1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Có thể cổ phần hóa cả thủy điện Hòa Bình

Tới đây sẽ bán hàng loạt các nhà máy thủy điện Thác Bà, Sông Hinh, Trị An, Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đa My, Sê San, nhiệt điện Ninh Bình... để có vốn đầu tư công trình điện khác. Hiện thủy điện Sông Đà chưa tính tới nhưng không loại trừ phương án sẽ cổ phần hóa để bán nhà máy này.

Xung quanh tình hình thiếu điện trầm trọng tại các tỉnh miền Bắc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu đã thẳng thắn nhìn nhận thiếu điện là bài toán về vốn.

Thưa ông, các doanh nghiệp - đối tượng thuộc diện ưu tiên cung cấp điện đang phàn nàn họ bị cắt điện vô tội vạ...

Thứ trưởng Bùi Xuân Khu: Tình trạng thiếu điện hiện nay do một số nguyên nhân chính: hạn hán, nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh; đầu tư xây dựng các nhà máy chậm. Nhưng, cũng có nguyên nhân chủ quan là chưa dự báo được hết các tình huống. Bộ Công nghiệp có khuyết điểm khi để xảy ra tình trạng này.

Các ngành dệt may, nhựa, hóa chất và gần đây một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng gửi văn bản phản đối lên Bộ Công nghiệp về việc họ bị cắt điện nhiều hơn, lại không đúng lịch đã thông báo. Bộ vừa yêu cầu EVN phải chấn chỉnh ngay tình trạng này, đồng thời phải ưu tiên cung cấp đủ điện cho sản xuất, dịch vụ.

Ở nước ngoài, nếu phát hiện trực trạm cắt điện không đúng đối tượng, sẽ bị đuổi việc. Tôi tán thành cách xử lý này. Nhưng việc này cũng phải từ từ. Tổng công ty vẫn còn nghĩ mình độc quyền. Tới đây, không thể để tự tung tự tác được. Trước tiên, EVN cần phải xin lỗi khách hàng khi để xảy ra tình trạng thiếu điện. Qua giai đoạn khó khăn này, Bộ CN sẽ yêu cầu EVN rút kinh nghiệm, có thể sẽ phải kiểm điểm EVN.

Ông vừa nói thiếu điện một phần do chủ quan của EVN, cụ thể là như thế nào?

Ở đây là do công tác dự báo chưa tốt. Dự báo GDP năm nay tăng 8%, phụ tải tăng khoảng 13%, nhưng nếu GDP tăng trên 9% thì phải tăng phụ tải 16%. Các nhà đầu tư nước ngoài đang vào VN rất nhanh, thậm chí đang có dấu hiệu làn sóng đầu tư mới đang tràn vào VN. Họ xây dựng nhà máy nhanh, nhu cầu sử dụng điện lớn nhưng ta xây nguồn thủy điện chậm. 13 nhà máy điện lớn của EVN đều chậm tiến độ.

Tại sao ta không mở rộng cho nước ngoài và tư nhân đầu tư nguồn điện? Đầu tư thủy điện là có lợi nhất nhưng các sông lớn đều đã được quy hoạch để EVN xây dựng thủy điện.

Ta đã mở hết cỡ rồi đấy chứ. Dự án điện của Tổng Công ty XNK xây dựng; Tổng Công ty Sông Đà... cũng đang gặp khó khăn về vốn. Còn các nhà máy thủy điện lớn còn liên quan đến trị thủy, môi trường sinh thái. Vì lợi ích quốc gia nên mới giao cho EVN.

Vậy theo ông, sắp tới cần làm gì để bảo đảm đủ điện?

Chiến lược, bước đi và giải pháp cho ngành điện được Thủ tướng rất quan tâm, chỉ đạo sát sao. Cuối năm nay, EVN phải hoàn chỉnh, trình Chính phủ về việc điều chỉnh Tổng sơ đồ điện VI. Tất cả 13 nhà máy điện lớn đang đầu tư phải đẩy nhanh, đưa vào hoạt động trong năm 2006. Hiện nay, hàng trăm dự án nguồn điện đang được lập, EVN phải đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa các công trình điện vào đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Theo tôi, dự trữ năng lượng của mình bị trục trặc. Cần phải sớm hoàn chỉnh chính sách năng lượng quốc gia. Quan trọng là phải cân đối xuất khẩu than, dầu khí... bao nhiêu, còn lại để lại ở trong nước để sản xuất điện. Như vậy, có thể xuất khẩu dầu thô, than... sẽ phải giảm. Đến 2015, nước ta sẽ cạn năng lượng thô sơ nên ngay từ bây giờ phải chuẩn bị năng lượng nguyên tử để sản xuất điện.

Xin cảm ơn ông.

Theo SGGP