Con tôm hùm trị giá 2 triệu đồng

Chuyến ra khơi cuối năm gặp biển động liên tục nhưng nhờ đó ông Trần Văn Nam đánh bắt được khoảng 300kg tôm hùm. Trong đó, có một con tôm hùm đã được bán với giá 2 triệu đồng.

Thoăn thoắt vận chuyển từng giỏ hải sản từ tàu cá lên bờ ở cảng Sa Kỳ, ngư dân Trần Văn Nam ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn phấn khởi vì chuyến biển "trúng lớn".

 

Ông kể, chuyến ra khơi cuối năm gặp biển động liên tục nhưng bù lại anh em ngư dân lặn được khoảng 300kg tôm hùm lớn. Đặc biệt, trong đó có một con tôm hùm nặng tới 2,5kg và đã được bán với giá 2 triệu đồng.

 

Con tôm hùm trị giá 2 triệu đồng
Con tôm hùm này nặng 2,5kg trên tàu của ông Trần Văn Nam đã được bán cho thương lái với giá 2 triệu đồng. Ảnh:Trí Tín.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Thị trường bất động sản: Vẫn chưa thấy... “mùa xuân"

Kiện lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông “bó tay”

 

Ngoài ra, ông còn thu hoạch nhiều loại cá và hải sâm biển khác. Nhờ tôm hùm bán được giá (mỗi ký khoảng 800.000 đồng, tăng 200.000 đồng so với cùng kỳ) nên phiên biển này ông thu lãi hơn trăm triệu đồng để ăn Tết.

 

Tôm hùm thường sống ở dưới rạn đá san hô cách mặt biển khoảng 20m. Chỉ người có sức khỏe tốt, dày dạn kinh nghiệm lặn và biết cách phối hợp nhịp nhàng với nhau mới có thể bắt được nhiều.

 

Từng có thâm niên 15 năm lặn tôm hùm ở vùng biển Trường Sa, ông Nguyễn Cư ở xã Bình Châu chia sẻ, mỗi chuyến biển lặn được khoảng 3 đến 4 tạ tôm hùm thì xem như "trúng mánh", thu lãi hàng trăm triệu đồng.

 

"Thành công của nghề lặn tôm hùm là xác định được khu vực có nhiều rạn san hô, chia nhóm lặn sao cho khoa học để đảm bảo sức khỏe cho từng người. Một nhóm lặn tìm tôm hùm dưới biển, nhóm khác túc trực trên tàu để kéo lên và đề phòng xảy ra sự cố", ông Cư nói.

 

Bến cảng Sa Kỳ cuối năm trở nên sôi động. Nhiều thương lái đưa xe tải về đây chờ thu mua tôm hùm, hải sản các loại đưa đi khắp nơi tiêu thụ. Tết càng cận kề thì các mặt hàng hải sản, nhất là tôm hùm càng được thương lái thu mua mạnh. Nhờ vậy mà sau chuyến biển này, mỗi ngư dân được chủ tàu chia 10-15 triệu đồng.

 

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết thêm, từ lâu ngư dân địa phương nổi tiếng với nghề lặn bắt thủy sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Hiện có gần 500 hộ ngư dân trong xã hành nghề lặn, trong đó chủ lực là lặn bắt hải sâm biển, tôm hùm.

 

"Mỗi năm họ ra khơi khoảng 5 chuyến biển, trung bình mỗi chuyến thu về ít nhất 400 triệu đồng, lúc "trúng đậm" mỗi tàu có thể thu về từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng. "Đội tàu xa bờ" của xã không chỉ ra khơi phát triển kinh tế biển, làm giàu cho gia đình, tạo động lực thay đổi diện mạo địa phương mà còn góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc", ông Hùng nhấn mạnh.

 

 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước