1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cơ hội cho Việt kiều mua nhà tại Việt Nam

(Dân trí) - Ông Ngô Dương Hoàng Thao, một doanh nhân Việt kiều Đan Mạch thành đạt đã quyết định trở về nước để lập nghiệp sau gần 20 năm xa quê hương. Mặc dù có trong tay một khối tài sản không nhỏ, nhưng ông chưa bao giờ có một ngôi nhà đứng tên chính chủ.

Theo ông Thao, sự khó khăn trong việc mua nhà sẽ càng làm nảy sinh thêm vấn đề phức tạp: "Nếu nhờ người Việt Nam đứng tên, thì khi tôi muốn bán nhà, chuyển nhượng tài sản cho bất kỳ ai, lại phải xin ý kiến người đó, mặc dù đây là tiền của tôi."

Hiện mới chỉ có gần 130 Việt kiều sinh sống tại TPHCM được mua nhà. Còn tại Hà Nội, chưa có trường hợp nào được giải quyết. Luật Nhà ở có hiệu lực năm 2006 đã mở rộng thêm đối tượng được sở hữu một căn nhà với điều kiện đơn giản là Việt kiều đã cư trú tại Việt Nam 6 tháng trở lên. Thế nhưng, đã hơn 1 năm rưỡi trôi qua, việc xác định thời hạn cư trú vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể.

Thực tế, cái vướng nhất ở đây chính là Nghị định số 90/2006/NĐ-CP không quy định cụ thể các đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam mà giao cho Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an có văn bản hướng dẫn. Nhưng cho đến nay, 2 bộ này chưa có văn bản hướng dẫn thi hành.

Bộ Xây dựng vừa lập dự thảo nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 90/2006/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Trong dự thảo, Bộ Xây dựng đề nghị mở rộng đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và phân ra 2 trường hợp cụ thể. Trường hợp thứ nhất là người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam có quốc tịch Việt Nam sẽ được sở hữu nhà ở như người Việt Nam ở trong nước, không hạn chế số lượng nhà ở được sở hữu.

Đối với trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người gốc Việt Nam, nếu thuộc các nhóm đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật Nhà ở thì được sở hữu nhà ở như người Việt Nam ở trong nước. Đối tượng không thuộc các nhóm quy định trên sẽ chỉ được sở hữu 1 nhà ở.

Điều 126 của luật nhà ở quy định

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư lâu dài tại Việt Nam, người có công đóng góp với đất nước, nhà hoạt động văn hoá, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước, người được phép về sống ổn định tại Việt Nam và các đối tượng khác do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều này đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ sáu tháng trở lên được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ.

Lan Hương