1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cục Thương mại điện tử:

Có hơn 5 triệu cá nhân, tổ chức tham gia bán hàng online

Thanh Thương

(Dân trí) - Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, hiện có khoảng hơn 5 triệu nhà bán hàng trên thương mại điện tử gồm tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, cá nhân.

Chia sẻ tại hội thảo "Kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 17/7, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết đến nay, hệ thống quản lý ghi nhận hơn 50.000 website đăng kí bán hàng thông báo với Bộ Công Thương.

Trong đó, có khoảng 5.669 website có bán thực phẩm, đồ uống (chiếm 11%), 1.423 website kinh doanh các mặt hàng liên quan đến thực phẩm chức năng (3%) và 234 website cung cấp dịch vụ ăn uống, ẩm thực đến người tiêu dùng (chiếm 0,46%).

"Thực tế, con số này chưa là gì so với thị trường thương mại điện tử mà Cục đã ghi nhận. Nếu tính cả tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, cá nhân kinh doanh độc lập thì phải có trên 5 triệu. Riêng các sàn thương mại điện tử, hiện hệ thống ghi nhận có gần 1.000 sàn", bà Hà chia sẻ

Ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường, cũng thừa nhận hoạt động thương mại điện tử đang tăng trưởng chóng mặt. "Đây hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện hành bởi tiện ích đem lại quá lớn. Cửa khẩu đã đi đến cửa nhà của mỗi người", ông khẳng định. 

Có hơn 5 triệu cá nhân, tổ chức tham gia bán hàng online - 1

Bà Hà cho biết Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử rà soát quy trình, biện pháp kiểm duyệt người bán (Ảnh: Báo Công Thương).

Trước sự phát triển mạnh của thương mại điện tử, ông Công khẳng định tình trạng hàng giả, hàng nhái đã diễn ra rất phức tạp. Trên cơ sở đó, Tổng Cục QLTT và cơ quan chức năng đã có những động thái để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp, đặc biệt với sản phẩm thực phẩm.

"Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã kiểm tra trên 6.000 vụ việc và xử phạt khoảng 5.000 vụ việc có hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, từ sữa, bánh kẹo, hoa quả đến bia nhập lậu...", vị này thông tin. 

Lãnh đạo Tổng cục QLTT thừa nhận việc xác minh, kiểm tra vi phạm trên các nền tảng số như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử gặp rất nhiều khó khăn. "Do đó, Tổng cục QLTT đã làm việc với các sàn thương mại điện tử để yêu cầu cung cấp thông tin", ông nói và cho rằng cần áp dụng hóa đơn điện tử từng lần bán với việc kinh doanh trên các nền tảng số.

Chia sẻ thêm bên lề hội thảo, bà Hà cho biết các sản phẩm là thực phẩm đang được kinh doanh chủ yếu trên các nền tảng số như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Hiện, đã có quy định rõ với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. 

"Các chủ sàn thương mại điện tử phải yêu cầu người bán cung cấp các thông tin về giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm khi đăng tải thông tin, đặc biệt với sản phẩm đã sơ chế, tươi sống", vị này cho biết.

Với các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Hà thông tin Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp nhiều đơn vị liên quan để phát hiện, tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng, doanh nghiệp, từ đó yêu cầu với các sàn thương mại điện tử gỡ bỏ thông tin. Trường hợp nằm ngoài xử phạt hành chính sẽ chuyển sang đến cơ quan quản lý hình sự, tùy mức độ vi phạm.

Trong năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã gỡ bỏ 17.234 sản phẩm và chặn 5.576 gian hàng vi phạm. "Bộ Công Thương đang phối hợp để xây dựng và hoàn thiện dữ liệu thương mại điện tử dùng chung để quản lý giao dịch của người bán trên nền tảng số", Trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử cho hay.