1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

“Con cưng” VinFast tiếp tục được ông Phạm Nhật Vượng ưu ái, bảo lãnh đến 30.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Vingroup vừa thông báo sẽ bảo lãnh thanh toán cho các nghĩa vụ của VinFast liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các khoản vay/tín dụng trong và ngoài nước mà VinFast dự kiến thực hiện trong năm 2019 và 2020 với tổng hạn mức không vượt quá 30.000 tỷ đồng.

Bất chấp dòng tiền vẫn đổ mạnh vào thị trường, các chỉ số chính đều bị điều chỉnh giảm mạnh trong phiên sáng nay (20/11).

VN-Index đánh mất 4,02 điểm tương ứng 0,4% và lùi về 1.004,33 điểm. Trong khi đó, HNX-Index mất 0,32 điểm tương ứng 0,3% còn 105,17 điểm và UPCoM-Index mất 0,22 điểm tương ứng 0,38% còn 56,8 điểm.

Thanh khoản đạt cao trên HSX. Khối lượng giao dịch tại sàn này đạt 114,47 triệu đơn vị, tương ứng 2.324,11 tỷ đồng. Tuy vậy, trên HNX và UPCoM, nhịp độ giao dịch lại trầm lắng hơn.

HNX có 6,78 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 73,8 tỷ đồng và các con số này trên thị trường UPCoM là 2,73 triệu cổ phiếu tương ứng 35,46 tỷ đồng.

“Con cưng” VinFast tiếp tục được ông Phạm Nhật Vượng ưu ái, bảo lãnh đến 30.000 tỷ đồng - 1

Dự án VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng gây tiếng vang trong 2 năm trở lại đây

Thống kê cũng cho thấy có tới 1.000 mã cổ phiếu không hề diễn ra giao dịch nào trong buổi sáng hôm nay. Thanh khoản tập trung tại hai mã cổ phiếu “họ” FLC. Cụ thể, tại FLC có tới 22,19 triệu cổ phiếu còn tại ROS là 11,24 triệu cổ phiếu. Một số mã khác cũng được giao dịch mạnh là HPG, HAI, HSG, VRE, KBC, HQC, ASM, AMD.

Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm giá. Có 290 mã giảm, 33 mã giảm sàn so với 207 mã tăng và 25 mã tăng trần.

Bên cạnh sự lấn lướt về số lượng mã giảm giá so với số lượng mã tăng thì các chỉ số trên thị trường cũng chịu áp lực do một số mã vốn hoá lớn bị mất giá. VIC sụt giá và lấy đi của VN-Index tới 0,79 điểm. Ngoài ra, tác động từ GAS là 0,67 điểm, từ SAB là 0,56 điểm, từ VCB là 0,43 điểm…

Cổ phiếu VIC của Vingroup sáng nay giảm phiên thứ ba, ghi nhận mất thêm 0,68% còn 116.300 đồng/cổ phiếu.

Liên quan đến tập đoàn này, Vingroup vừa thông báo sẽ bảo lãnh thanh toán cho các nghĩa vụ của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các khoản vay/tín dụng trong và ngoài nước mà công ty VinFast dự kiến thực hiện trong năm 2019 và 2020 với tổng hạn mức không vượt quá 30.000 tỷ đồng.

Trước đó, vào giữa tháng 9, Hội đồng quản trị Vingroup cũng đã quyết định sẽ bảo lãnh thanh toán cho các nghĩa vụ của VinFast liên quan đến trái phiếu có tổng mệnh giá tối đa 5.000 tỷ đồng dự kiến phát hành trong năm 2019.

Diễn biến tiêu cực của thị trường trong sáng 20/11 khá là bất ngờ so với nhận định trước đó của giới phân tích.

Báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán VCBS cho biết, dưới góc nhìn kỹ thuật, một số chỉ báo động lượng đã chững lại đà giảm có thể kích hoạt nhịp hồi phục ngắn hạn trong một vài phiên tới.

VCBS tiếp tục cho rằng cơ hội đầu tư vẫn là các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ - vốn không bị mất giá nhiều trong những phiên gần đây, nhưng trọng tâm vẫn phải là các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tăng trưởng tích cực trong giai đoạn tới đi cùng nền tảng tài chính lành mạnh.

Mặt khác, nhóm phân tích cũng nhìn nhận quá trình rung lắc trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thường sẽ đi kèm diễn biến phân hóa khi một số “trụ” mới sẽ xuất hiện để nâng đỡ xu hướng tích cực chung, và do đó lựa chọn đầu tư vào nhóm này cũng đồng nghĩa với việc chịu áp lực cơ cấu lại danh mục và chọn lọc cổ phiếu lớn hơn.

Còn Công ty chứng khoán SHS thì tỏ ra lạc quan khi dự báo, trong phiên giao dịch hôm nay 20/11, VN-Index có thể tiếp tục hồi phục với mục tiêu là vùng kháng cự trong khoảng 1.010-1.015 điểm (đỉnh tháng 3/2019).

Nhà đầu tư trung và dài hạn được khuyến nghị có thể tiếp tục nắm giữ danh mục đã mua và tận dụng những phiên điều chỉnh để tích lũy thêm ở mức giá hấp dẫn hơn. Nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào tại nhịp chỉnh trong phiên hôm qua nên hạn chế mua thêm trong phiên tiếp theo và đứng ngoài quan sát diễn biến thị trường.

Mai Chi