1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cổ phiếu đầu tiên bị hủy niêm yết trong năm mới

(Dân trí) - VFC là mã cổ phiếu đầu tiên bị hủy niêm yết trong năm 2013 này. Trong năm 2012, đã có 22 doanh nghiệp hủy niêm yết, 14 doanh nghiệp đối diện nguy cơ rời sàn và 1 doanh nghiệp bị giải thể.

Cổ phiếu đầu tiên bị hủy niêm yết trong năm mới
Giao dịch VFC trong vòng 3 tháng. Thị giá của VFC hiện nay chỉ bằng khoảng 1/4 so mức đóng cửa phiên đầu tiên hồi 2006.

Ngày 7/1, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) chính thức thông báo về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần Vinafco (Mã CK: VFC).

Theo đó, 34 triệu cổ phiếu VFC sẽ ngừng giao dịch trên HSX kể từ ngày 30/1 tới với tổng giá trị cổ phiếu hủy niêm yết bị hủy là 340 tỷ đồng.

Thông tin từ HSX nêu rõ, VFC hủy niêm yết một cách tự nguyện theo Nghị quyết đại hội cổ đông thường niên 2011 của công ty này, thông qua ngày 19/04/2012.

Vinafco có vốn điều lệ 340 tỷ đồng, có trụ sở tại Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cổ phiếu VFC niêm yết trên HSX ngày 26/6/2006, chính thức giao dịch ngày 24/7/2006.

Giá đóng cửa phiên đầu tiên của VFC đạt mức 30.000 đồng/cp, sau hơn 6 năm niêm yết, giá cổ phiếu đã sụt giảm 4 lần, xuống còn 7.700 đồng/cp (đóng cửa ngày 8/1).

Công ty hoạt động kinh doanh đa ngành. Trong đó, các lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải hàng hóa, kinh doanh vật tư, giao nhận kho vận quốc tế; sản xuất, chế biến, kinh doanh sắt thép, vật liệu xây dựng; buôn bán thức ăn và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; buôn bán lắp đặt bảo hành thiết bị bưu chính viễn thông.

Kết thúc quý III/2012, do điều kiện khó khăn chung, doanh thu VFC đạt được bị giảm hơn 31 tỷ đồng, tương đương 20% so với doanh thu cùng kỳ năm 2011.

Theo thống kê, trong năm 2012, có 22 doanh nghiệp hủy niêm yết, 14 doanh nghiệp đối diện nguy cơ rời sàn và 1 doanh nghiệp bị giải thể, chưa kể hàng trăm doanh nghiệp khác còn “sống thực vật”, tỷ lệ nợ vợt tài sàn, kinh doanh cầm chừng đã báo động về tình hình “sức khỏe” của những doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

Lý do rời sàn của doanh nghiệp “muôn hình vạn trạng” với nghìn lẻ một lý do. Có doanh nghiệp hủy niêm yết để sáp nhập vào doanh nghiệp khác (như S64, SSS sáp nhập vào SD6, SDS; HBB sáp nhập vào SHB); để giải thể (như CSG); để đăng ký kinh doanh mới (MKP).

Một số doanh nghiệp bị buộc phải hủy niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu như VSP, CAD, TRI, BAS, VKP hay AGC. Lại có doanh nghiệp bị hủy niêm yết vì công bố thông tin như SME, MCV, SD3…

Thậm chí chưa kịp giao dịch thì đã phải rời sàn như trường hợp PSE, MED, PXH, HU4, VTE do thị trường không thuận lợi.

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm