“Con của người bình thường làm sao được bổ nhiệm sớm thế?”
“Tôi cho rằng, ở đây là câu chuyện tế nhị. Nếu là con của một người bình thường thì làm sao được bổ nhiệm sớm như thế? Cho nên dư luận mới có ý kiến. Nhưng điều quan trọng hơn là phải nhìn vào kết quả đạt được. Nếu anh làm lãnh đạo không giúp doanh nghiệp phát triển mà còn khiến nguồn vốn bị thâm thủng thì là có lỗi rồi”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đánh giá về chất vấn của VAFI đối với việc con trai của nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI) khi mới 25 tuổi.
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản chất vấn nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải - con trai nguyên Bộ trưởng - sai quy trình. Ông đánh giá như thế nào về quy trình bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên HĐQT của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)?
- Về nguyên tắc, nếu một cán bộ chưa từng bị xử lý kỷ luật thì người ta vẫn tiếp tục được bổ nhiệm, đó là điều bình thường. Còn trường hợp cán bộ đó có kỷ luật mà vẫn cố tình bổ nhiệm thì đó mới là sai. Tất nhiên, muốn dư luận không có ý kiến thì điều quan trọng nhất là quy trình bổ nhiệm phải minh bạch.
Trong trường hợp cụ thể này, nếu một lãnh đạo doanh nghiệp trước đó từng làm cho doanh nghiệp thua lỗ 2 năm liên tiếp thì đó là khuyết điểm. Nhưng phải có kết luận của cơ quan quản lý cấp trên hoặc có quyết định xử lý cán bộ liên quan của cơ quan cấp trên thì mới xác định được khuyết điểm. Ở đây, cần phải xét xem ông Vũ Quang Hải đã từng bị các cơ quan cấp trên xử lý về các lỗi này chưa?
Mặt khác, việc thua lỗ của doanh nghiệp cũng có nhiều nguyên nhân. Có thể do nguyên nhân chủ quan như vì chủ trương, quyết định sai lầm của lãnh đạo dẫn tới việc thua lỗ. Nhưng cũng có thể do yếu tố khách quan như khó khăn của chính doanh nghiệp từ trước đó, đến khi lãnh đạo mới lên thay (ông Vũ Quang Hải - PV) mới bộc lộ ra dẫn tới thua lỗ.
Do đó, cần phải xác định chính xác nguyên nhân thua lỗ của PVFI có phải do Vũ Quang Hải gây ra hay do hoàn cảnh khách quan? Cơ quan chức năng cũng cần yêu cầu Bộ Công Thương giải trình rõ việc đó cùng với việc giải trình rõ quy trình làm nhân sự, để đảm bảo dân chủ và minh bạch.
Theo VAFI, ông Vũ Quang Hải chỉ sau 1 năm làm cán bộ công chức đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo của doanh nghiệp Nhà nước (PVFI) với số vốn 300 tỷ đồng khi mới 25 tuổi. Điều này theo ông có đúng quy định?
- Việc bổ nhiệm một lãnh đạo quản lý hay lãnh đạo làm chủ một doanh nghiệp thì phải xem xét năng lực của họ, chứ tuổi tác theo tôi là không quan trọng vì bây giờ cũng có nhiều vị tuổi trẻ tài cao lắm.
Tuy vậy, tôi cho rằng, ở đây là câu chuyện tế nhị. Nếu con của một người thường thì đúng là làm sao được bổ nhiệm sớm như thế? Cho nên dư luận mới có ý kiến. Nhưng điều quan trọng hơn là phải nhìn vào kết quả đạt được của cán bộ này. Nếu làm lãnh đạo không giúp doanh nghiệp phát triển mà khiến doanh nghiệp bị thâm thủng nguồn vốn thì là có lỗi rồi.
Để đánh giá ông Vũ Quang Hải có năng lực hay không hoặc có xử lý cán bộ hay không thì phải do Bộ Công Thương đưa ra kết luận. Trong khi ông này lại là con trai của nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương. Dư luận cho rằng như vậy có thể sẽ mất khách quan trong việc kết luận?
- Đúng là việc đánh giá cán bộ phải do đơn vị đề bạt, quản lý đánh giá mới chính xác và nếu xử lý cũng phải do thanh tra của Bộ Công Thương đánh giá, kết luận. Tuy nhiên, kết quả sản xuất kinh doanh là những con số biết nói. Chẳng ai bênh vực được và cũng chẳng thể nói không có cơ sở để xử lý.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trước đó, ngày 13/6, VAFI đã có văn bản chất vất nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa - người ký quyết định bổ nhiệm Vũ Quang Hải làm thành viên HĐQT Sabeco.
Trong văn bản chất vấn nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, VAFI đưa ra 7 câu hỏi cụ thể: Việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải khi mới 25 tuổi làm Tổng giám đốc PVFI là đúng hay sai? Ai chịu trách nhiệm gánh hậu quả làm mất vốn nhà nước và vốn của 4.700 cổ đông? PVFI đã ra sao dưới sự chèo lái của thuyền trưởng Vũ Quang Hải? Năm 2011 PVFI lỗ 155 tỷ đồng, năm 2012 PVFI lỗ 67 tỷ đồng. Qua 2 năm PVFI lỗ trên 220 tỷ đồng trên vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Sau đó Vũ Quang Hải được điều động về Cục Xúc tiến thương mại và chỉ 1 năm sau tiếp tục có quyết định điều chuyển về làm HĐQT của Sabeco.
Theo Thanh Xuân
Dân Việt