1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Cổ phiếu Sabeco liên tục "cháy hàng" ngay sau khi niêm yết

(Dân trí) - Trong phiên hôm nay (7/12), SAB tiếp tục không hề có dư bán, dư mua giá trần 256 nghìn đơn vị. Với tỷ lệ tự do chuyển nhượng chỉ ở mức 5,41%, nguồn cung cổ phiếu khan hiếm đã khiến SAB liên tục tăng trần, mức giá hiện là 141.200 đồng, trong khi khớp lệnh cả phiên vỏn vẹn 30 cổ phiếu.

Sabeco được nhà đầu tư trên thị trường định giá cao mặc dù trong sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đứng trước nhiều thách thức
Sabeco được nhà đầu tư trên thị trường định giá cao mặc dù trong sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đứng trước nhiều thách thức

Ngay từ đầu phiên giao dịch hôm nay (7/12), cổ phiếu SAB của Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã nhuốm sắc tím tăng trần và giữ mức giá kịch trần đến cuối phiên.

Đóng cửa, SAB đạt mức giá 141.200 đồng và chỉ có 30 cổ phiếu khớp lệnh. Điều này cho thấy, rõ ràng trong lúc cầu cổ phiếu tăng mạnh thì gần như không có nguồn cung. Trên bảng điện, tại SAB không hề có dư bán trong khi dư mua giá trần đã lên tới 256 nghìn đơn vị.

Trong phiên giao dịch chào sàn ngày hôm qua, cổ phiếu SAB cũng đã tăng trần. Nguyên nhân SAB tăng trần là dễ hiểu vì tỷ lệ tự do chuyển nhượng cổ phiếu này trên sàn rất hẹp, ước tính là 5,41% tương ứng với 34,69 triệu cổ phiếu. Hiện tại, Bộ Công Thương và Heineken là hai cổ đông lớn nhất tại Sabeco và nắm giữ lần lượt 89,59% và 5% cổ phần, tương đương với 606,59 triệu cổ phiếu.

Theo kế hoạch, sau khi niêm yết, Nhà nước dự kiến sẽ thoái 53,59% vốn điều lệ của Sabeco trong năm 2016, phần 36% còn lại sẽ tiến hành trong năm 2017. Tỷ lệ sở hữu tối đa của Nhà đầu tư nước ngoài tại công ty là 49%.

Giá chào sàn của SAB chỉ là 110.000 đồng/cp, trong khi đó, theo định giá của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì giá trị hợp lý của cổ phiếu này vào khoảng 162.000 đồng/cp.

Còn theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thì trong lĩnh vực kinh doanh của Sabeco, Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng cao trên thế giới cả về nhu cầu tiêu thụ và sản xuất bia trong giai đoạn 2008-2015.

Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đối với sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt lần lượt 14%/năm và 12%/năm, vượt trội so với nhiều nước có mức tiêu thụ bia đầu người cao thế giới như Cộng Hòa Séc, Đức và Mỹ (ổn định hoặc giảm nhẹ).

Xét riêng trong khu vực Đông Nam Á, thị trường Việt Nam hội đủ cả ba yếu tố: Tăng trưởng nhanh nhất, mức tiêu thụ bình quân đầu người cao nhất và quy mô thị trường lớn nhất. Điều này giúp ngành Bia Việt Nam trở thành điểm sáng trong con mắt của các công ty bia lớn trên thế giới.

Thế nhưng, với Sabeco, trong bốn năm gần đây, mức tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của công ty này đang chậm dần (6,8%/năm) nếu so với ngành (7,8%/năm), đặc biệt là nếu so với đối thủ Heineken (9,3%/năm).

"Đối với các doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn, tăng trưởng chậm hàm ý về sự suy giảm thị phần, đặc biệt là trong ngành Bia cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Nhìn ở khía cạnh khác, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu thâm nhập vào phân khúc bia cao cấp, việc Sabeco vẫn giữ ổn định thị phần ở mức cao trong ba năm qua có thể coi là một thành tích", VDSC nhận xét.

Ngoài ra, Sabeco lại đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (đại mạch và hoa bia) khiến doanh nghiệp ít tự chủ được trước biến động của giá hàng hóa nông nghiệp toàn cầu, nhất là khi hai nguyên liệu này đang bắt đầu vào xu hướng tăng giá.

Những thay đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cũng là một rủi ro khác sẽ ảnh hưởng đến triển vọng bán hàng của công ty. Trong trường hợp Sabeco thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ khoản truy thu thuế TTĐB trong quá khứ vào cuối năm 2016 thì rủi ro này sẽ không còn trọng yếu đối với triển vọng kinh doanh. Trong khi đó, lộ trình tăng thuế TTĐB từ nay đến năm 2018, kỳ vọng sẽ không tác động lớn đến kế hoạch kinh doanh do doanh nghiệp có khả năng chuyển phần tăng thuế sang khách hàng.

Bích Diệp