản chất, AEC được hiểu như một khuôn khổ hội nhập kinh tế với mức độ sâu sắc hơn giữa các thành viên, đưa ASEAN trở thành một cơ sở sản xuất và thị trường chung với sự lưu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động và lưu chuyển tự do hơn của dòng vốn.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức thành lập: Niềm vui đi kèm những nỗi lo - 1

Việt Nam có thể “chơi” được với khu vực và thế giới

Theo Bộ Công Thương, do AEC là khu vực giao thoa có nhiều Hiệp định thương mại với các khu vực khác nên khi tham gia vào cộng đồng này, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận thuận lợi hơn với các thị trường rộng lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ.... Tự do hóa dịch vụ trong AEC là cơ hội để các ngành dịch vụ của Việt Nam phát huy tiềm năng và lợi thế như du lịch, vận tải hàng không, logistics.

AEC cũng tạo cơ hội để các doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh nhờ giảm chi phí đầu tư máy móc thiết bị, nguyên liệu đầu vào, giảm chi phí giao dịch nhờ thuận lợi hóa thương mại và cuối cùng.

AEC là cơ hội để các nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, tái cấu trúc kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đã đưa ra nhận định rằng, “so với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam luôn đi trước một bước. Việt Nam có lợi thế chơi với ASEAN, chơi với thị trường khu vực và chơi với tất cả các thị trường tốt nhất trên thế giới. Và ngoài Singapore thì không có bất kỳ nước nào có thể chơi với các thị trường lớn nhất, với các FTA như Việt Nam”.

Tưởng như điều này khó tin, nhưng nhận định của ông Thành lại dựa trên những cơ sở có thực của thực tế.

Theo đó, Việt Nam thực sự có lợi thế để chơi với các thị trường lớn nhất thế giới do mọi thứ hiện nay được di chuyển dễ dàng hơn, hàng hóa, nhân công, lao động, vốn liếng, toàn cầu hóa FTA, chi phí vận chuyển giảm rất mạnh so với trước đây và công nghệ được áp dụng tiên tiến.

Tuy nhiên, mọi cơ hội đều đi kèm với những rủi ro, cơ hội càng lớn thì thách thức, rủi ro cũng càng lớn. Vấn đề là doanh nghiệp và người dân nếu nhận thức được đúng tầm vóc của sự kiện này và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ có thể biến được rủi ro, thách thức thành cơ hội.

Thường trực nỗi lo cạnh tranh

Điều đáng lo ngại hiện nay vẫn có tới 76% doanh nghiệp Việt Nam không biết gì về ACE, 94% doanh nghiệp không hiểu rõ về nội dung đàm phán trong AEC, 63% doanh nghiệp không hiểu về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia AEC. Trong khi, lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN đã ký Bản kế hoạch chiến lược nhằm hình thành và phát triển AEC từ tháng 10/2013.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức thành lập: Niềm vui đi kèm những nỗi lo - 2

Hiệp định ưu đãi thuế quan ATIGA, các nước ASEAN-6 (gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines) đã xóa bỏ gần 100% dòng thuế từ năm 2010, trừ một số sản phẩm được miễn trừ vĩnh viễn vì lý do an ninh quốc gia, đạo đức và sức khỏe.

Theo lộ trình, từ năm 2015, Việt Nam tiến hành giảm 93% dòng thuế về 0% và chỉ giữ lại 7% số dòng thuế đến năm 2018 (bao gồm các mặt hàng ôtô và linh kiện, sắt thép, linh kiện và phụ tùng xe máy, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, xe đạp và phụ tùng, rượu bia, sản phẩm chất dẻo, giấy các loại...)

Bắt đầu từ năm 2018, Việt Nam được duy trì thuế nhập khẩu với mức thuế suất tối đa là 5% đối với khoảng 3% số dòng thuế, bao gồm phần lớn là các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm (như gia cầm sống, thịt già, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường...)

Đây có thể coi là niềm vui của người tiêu dùng nói chung khi có thể mua hàng hoá đa dạng với mức giá rẻ, cạnh tranh hơn. Đi kèm với đó là nỗi lo của người sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh - đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp được cho là dễ bị tổn thương nhất.

Những nỗi trăn trở này đã nhiều lần được các đại biểu đặt lên diễn đàn Quốc hội với lo ngại rằng, nếu không đủ sức cạnh tranh thì Việt Nam sẽ thua ngay chính trên “sân nhà”.

Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát quả quyết, không thể để ngành chăn nuôi của chúng ta thất bại trên sân nhà, vì đây là cuộc sống của người dân, của hàng triệu hộ nông dân.

Ông Phát nói: “Để làm được điều đó, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất và hỗ trợ nhân dân nhanh chóng ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất ra các loại nông sản. Hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ để có năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn, giá thành hạ hơn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Mặt khác, tạo điều kiện để cho các hộ sản xuất lớn, các công ty sản xuất theo kiểu công nghiệp đạt trình độ của các đối tác”.

Còn theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: “Những mặt hàng, sản phẩm chúng ta có lợi thế cũng không phải có lợi thế mãi mãi, mà cạnh tranh là một quá trình liên tục, nên việc duy trì các điều kiện cạnh tranh và hỗ trợ cho các doanh nghiệp để làm chủ được thị trường là vấn đề Chính phủ sẽ phải quan tâm”.

Ông cũng lạc quan rằng, “xuất khẩu của chúng ta hiện nay chiếm tới 170% GDP, nên khả năng ứng phó của chúng ta bước đầu có thể chấp nhận được”.

Bích Diệp