Cổ phiếu DongA Bank tái xuất với giá "sốc" sau 6 năm "đeo vòng kim cô"

Vân Khánh

(Dân trí) - Sau 6 năm "đeo vòng kim cô" vì bị hạn chế chuyển nhượng, cổ phiếu EABANK của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) đã "tái xuất" chuyển nhượng trên thị trường OTC.

Cổ phiếu DongA Bank tái xuất với giá sốc sau 6 năm đeo vòng kim cô - 1

EABANK đã trở thành cổ phiếu ngân hàng có mệnh giá thấp nhất trên cả thị trường niêm yết và thị trường OTC (Ảnh: IT).

Cổ phiếu DongA Bank "tái xuất" giá sốc

Ngày 16/3/2021, một bài đăng trên sanotc (một trong những trung tâm giao dịch của thị trường OTC online lớn nhất) nhận được sự chú ý lớn giới đầu tư. Bản tin đó đánh dấu sự quay trở lại của cổ phiếu EABANK của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) sau 6 năm vắng bóng.

Cụ thể, thành viên có tên nhatthuy cho biết mình muốn mua vào cổ phiếu EABANK và nhấn mạnh: "Cần mua nghiêm túc, giá mua theo thị trường". Khối lượng đặt mua là 20.000 cổ phiếu.

Đáng chú ý hơn chính là mức giá mà nhatthuy muốn mua là… 2.000 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 20% so với mệnh giá. Như vậy, EABANK đã trở thành cổ phiếu ngân hàng có mệnh giá thấp nhất trên cả thị trường niêm yết và thị trường OTC. Nếu có người bán, giá trị thương vụ này chỉ vỏn vẹn… 40 triệu đồng.

Trong khi đó, chỉ một ngày sau, vào ngày 17/3/2021, cũng trên sanotc.com xuất hiện một lệnh bán EABANK. Khối lượng đặt bán là 164.000 cổ phiếu, còn giá chào bán cao hơn rất nhiều nhưng vẫn thấp hơn mệnh giá, chỉ là 8.000 đồng/cổ phiếu.

Thông tin trên được chú ý vì trước đó rất lâu, kể từ ngày 14/8/2015, toàn bộ cổ đông của DongA Bank không được chuyển nhượng cổ phần của DongA Bank. Trường hợp đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét việc chuyển nhượng cổ phần trên cơ sở đề xuất của Ban Kiểm soát đặc biệt.

"Lệnh cấm" này được ông Trần Phương Bình, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị DongA Bank, ký dựa trên quy chế chuyển nhượng cổ phần cổ phiếu DongA Bank và thực hiện chỉ đạo của Ban Kiểm soát đặc biệt DongA Bank.

Thực ra, sau "lệnh cấm" này, đây không phải lần đầu tiên cổ phiếu EABANK được chào bán, chào mua trở lại. Nhưng sở dĩ lần "tái xuất" này của EABANK được quan tâm hơn các lần trước là do chỉ số VN-Index vừa chinh phục thành công mốc 1.200 điểm và cũng đánh mất ngay lập tức. Nhưng quan trọng hơn, thời điểm này, cổ phiếu ngân hàng đang "nóng" vượt trội và đóng vai trò dẫn dắt thị trường.

Chưa thoát khỏi "vũng bùn"

"Bão tố" đến với DongA Bank từ năm 2015 khi hàng loạt sai phạm của lãnh đạo ngân hàng, đặc biệt nhất là ông Trần Phương Bình, bị đưa ra ánh sáng. Ông Trần Phương Bình và "ê kíp" của mình đã khiến ngân hàng lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng, tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.

Các sai phạm chủ yếu đến từ việc ngân hàng cho vay theo chỉ đạo ông Trần Phương Bình mà không tuân thủ các điều kiện cho vay theo quy định của pháp luật và của nội bộ ngân hàng và do việc đảo nợ. Với sai phạm trên, ông Trần Phương Bình nhiều lần phải hầu tòa và nhận án tù chung thân.

Cổ phiếu DongA Bank tái xuất với giá sốc sau 6 năm đeo vòng kim cô - 2

Ông Trần Phương Bình - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị DongA Bank - nhiều lần phải hầu tòa và nhận án tù chung thân. 

Ông Trần Phương Bình đã phải nhận "cái kết" cho riêng mình nhưng DongA Bank gần như vẫn chưa thể thoát khỏi "vũng bùn" này.

Vào ngày 12/10/2019, DongA Bank đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường tổ chức để xin ý kiến cổ đông về phương án chào bán cổ phần để bổ sung vốn điều lệ như dự kiến vì đến cuối năm 2018, DongA Bank vẫn trong tình trạng lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu.

Vì vậy, DongA Bank cần bổ sung vốn điều lệ, đảm bảo ngân hàng có giá trị thực của vốn điều lệ đạt mức tối thiểu bằng vốn pháp định là 3.000 tỷ đồng. DongA Bank muốn thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ.

Tuy nhiên, cổ đông đã không thông qua phương án này.

Giá cổ phiếu "bét bảng"

Từ năm 2015, cổ phiếu EABANK của DongA Bank đã bị "siết vòng kim cô" về giao dịch. Dù vậy, thỉnh thoảng trên thị trường OTC vẫn xuất hiện các lệnh chào, bán, chào mua.

Khi được hỏi về tính hợp pháp của những giao dịch này, người đăng bán cổ phiếu EABANK trong ngày 17/3/2021 thừa nhận cổ phiếu này vẫn đang trong giai đoạn bị "đóng băng". Nếu giao dịch, người mua chỉ được công chứng và cầm sổ. Chỉ đến khi hết "lệnh cấm", người mua mới được sang tên để sở hữu tài sản của mình.

Vì vậy, chính người đăng tin bán cũng khuyến cáo nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ vì rủi ro đang hiện hữu. Ngoài rủi ro về tính pháp lý, cổ phiếu này còn gây ra một rủi ro khác cho người mua, đó là mức độ sụt giảm. Dù giá đã rất thấp, cổ phiếu EABANK vẫn đi xuống theo năm.

Trong năm 2021, giá cổ phiếu EABANK tạm coi là đang ở mức 2.000 đồng/cổ phiếu, cũng là mức giá chào mua phổ biến trong năm 2020.

Năm 2019 ghi nhận EABANK được nhắc đến nhiều nhất. Lệnh bán, mua xuất hiện khá nhiều với mức giá dao động mạnh, từ 1.500 đồng/cổ phiếu đến 4.500 đồng/cổ phiếu. Tại thời điểm cuối năm, giá EABANK chỉ còn 2.500 đồng/cổ phiếu.

Trong năm 2018, biên độ của EABANK là từ 5.000 đồng/cổ phiếu tới 7.000 đồng/cổ phiếu, mức phổ biến là 7.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, trong suốt năm 2015, 2016 và 2017, cổ phiếu EABANK hoàn toàn "mất tích" sau "lệnh cấm".

PNJ ròng rã "treo" 395 tỷ đồng

Trong câu chuyện DongA Bank, cổ đông ngân hàng vẫn được cho là những người thiệt hại nặng nề nhất. Vậy cổ đông của DongA Bank gồm những ai?

Theo bản cáo bạch của DongA Bank năm 2013, DongA Bank có 3 cổ đông lớn. Đó là Văn phòng Thành ủy TP.HCM, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận và Công ty cổ phần vốn An Bình. 3 đơn vị này lần lượt sở hữu 6,87% vốn, 7,7% vốn và 5,42% vốn DongA Bank.

Trong đó, đáng chú ý nhất là PNJ. PNJ là cổ đông lớn thứ hai tại DongA Bank. Quan trọng hơn, Chủ tịch HĐQT PNJ bà Cao Thị Ngọc Dung là vợ ông Trần Phương Bình. PNJ đã rót hơn 395 tỷ đồng để sở hữu gần 38,5 triệu cổ phiếu EABANK.

2015 là năm các sai phạm tại DongA Bank được đưa ra ánh sáng. Trong báo cáo tài chính năm 2015, PNJ cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định đưa vào diện kiểm soát đặc biệt với DongA Bank nhưng "Ban Giám đốc tin tưởng rằng công ty đã trích lập dự phòng khoản đầu tư vào ngân hàng này đầy đủ và phù hợp với các quy định kế toán hiện hành tại ngày kết thúc năm tài chính".

Báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2015 của PNJ cho thấy tại thời điểm cuối năm 2015, PNJ đã dành một khoản tiền nào đó, có thể 338 tỷ đồng để dự phòng cho khoản đầu tư vào DongA Bank. Còn tại thời điểm cuối năm 2014, con số này có thể là khoảng 30 tỷ đồng. Sở dĩ phải sử dụng từ "có thể" ở đây là vì hầu hết các mục trong báo cáo này đều rất rõ ràng, dễ đọc chỉ trừ phần "6. Các khoản đầu tư tài chính". Ở phần này, số liệu mờ nhạt, khó đọc.

Đáng chú ý, báo cáo tài chính năm 2015 của PNJ cho thấy công ty đã trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào DongA Bank từ năm 2014. Nhưng báo cáo tài chính năm 2014 lại không cho thấy điều đó.

Không chỉ có vậy, tại thời điểm cuối năm 2014, PNJ còn dùng cổ phiếu EABANK thế chấp tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) để vay 208,3 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2013, PNJ đã thế chấp cổ phần EABANK để nhận về hai khoản vay trị giá 309 tỷ đồng và 99,1 tỷ đồng tại ACB và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Kể từ đó đến nay, hàng năm, PNJ phải "treo" 395 tỷ đồng để trích lập cho khoản đầu tư vào DongA Bank.