Con gái sang chảnh mua tôm hùm, nho Mỹ "ship" thẳng về quê cho mẹ

Nỗi lo đi chợ Tết thời Covid-19 đã được giải quyết nhẹ nhàng nhờ các ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Mua sắm Tết trên mạng không còn xa lạ với người tiêu dùng trong nước. Ảnh hưởng của dịch bệnh, thói quen mua sắm online ngày càng gia tăng, đặc biệt trong dịp Tết. 

Chỉ cần lướt ứng dụng, trong vòng chưa đầy 30 phút nghỉ trưa, chị Mai Thu Thảo (Hà Đông, Hà Nội) đã mua được đủ thực phẩm chuẩn bị cho cúng 23 tháng Chạp và Tết Nguyên đán.

Chị Thảo cho hay, làm ngân hàng nên chị không có thời gian đi chợ Tết, chính vì thế mà việc mua sắm online trên mạng giúp chị tiết kiệm nhiều thời gian. Trên các ứng dụng mua sắm có đầy đủ các mặt hàng từ đồ ăn, thức uống,... thậm chí cả vàng mã cũng có. 

Điều chị Thảo tâm đắc là mua hàng online ít có hiện tượng tăng giá theo thời điểm như ngoài chợ, chưa kể với nhiều mã khuyến mại, người mua có thể tiết kiệm được một khoản chi phí và không tốn tiền vận chuyển tận nhà.

Con gái sang chảnh mua tôm hùm, nho Mỹ ship thẳng về quê cho mẹ - 1

Đặt mua đồ online nở rộ

Tương tự, chị Hoàng Linh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Dân công sở ai nấy đều quay cuồng với các loại báo cáo, tổng kết. Dịp Tết, ngại nhất là phải đi mua sắm đông đúc, chen lấn, xếp hàng và mất trộm. Chưa kể, tôi phải ôm đống đồ về nhà nếu không có ai đi cùng. Hiện, tôi đã chuyển sang đi chợ online để tránh cảnh chen nhau mua sắm, rất mất an toàn trong thời điểm dịch".

Bên cạnh đó, theo chị Linh, tận dụng vào ứng dụng bán hàng của các siêu thị, người mua có thể đặt trước, thời gian giao hàng từ 1-3 tiếng. "Nhiều khi đang ngồi trên taxi về quê, tôi vào app đặt mua hàng, đến nơi là hàng hóa cũng được giao, không phải tay xách nách mang", chị nói.

Đặc biệt với nam giới, nhu cầu mua sắm dịp Tết cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, do tâm lý ngại ra ngoài mua đồ, nên phần lớn nam giới chọn hình thức mua hàng online trên mạng các sản phẩm công nghệ, thời trang. Báo cáo của Lazada mới đây cho thấy, thời trang nam nằm trong nhóm hàng có doanh thu lớn nhất dịp cuối năm.

Anh Đỗ Mạnh Hùng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, anh vừa mua hai đôi giày trong chương trình khuyến mại Tết, đồng thời cũng mua thêm một số áo sơ mi từ một trang thương mại điện tử. "Không phải đi chọn tốn nhiều thời gian, mình cứ lựa chọn mấy hãng thời trang quen thuộc chuẩn số đo là được", anh nói. Thậm chí, anh Hùng còn dành mua cả túi, giày dép thời trang tặng vợ, con. 

Dịp Tết, các sàn thương mại điện tử cũng tăng dụng cơ hội này để tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi cùng thiết kế giao diện riêng bắt mắt, cùng nguồn hàng phong phú từ bánh kẹo, đồ ăn, thức uống tới thời trang mỹ phẩm, tới trang trí nhà cửa,...

Theo đại diện Tiki, đơn vị này sẽ mang đến chương trình khuyến mãi hấp dẫn giảm giá đến 50% cùng dịch vụ giao hàng xuyên Tết, kỳ vọng tăng trưởng lên đến 70% so với cùng kỳ.

Sàn Lazada đã tung ra lễ hội mua sắm diễn ra trong 10 ngày, kéo dài đến ngày 28/1, mang đến cho người tiêu dùng cơ hội mua sắm với hàng loạt ưu đãi giảm giá đến 50% trong dịp Tết này. 

Các sàn khác như Shopee, Sendo... cũng tung ra loạt ưu đãi dành riêng cho các mặt hàng Tết. Các hệ thống siêu thị, bán lẻ khác cũng không ngoài cuộc. Saigon Co.op, Big C hay Megamarket... đều có trang web hay app bán hàng. Thậm chí, Big C các tỉnh thành còn triển khai bán hàng qua Zalo, khách hàng chỉ cần liên hệ sau vài giờ hàng hóa được gửi tới tận nhà.

Trước đây, các sản phẩm tươi sống và đắt tiền như nho, táo, tôm hùm hay cua nhập khẩu chỉ được bán trực tiếp từ phía cửa hàng. Hiện, người tiêu dùng dễ dàng mua các sản phẩm này trên các sàn thương mại điện tử nhờ chính sách giao nhanh trong vòng 3 giờ. 

Đơn hàng tăng đột biến

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), các chương trình khuyến mãi dịp cuối năm mang lại lợi ích thiết thực cho cả người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp - từ nhà sản xuất, phân phối đến đơn vị cung ứng dịch vụ hạ tầng cho thương mại điện tử. 

Đặc biệt, trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu bán lẻ 10 tháng năm 2020 vẫn đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Con gái sang chảnh mua tôm hùm, nho Mỹ ship thẳng về quê cho mẹ - 2

Ứng dụng đi chợ online hút khách

Thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, lượng truy cập mua sắm trên các sàn thương mại điện tử tính từ năm 2020 đến nay tăng hơn 150% so cùng kỳ năm 2019. 

Lượng khách truy cập website của các sàn này cũng tăng trưởng ấn tượng, với khoảng 3,5 triệu lượt người/ngày. Từ 44,8 triệu lượt người Việt Nam mua sắm trực tuyến năm 2019, Bộ Công Thương dự báo năm 2020 con số này sẽ tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng trên 30% và quy mô thương mại điện tử sẽ vượt con số 15 tỷ USD.

Theo Lazada, số lượng đơn hàng và nhà bán hàng toàn sàn tăng hơn 2 lần so với Lễ hội mua sắm Tết 2020. Sữa và bánh, điện thoại thông minh, dụng cụ nấu nướng, nước giải khát, thời trang nam là những mặt hàng có doanh thu cao nhất. 

Một trong những điểm yếu của các sàn thương mại điện tử là việc giao hàng nhanh, đặc biệt là tình trạng quá tải trong dịp mua sắm cuối năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các sàn thương mại điện tử cũng đã tập trung xử lý vấn đề này. Với việc mở rộng nền tảng năng lực kho bãi, tốc độ dường như vẫn là "át chủ bài" để lôi kéo người mua hàng.

Shopee bắt tay Grab cam kết giao hàng trong 1 giờ, còn Lazada tung dịch vụ giao hoa tươi trong 3 giờ và các dịch vụ giao nhanh khác. Trước đó, Tiki với "át chủ bài" giao hàng nhanh, với hơn 100.000 sản phẩm có thể giao trong 2 giờ và gấp vài lần như thế có thể giao trong 3 giờ.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn phản ánh về tình trạng giao hàng chậm tại một số khu vực do quá tải đơn hàng. Ngoài ra, tình trạng hàng hóa giao không đúng cũng gây phiền toái cho người mua.