1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Có phân biệt đối xử trong biểu giá điện

Chia sẻ quan điểm của ngành điện là cần tăng giá để tăng nguồn thu, tái đầu tư, tăng thu ngân sách nhà nước và khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, nhưng việc “phân biệt đối xử” với ngành thép và xi măng lại khiến doanh nghiệp bất bình.

Cuộc “Tọa đàm trực tuyến để ngành thép, xi măng phát triển ổn định và bền vững” được tổ chức sáng 24/7 đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc dự thảo biểu giá điện riêng cho ngành thép và xi măng, cao hơn các ngành khác từ 2-16%. Các doanh nghiệp cho rằng, điều này thể hiện sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
 
Giá điện tăng, nguồn thu xã hội sẽ giảm

 

Giá điện tăng, nguồn thu xã hội sẽ giảm

 

Chia sẻ quan điểm của ngành điện là cần tăng giá để tăng nguồn thu, tái đầu tư, tăng thu ngân sách nhà nước và khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, nhưng việc “phân biệt đối xử” với ngành thép và xi măng lại khiến doanh nghiệp bất bình.

 

Ông Lại Quang Trung- Phó Tổng giám đốc Công ty Liên doanh sản xuất thép Vinausteel (Thép Việt- Úc) thẳng thắn: “Chúng tôi mong ước được như ngành điện, có sản phẩm làm ra mà ai cũng phải tranh nhau mua để dùng. Tuy nhiên, ngành điện nên tự hỏi rằng, để đạt được mục tiêu tăng giá điện, các ngành khác và cả nền kinh tế sẽ phải trả giá như thế nào? Nguồn thu tăng lên được bao nhiêu, có tác dụng tốt với nền kinh tế hay không? Nếu ngành thép và xi măng bị suy giảm do tăng giá điện thì cũng ảnh hưởng tới nền kinh tế”.

 

Ông Lại Quang Trung lấy ví dụ, Hải Phòng là một trong những trung tâm sản xuất thép lớn của cả nước, nhưng hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã phải đóng cửa. Cụ thể là 4 doanh nghiệp luyện thép công suất 1 triệu tấn và 3 doanh nghiệp cán thép công suất 60.000 tấn đã dừng hoạt động, kéo theo hơn 2.000 lao động không có việc làm, tệ nạn xã hội có cơ hội phát sinh.

 

“Trước đây, để tạo một việc làm mới, Nhà nước mất khoảng 15 triệu đồng. Với 2.000 lao động không có việc làm này thì cần 30 tỷ đồng để khôi phục việc làm cho họ, đây là nguồn vốn rất lớn. Tăng lên để kiếm một khoản tiền thì dễ nhưng tác động của nó tới nền kinh tế lại không nhỏ. Đấy là chưa kể tăng giá điện chưa chắc ngành điện đã thu được tiền. Tăng thu mà giết nguồn thu thì sẽ không có gì để thu. Tôi biết ở Hải Phòng có 4-5 doanh nghiệp đang nợ ngành điện hơn 10 tỷ đồng mà chưa trả được”- ông Lại Quang Trung phân tích.

 

Theo ông Bùi Quang Chuyện - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), từ năm 2010 đến nay, tính trên giá thành sản phẩm, chi phí điện năng cho sản phẩm thép và xi măng từ 11-12% và có xu hướng giảm xuống (số liệu do EVN cung cấp cho Bộ Công Thương). Một số nhà máy thép đã đầu tư công nghệ hiện đại so với các nước Đông Nam Á. Tương tự, ngành xi măng chỉ còn 1,6 triệu tấn xi măng/năm của 13 nhà máy được sản xuất bởi công nghệ lạc hậu, tiêu tốn điện năng. Phần lớn các nhà máy xi măng còn lại đều sử dụng công nghệ hiện đại. Sắp tới, từ năm 2015, các nhà máy xi măng sẽ tự sản xuất được 15% sản lượng điện tiêu thụ.

 

Cần cân nhắc

 

Nhấn mạnh dứt khoát phải tăng giá điện, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay: “Điện thương phẩm chiếm 70% lượng điện sản xuất ra của cả nước. Trong đó, ngành thép và xi măng tiêu hao lượng điện năng lớn. Tổng lượng điện năng tiêu thụ của 2 ngành này không thể là 11-12% mà phải cao hơn”.

 

Theo ông Trần Viết Ngãi, áp dụng biểu giá điện riêng cho thép và xi măng là cần thiết nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ. Mặt khác, tổng sơ đồ điện VII đến nay gần như thất bại do EVN không có đủ năng lực tài chính để đối ứng với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh năng lượng của đất nước. Cũng theo đại diện Hiệp hội năng lượng, sự độc quyền của ngành điện là tự nhiên, do lịch sử để lại.

 

Không đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, có sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp khi áp biểu giá điện riêng cho thép và xi măng. Cũng như ngành điện, thép và xi măng cũng là ngành mũi nhọn của đất nước, từng được ưu tiên phát triển. Tăng giá cao hơn cho 2 ngành này để đổi mới công nghệ là lý do thiếu thuyết phục, bởi vì bản thân ngành điện cũng đang tồn tại rất nhiều nhà máy có công nghệ lạc hậu.

 

Đưa ra ý kiến nhằm giải quyết mâu thuẫn, ông Bùi Quang Chuyện cho biết, ông cũng là thành viên tham gia xây dựng dự thảo giá điện mới và việc tăng giá điện để khuyến khích đầu tư, Nhà nước không phải bù lỗ, loại bỏ công nghệ lạc hậu là điều cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay ngành thép và xi măng đang gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp lao đao, nếu tăng giá điện cao và không đúng thời điểm sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phá sản.

 

Ông Trần Viết Ngãi phản bác: “Ai cũng nói đến lộ trình tăng giá điện, nhưng lộ trình thế nào, bao giờ thực hiện lộ trình thì chẳng thấy! Phải tính toán xem lượng điện ngành thép và xi măng tiêu thụ chiếm bao nhiêu phần trăm điện thương phẩm và làm giảm lợi nhuận của ngành điện bao nhiêu”. Tuy nhiên, ông Trần Viết Ngãi cũng cho rằng tăng giá điện cần cân nhắc và tăng ở mức thấp.

 

Theo Vân Hằng

ANTĐ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm