Cơ hội và rủi ro gì khi Việt Nam tham gia “Vành đai và con đường” cùng Trung Quốc?
(Dân trí) - “Rủi ro lớn nhất khi tham gia sáng kiến Vành đai và cong đường là vốn. Đây cũng là hình thức vốn ODA, vốn vay. Khi vay thì phải trả, sẽ có rủi ro là không trả được và dẫn tới mất khả năng chi trả, khi đó dẫn tới vỡ nợ, phá sản”.
PGS, TS. Đặng Hoàng Linh - Phó Trưởng khoa Kinh tế, Học viện Ngoại giao - cho biết như vậy tại buổi Tọa đàm Sáng kiến “Vành đai và con đường: Cơ hội mới cho hợp tác Việt - Trung”, do Học viện Ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội tổ chức sáng nay (25/8), tại Hà Nội.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Bà Doãn Hải Hồng - Đại biện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội - cho biết, mục tiêu của Vành đai và con đường chủ yếu nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, thương mại ngày càng thông thoáng và giao lưu nhân dân ngày càng sôi động. Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện của Trung Quốc, Vành đai và con đường sẽ đưa ra các cơ hội hợp tác thật mới cho hai nước Trung - Việt.
“Tôi muốn nhấn mạnh Vành đai và con đường không phải là việc các bạn tiếp nhận quy hoạch của chúng tôi, cũng không phải là việc chúng tôi tiếp nhận quy hoạch của các bạn mà là chúng ta cùng nhau tìm ra những điểm tương đồng và hợp tác để cùng đưa ra quy hoạch hợp tác chung” - bà Hồng nói.
Đánh giá về cơ hội của Việt Nam, TS. Phạm Sỹ Thành - Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội – cho rằng, sự chủ động tham gia sáng kiến Vành đai và con đường của Việt Nam rõ ràng vì Việt Nam nhìn thấy những lợi thế mà sáng kiến này mang lại.
Theo TS. Thành, về mặt chiến lược, Việt Nam có thể thúc đẩy hai hành lang kinh tế quan trọng phía Tây và phía Đông. Hai hành lang này nằm trong chiến lược phát triển xuống bán đảo Đông Dương của Trung Quốc, sự trùng hợp gặp nhau về các hành lang kinh tế có thể tạo ra những thuận lợi về mặt chính trị, có sự hợp tác ở cấp độ cao nhất.
“Nhu cầu về cơ sở hạ tầng của Việt Nam rất lớn. Việt Nam cần vốn để đầu tư cho hệ thống đường bộ, đường sắt và hệ thống cảng biển. Bởi vậy, khi có sáng kiến của Trung Quốc, đặc biệt là có thêm các đơn vị tín dụng Trung Quốc thì chúng ta sẽ có thêm một nguồn vốn nữa bên cạnh những nguồn vốn truyền thống của Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới để đầu tư cho hạ tầng, phát triển kinh tế và tạo việc làm” - TS. Thành nói.
Cũng theo TS. Thành, cùng với sáng kiến này của Trung Quốc, sự chuyển dịch của các ngành công nghiệp ở trong nước ra bên ngoài để đối diện với vấn đề dư thừa sản lượng thì Việt Nam hoàn toàn có thể lựa chọn những ngành phù hợp với mình, thí điểm các khu hợp tác với Trung Quốc.
Rủi ro về vốn
PGS, TS. Đặng Hoàng Linh - Phó Trưởng khoa Kinh tế, Học viện Ngoại giao - cho biết, Việt Nam tham gia sáng kiến Vành đai và con đường với mong muốn cơ bản nhất là có nguồn lực để phát triển về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, ông Linh nhấn mạnh, với cơ chế hợp tác kinh tế như thế này thì phải “đặt lên bàn cân”.
“Chúng ta muốn thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, tức là chúng ta muốn tăng trưởng thông qua hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực kinh tế chứ không muốn tăng trưởng qua cách nâng cao tổng đầu vào của các nguồn lực kinh tế” - ông Linh nêu rõ.
Theo ông Linh, rủi ro lớn nhất khi tham gia sáng kiến là rủi ro về vốn, đây cũng là hình thức vốn ODA, hình thức vốn vay. Khi vay thì phải trả, sẽ có rủi ro là không trả được và dẫn tới mất khả năng chi trả, khi đó dẫn tới vỡ nợ, phá sản.
“Nguồn lực, nguốn vốn vay rất tốt, nhưng sử dụng như thế nào để không làm ảnh hưởng tới rủi ro trả nợ, rủi ro mất khả năng chi trả là vấn đề đặt ra đối với các nhà quản lý” – ông Linh nhấn mạnh.
Trung Quốc "nới nỏng" quy định môi trường
Phân tích thêm thách thức về vốn khi Việt Nam tham gia vào sáng kiến Vành đai và con đường, TS. Phạm Sỹ Thành lưu ý tới vấn đề nợ công của Việt Nam, bởi nợ công cao hơn sẽ đẩy tài chính vào mức độ rủi ro.
“Các khoản cho vay của Trung Quốc có thể dễ hơn so với các ngân hàng đa phương khác, các định chế tài chính khác, vì thế chúng ta cần hết sức thận trọng, đặc biệt là trong bối cảnh các hoạt động cho vay của Trung Quốc có thể đi kèm nhiều hơn với các hoạt động “lobby”, nhưng lại ít hơn những yêu cầu ngặt nghèo về môi trường và đảm bảo an toàn cho con người” - ông Thành nói.
Cũng theo vị này, sự xuất hiện của lao động Trung Quốc trên diện rộng tại các công trình trọng điểm của Trung Quốc tại Việt Nam cũng là một thách thức trong quản lý, điều này tạo ra sự xung đột về văn hoá với Việt Nam.
“Theo nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, nếu so với các định chế tài chính quốc tế thì những ngân hàng cho vay “sừng sỏ” của Trung Quốc như Ngân hàng xuất nhập khẩu hay Ngân hàng phát triển quốc gia thì các yêu cầu về môi trường chỉ từ 2-6 quy định, trong khi với các định chế tài chính khác như châu Âu và Nhật Bản có tới 9-10 quy định về môi trường. Đặc biệt, những quy định về giám sát vấn đề môi trường trong và sau thi công hay bị bỏ trống” – ông Thành cho hay.
Châu Như Quỳnh