1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cổ phiếu bị “quay lưng”, hai khoản góp vốn của FLC bị “lỗ” nặng

(Dân trí) - Do sự sụt giá mạnh của cổ phiếu ROS và HAI trên thị trường chứng khoán, giá trị các khoản góp vốn của FLC tại hai công ty này bị suy giảm mạnh, phải trích lập dự phòng hàng trăm tỷ đồng.

ROS và HAI giảm giá

Giữa lúc phần lớn cổ phiếu trên thị trường tăng thì hôm qua (7/5), cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros lại giảm giá 1,11% còn 3.570 đồng, ghi nhận mất hơn 52% giá trị trong vòng 1 quý giao dịch.

Cổ phiếu bị “quay lưng”, hai khoản góp vốn của FLC bị “lỗ” nặng - 1

Cổ phiếu ROS có thị giá chỉ còn dưới 4.000 đồng

Tương tự HAI của Công ty cổ phần Nông dược H.A.I cũng giảm mất 5,37% giá trị còn 2.820 đồng/cổ phiếu. Chủ tịch Hội đồng quản trị Nông dược H.A.I là bà Bùi Hải Huyền, Tổng giám đốc tập đoàn FLC (bổ nhiệm ngày 19/3 vừa qua).

Trước đó, cổ phiếu ROS đã thiết lập đáy 3.260 đồng/cổ phiếu vào ngày 31/3/2020 và mức giá thấp nhất của HAI là 1.570 đồng vào ngày 10/10/2019.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 của FLC cho thấy, tại ngày 31/3, FLC đã đầu tư trên 1.346 tỷ đồng vào 12 công ty, trong đó, 2 trong 3 khoản góp vốn lớn nhất là tại HAI và ROS. Cụ thể, FLC đã đổ vào 260,9 tỷ đồng tại HAI và 213,4 tỷ đồng tại ROS.

Tuy nhiên, do cổ phiếu HAI và ROS bị mất giá mạnh trên thị trường, giá trị các khoản đầu tư bị suy giảm mạnh. Giá trị hợp lý khoản đầu tư của FLC tại HAI tại ngày 31/3 là 59,6 tỷ đồng và tại ROS là 91,8 tỷ đồng.

Do sự suy giảm mạnh nói trên, FLC đã phải trích lập dự phòng rất lớn cho các khoản đầu tư góp vốn tại những doanh nghiệp này. Cụ thể, trích dự phòng 201,3 tỷ đồng cho khoản góp vốn tại HAI và 121,6 tỷ đồng cho khoản góp vốn tại ROS.

Hồi đầu tháng 4 vừa qua, ông Trịnh Văn Quyết bất ngờ rút khỏi Hội đồng quản trị FLC Faros và vị trí tân Chủ tịch FLC Faros để lại cho bà Hương Trần Kiều Dung. Ghế Tổng giám đốc công ty này cũng có sự thay đổi, do ông Lê Thành Vinh (Phó Chủ tịch thường trực FLC) đảm nhiệm.

Cổ phiếu bị “quay lưng”, hai khoản góp vốn của FLC bị “lỗ” nặng - 2

Ảnh chụp BCTC hợp nhất quý 1 của FLC

VN-Index tăng gần 14 điểm

Phiên chiều 7/5 tiếp tục diễn ra thuận lợi với sức bật mạnh của cả hai chỉ số chính. VN-Index tăng 13,95 điểm tương ứng 1,78% lên 796,54 điểm còn HNX-Index tăng 1,65 điểm tương ứng 1,55% lên 108,31 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index nhích nhẹ 0,02 điểm tương ứng 0,04% lên 52,37 điểm.

Thanh khoản đạt 240,8 triệu cổ phiếu tương ứng 4.372,04 tỷ đồng trên HSX và 37,45 triệu cổ phiếu tương ứng 359,56 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 13,02 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch 167,81 tỷ đồng.

Sắc xanh vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong bức tranh toàn cảnh thị trường. Có tổng cộng 413 mã tăng giá và 61 mã tăng trần trên toàn bộ 3 sàn giao dịch trong khi phía ngược lại có 269 mã giảm và 44 mã giảm sàn.

Phiên này, chỉ số rổ VN30 tăng tới 14,04 điểm tương ứng 1,93% trong bối cảnh có 25 mã tăng và 1 mã tăng trần trong tổng số 30 mã. Mã tăng trần đó chính SAB của Sabeco với mức tăng 11.000 đồng lên 169.000 đồng. Cổ phiếu này cuối phiên không hề còn dư bán trong khi vẫn có dư mua giá trần.

Ngoài ra, một số cổ phiếu lớn cũng tăng giá mạnh, có thể kể đến VCB tăng 2.100 đồng lên 69.700 đồng; VNM tăng 1.900 đồng lên 103.400 đồng, BID tăng 1.550 đồng lên 37.550 đồng; VIC tăng 1.000 đồng lên 96.000 đồng.

Nhóm “công thần” đóng góp đáng kể nhất vào mức tăng chung của chỉ số chính phiên này là VCB với 2,22 điểm; SAB với 2 điểm, BID với 1,78 điểm và HPG với 1,1 điểm.

Nhiều mã khác cũng có diễn biến tích cực như MSN tăng giá lên 58.800 đồng, VHM tăng lên 67.600 đồng, FPT tăng lên 53.500 đồng, VPB tăng lên 21.400 đồng, BVH tăng lên 46.950 đồng…

Cổ phiếu hai đại gia hàng không là VJC và HVN cũng tăng lần lượt 3.100 đồng lên 115.200 đồng và 300 đồng lên 26.700 đồng. FLC - cổ phiếu của chủ sở hữu hãng bay Bamboo Airways đứng giá 2.890 đồng.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán SHS, sau phiên tăng hôm qua thì VN-Index hiện vẫn nằm trong vùng kháng cự trong khoảng 780-800 điểm.

Theo đó, tại phiên giao dịch cuối tuần 8/5, SHS cho rằng, VN-Index có thể sẽ rung lắc và giằng co khi tiến tới ngưỡng kháng cự tâm lý quanh 800 điểm.

Nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường và có thể tận dụng những nhịp tăng lên gần ngưỡng 800 điểm để giảm dần tỷ trọng cổ phiếu.

Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn nên tạm thời đứng ngoài và chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh ngưỡng hỗ trợ 750 điểm.

Mai Chi