Có nên mua trước trả sau chỉ vì tiện và rẻ?

Hạnh Vũ

(Dân trí) - Hiện nhiều trang thương mại điện tử lớn ở Việt Nam đã tích hợp mua trước trả sau. Vậy người tiêu dùng có nên lựa chọn hình thức này không?

Mua trước trả sau là gì?

Mua trước trả sau (Buy Now Pay Later - BNPL) là hình thức thanh toán ngắn hạn cho phép người tiêu dùng mua sắm hàng hóa ngay lập tức mà không phải trả toàn bộ chi phí trong một lần và thường không tính lãi.

Tiền mua hàng sẽ được đơn vị công nghệ tài chính thanh toán cho người bán. Về phần mình, khách hàng sẽ phải trả dần số tiền này cho đơn vị BNPL đó theo từng chu kỳ, thông thường từ 1 đến vài tháng.

Số tiền "trả góp" có thể được khấu trừ tự động từ thẻ ghi nợ, tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng. Hầu hết đơn vị mua trước trả sau không đưa ra lựa chọn nào khác cho người tiêu dùng ngoại trừ thanh toán tự động.

Có nên mua trước trả sau chỉ vì tiện và rẻ?  - 1

Hầu hết giao dịch mua trước trả sau đều không tính lãi suất (Ảnh: ECC).

Sự khác biệt lớn nhất giữa mua trước trả sau và thẻ tín dụng là thẻ tín dụng thường tính lãi suất. Tuy một số loại thẻ cũng ưu đãi lãi suất 0% nhưng chỉ trong một thời gian nhất định.

Trong khi đó, các ứng dụng mua trước trả sau đa phần không tính lãi hoặc phí và có lịch trả nợ cố định. Hình thức này chỉ tính phí trả chậm theo % giá trị sản phẩm hoặc dịch vụ khi bạn thanh toán trễ hạn.

Phổ biến trên thế giới, "hot trend" khi kinh tế bất ổn?

Mua trước trả sau đang dần trở nên phổ biến trên thế giới. Trong thời kỳ kinh tế bất ổn và lãi suất tăng như hiện nay, đây có thể là lựa chọn đáng để cân nhắc của người mua hàng.

Tại Việt Nam, khảo sát của Mastercard năm 2022 cho thấy 95% người tiêu dùng nước ta đã biết đến mua trước trả sau. Tuy nhiên, mới chỉ có một tỷ lệ nhỏ sử dụng hình thức thanh toán này. 32% người tham gia khảo sát cho biết họ đã dùng dịch vụ mua trước trả sau vào năm 2021.

Thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Research & Market cho thấy việc áp dụng thanh toán mua trước trả sau tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm là 31,1% trong giai đoạn 2023-2028. Tổng giá trị hàng hóa mua trước trả sau trong nước sẽ tăng từ 1,4 tỷ USD vào năm 2022 lên 8,8 tỷ USD vào năm 2028.

Có nên mua trước trả sau?

Việc sử dụng dịch vụ mua trước trả sau được đánh giá là khá thuận tiện nhưng trên thực tế, hình thức này cũng ẩn chứa một số "cạm bẫy" tiềm ẩn.

Một cách ngắn gọn, ưu điểm của mua trước trả sau bao gồm: mua hàng thuận tiện, thường không tính lãi hoặc lãi thấp hơn thẻ tín dụng, thủ tục đơn giản và phê duyệt nhanh.

Còn nhược điểm của hình thức này là: thanh toán chậm bị tính phí và có thể ảnh hưởng đến điểm tín dụng, không có ưu đãi (phiếu giảm giá, hoàn tiền) khi mua hàng và việc thanh toán có thể vẫn tiếp tục ngay cả khi sản phẩm bị trả lại.

Có nên mua trước trả sau chỉ vì tiện và rẻ?  - 2

Người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng hình thức mua trước trả sau (Ảnh: ShopRaise).

Theo Investopedia, bạn cần đọc kỹ để hiểu các điều khoản trả nợ vì quy định đối với mua trước trả sau tuy không phức tạp như thẻ tín dụng nhưng vẫn có những thay đổi nhất định.

Hiểu cách thanh toán có thể giúp bạn lập kế hoạch để có đủ khả năng thanh toán và thanh toán đúng hạn. Nếu bạn thanh toán chậm, điều này có thể ảnh hưởng đến điểm tín dụng của bạn.

Một vấn đề khác là hãy xem xét các chính sách hoàn trả của cửa hàng và việc các khoản vay để mua trước trả sau có thể ảnh hưởng ra sao đến khả năng trả lại hàng. Ví dụ, người bán có thể cho phép bạn trả hàng đã mua nhưng bạn lại không thể hủy giao dịch mua trước trả sau cho đến khi cung cấp đủ bằng chứng rằng yêu cầu trả hàng đã được chấp nhận và xử lý.

Hơn nữa, do tương đối thuận tiện nên mua trước trả sau có thể khiến người tiêu dùng chi tiêu quá đà, dẫn tới khoản nợ ngày càng lớn hơn. CFPB cảnh báo tình trạng này là mối rủi ro lớn cho người tiêu dùng, đặc biệt là các bạn trẻ.

Theo Tổng hợp