Quảng Nam:

Công bố chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh

(Dân trí) - Cây sâm Ngọc Linh đã có tên trong sách đỏ Việt Nam năm 1994, tỉnh Quảng Nam đã hình thành trạm dược liệu Trà Linh để bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm này; xây dựng đề án trồng sâm nhân dân để phát triển diện tích sâm, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao…

UBND tỉnh Quảng Nam vừa công bố chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ. Theo UBND tỉnh Quảng Nam, cây sâm Ngọc Linh được dược sỹ Đào Ngọc Linh phát hiện vào tháng 3/1973 ở độ cao 1.800m thuộc dãy Ngọc Linh (huyện Nam Trà My).

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo công bố chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo công bố chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ

Sâm Ngọc Linh là cây bản địa đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh phân bố chủ yếu xunh quanh đỉnh Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.

Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã nghiên cứu, chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm bên cạnh sâm Triều Tiên, Trung Quốc và sâm Mỹ.

Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư…

Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng
Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng

Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường…

Trước đó, ngày 16/8, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp giấy chứng nhận đăng kí chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” của 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum cho sản phẩm củ nhằm thông tin rộng rãi đến các cấp, tổ chức, doanh nghiệp… trong và ngoài nước về giá trị to lớn của sâm Ngọc Linh trên thị trường.

Củ sâm Ngọc Linh
Củ sâm Ngọc Linh

Theo ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch huyện Nam Trà My - hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 250ha sâm Ngọc Linh với khoảng 600 hộ dân trồng và mỗi năm diện tích trồng sâm được nhân đôi. Hiện cũng có 32 doanh nghiệp dự định đầu tư trồng sâm nhưng UBND tỉnh Quảng Nam chỉ cho 6 doanh nghiệp trồng thử nghiệm; tuy nhiên đến nay chưa có doanh nghiệp nào chính thức trồng loại sâm này trên địa bàn huyện Nam Trà My.

Chủ tịch huyện Nam Trà My cũng thông tin, sâm Ngọc Linh hiện có giá từ 45-100 triệu đồng/kg; loại sâm đặc biệt có giá trên 150 triệu đồng/kg. Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án trồng sâm ở Nam Trà My với tổng vốn đầu tư khoảng 9 ngàn tỉ đồng. Số tiền này dự định sẽ kêu gọi xã hội hóa từ nhân dân và doanh nghiệp, còn vốn nhà nước chỉ chiếm một phần nhỏ.

Theo quy hoạch, sẽ có trên 15 ngàn ha tại các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Dơn, Trà Tập, Trà Leng, Trà Don để trồng sâm Ngọc Linh. Trong đó diện tích vùng đệm trên 6 ngàn ha, diện tích vùng lõi gần 9 ngàn ha; diện tích trồng và bảo tồn từ 2016 - 2020 đạt 665ha.

Ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - cho hay, việc công bố chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh là tài sản thương mại có giá trị, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quốc gia. Do đó việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát tốt đối với tài sản này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, lâu dài và bền vững.

“Hy vọng với sự tham gia của các nhà quản lý chuyên ngành, các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp, hộ trồng sâm… để tham gia quá trình sản suất, chế biến hàng hóa các sản phẩm khác từ sâm Ngọc Linh để thương hiệu “Sâm Ngọc Linh” trở thành thương hiệu Quốc gia và thế giới”, ông Lê Văn Thanh phát biểu.

Công Bính