Có thể bán vốn 376 DNNN với giá rẻ, cơ hội nào cho SCIC?

(Dân trí) - Kể cả khi được bán dưới mệnh giá thì sự hấp thụ của thị trường với cổ phần DNNN còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tiềm năng của doanh nghiệp. Vấn đề không phải là giá, bán được hay không mà là thông điệp về sự quyết tâm của Nhà nước.

Liên quan đến kế hoạch thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) giai đoạn đến 2015 cũng như một số vấn đề khác trong lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đặt trong nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi riêng với TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM).

TS Võ Trí Thành: SCIC vẫn có khả năng để thoái được vốn kịp lộ trình.

TS Võ Trí Thành: SCIC vẫn có khả năng để thoái được vốn kịp lộ trình.

Độ ấm của thị trường và sức hấp dẫn của từng doanh nghiệp
 
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về khả năng để SCIC có thể thoái vốn đúng lộ trình khỏi 376 doanh nghiệp trước cuối năm 2015? Liệu rằng điều này có tạo áp lực lên thị trường do lượng cung cổ phiếu lớn và thị trường có hấp thụ hết hay không?

Việc thoái vốn của SCIC cũng nằm trong lộ trình cải cách DNNN. Trường hợp thoái vốn của SCIC cần phải hiểu rằng, đây là hoạt động rút vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp không cần nắm giữ, hoặc giảm tỉ lệ nắm giữ của Nhà nước tại các doanh nghiệp này.

Kế hoạch là một chuyện nhưng cũng phải xem thị trường như thế nào. Liệu thị trường có đủ ấm lên để hấp thụ hay không?

Có hai khía cạnh ở đây: Thứ nhất, mục đích của Nhà nước là muốn thoái vốn vậy thì cách thoái vốn như thế nào? 

Bây giờ có hai cái nhìn, chọn “không mất vốn”, thu lại cho Nhà nước được nhiều tiền nhất hay là nhìn dưới góc độ tài sản ấy cần được chuyển vào tay những người sẽ sử dụng tài sản một cách có hiệu quả hơn cho đất nước này? - tôi nhấn mạnh là “cho đất nước”.

Tư tưởng hiện nay ngày càng thiên về góc độ thứ hai, chính vì vậy mới đặt ra phương án cho phép giá bán cổ phần có thể thấp hơn mệnh giá.

Thực tế, khung pháp lý vừa rồi có sửa đổi nhưng chưa được tốt. Tuy vậy, nó cũng là một tín hiệu cho thị trường.

Ở khía cạnh thứ hai, thị trường có muốn hấp thụ hay không? Ta lại phải xem, thị trường kỳ vọng vào khả năng phục hồi, khả năng ổn định, kỳ vọng như thế nào vào những điểm sáng của nền kinh tế? Điều này còn phụ thuộc vào bối cảnh thế giới, bối cảnh trong nước, quá trình cải cách và khả năng ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam từ nay đến 2015.

Nhìn chung, Nhà nước vẫn tiếp tục muốn ổn định, cố gắng phục hồi dần nền kinh tế và bắt tay vào tái cấu trúc.

Có thể thấy, vẫn đang còn những khó khăn nhất định và về tổng thể thì có thể chưa phải là thời điểm nền kinh tế phục hồi nhanh. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những cơ hội liên quan đến hội nhập, đến tái cấu trúc DNNN…  Dòng tiền của cả khu vực trong và ngoài nước trong một chừng mực nào đó đã thể hiện qua thị trường chứng khoán một vài tháng gần đây – tất nhiên TTCK cũng có cả khía cạnh đầu cơ.

Ngoài ra, thị trường cũng sẽ nhìn vào từng doanh nghiệp mà SCIC muốn thoái vốn hoặc bán bớt cổ phần. Các doanh nghiệp đó hoạt động tại lĩnh vực nào, tình trạng đang ra sao, có tiềm năng không và có hấp dẫn không? 

Với một cách chơi như thế, rất khó để đoán liệu cổ phần của 376 doanh nghiệp mà SCIC thoái vốn có đủ hấp dẫn để thị trường hấp thụ hết hay không. Cách chơi có thể chấp nhận dưới mệnh giá, nhưng vẫn tùy xem độ ấm của thị trường và đặc điểm của từng doanh nghiệp như thế nào.

Dưới tất cả góc độ ấy, tôi nghĩ, sẽ vẫn còn khó khăn, còn thách thức, trắc trở nhưng quan trọng là tín hiệu của nhà nước gắn với câu chuyện cải cách DNNN, gắn với quyết tâm của Nhà nước. Thông điệp này rất quan trọng, không chỉ là câu chuyện bán được hết hay không bán được hết, bán với giá nào mà nó là “Nhà nước sẽ đẩy mạnh cải cách DNNN, thu hẹp lại phạm vi các doanh nghiệp mà Nhà nước cần”.

Còn trên quan hệ mua bán, tôi nghĩ, khả năng xác suất cao là vẫn có thể thoái được!

Trò chơi tài chính và cổ phần chi phối


Trò chơi tài chính và cổ phần chi phối

Ông nghĩ như thế nào về khái niệm “cổ phần vàng” được nhắc tới hiện nay?

Theo tôi hiểu thì không có khái niệm pháp lý chính thức về “cổ phần vàng”, trong luật doanh nghiệp chưa đề cập, đây có thể là một trò chơi điều lệ tại các công ty. Cổ phần vàng tức là có thể tỷ lệ nắm giữ cổ phần không quá bán, không chiếm đa số nhưng vẫn có quyền chi phối đối với doanh nghiệp.

Vậy theo ông, chúng ta có nên pháp lý hóa khái niệm đó hay không? Có thể là một phương án cho những doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn muốn chi phối nhưng không nhất thiết phải nắm phần lớn cổ phần?

Theo tôi ở đây có 2 góc độ. Góc độ đầu tiên là trong một số lĩnh vực, không nhất thiết phải quá bán vẫn chi phối được, ví dụ, như ngân hàng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:


Có trường hợp, mặc dù nắm giữ một lượng cổ phần chưa được phép chi phối nhưng các cổ đông vẫn có thể liên kết với nhau để tạo ra một nhóm cổ đông có sức mạnh chi phối. Trường hợp này có cả khía cạnh tích cực lẫn rủi ro. Người ta có thể dùng ủy quyền để sở hữu chéo… Bản chất là một nhóm lợi ích có thể dẫn đến thao túng ở những lĩnh vực nhạy cảm.

Ngoài ra, cũng có trường hợp những cổ đông không lớn nhưng do yếu tố lịch sử, do yếu tố bí quyết công nghệ, họ vẫn có khả năng chi phối được doanh nghiệp.

Vấn đề đặt ra là có nên pháp lý hóa toàn bộ khái niệm đó với tất cả các doanh nghiệp hay chỉ ở một góc độ nào đó thôi. Việc pháp lý hóa đó phải tính cả khía cạnh tích cực và rủi ro, đặc biệt trong một số lĩnh vực. Bởi trong trò chơi tài chính, người ta có thể dùng ủy quyền để giấu đi ông chủ thực đứng đằng sau, bản chất là người chi phối.

Về câu hỏi của bạn liên quan tới DNNN, chỉ nắm ít cổ phần và tỉ lệ sở hữu nhỏ nhưng vẫn chi phối được doanh nghiệp đó. Có cần thiết phải như vậy hay không? Đã không cần thì sao lại phải như vậy?

Nếu cần mà vẫn không chiếm đa số thì hàm ý anh muốn gì ở đây? Tại sao anh lại muốn chi phối đến những ngành đó, những doanh nghiệp đó?

Hiện tại, có những DNNN hoạt động trong một số lĩnh vực rất đặc thù và do những điều kiện lịch sử để lại nên Nhà nước vẫn phải nắm giữ 100% vốn, song rất ít. Có những lĩnh vực phải thoái dần nhưng đòi hỏi một thời gian quá độ để xử lý những vấn đề không chỉ là kinh tế xã hội.

Còn những DNNN đã không cần đến thì sao lại phải nghĩ đến “cổ phần vàng”?

Cuộc chơi M&A: Sợ thâu tóm có thu hút được vốn?

Cũng liên quan đến bán cổ phần, nhưng rộng hơn là bán cổ phần doanh nghiệp nội, doanh nghiệp niêm yết cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đã có đề xuất nới tối đa “room” ngoại lên 60% tại một doanh nghiệp niêm yết, nhưng vấn đề là nhiều doanh nghiệp có vốn hóa lớn sẽ không muốn để xảy ra điều này vì lo ngại thâu tóm. Ông có đánh giá ra sao?

Tôi nghĩ cái gì cũng có hai mặt. Một mặc thuần túy về kinh tế, trong thị trường, dòng vốn phải đi tìm được nhà đầu tư tốt nhất và nếu đảm bảo được công bằng, minh bạch để dòng vốn lựa chọn được phương án tốt nhất, đó gọi là thị trường hoàn hảo. 

Thế nhưng, tại một góc độ khác, bài toán đặt ra là làm cách nào để một doanh nghiệp Việt ngày càng vươn lên, có khả năng hơn nhưng vẫn đảm bảo giữ được thương hiệu của mình. Đây lại là một trò chơi hai mặt, một mặt anh cần vốn, cần phối hợp để dòng vốn hiệu quả hơn, mặt khác anh lại muốn giữ mình, vậy thì anh có tạo được sức hấp hay không? Anh muốn chơi mà anh cứ sợ thì anh có chơi được không ? 

Trước đây quy định 49% là để doanh nghiệp trong nước vẫn chiếm đa số và nhà đầu tư nước ngoài sẽ không “lũng đoạn” được. Bây giờ xem xét nâng lên 60%, vì sao lại 60%, tức là gắn với quy định của luật doanh nghiệp “nếu còn trên 35% thì có quyền phủ quyết”. 

Dù sao, nếu có thể nâng trần lên 60% thì dĩ nhiên vẫn hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư ngoại. Song tôi cũng lưu ý rằng, ngay cả khi mức trần chỉ 49% thì cũng không phải doanh nhiệp nào cũng đầy “room” cả, vì độ hấp dẫn không có. 

M&A là một trò chơi hết sức bình thường của thị trường để làm sao nguồn vốn đạt hiệu quả nhất. Còn 49% hay 60%, mức nào là hợp lý thì hãy để thị trường tự trả lời. Và mục tiêu giữ được bản sắc và để doanh nghiệp nội có thể vươn lên, cạnh tranh hơn, không phải chỉ riêng doanh nghiệp Việt đâu, nước nào cũng thế !

Xin cảm ơn Tiến sĩ vì cuộc trò chuyện này!

Bích Diệp thực hiện
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước