Cổ đông MB: Ngân hàng hoạt động tốt, sao giá cổ phiếu lại thấp?

(Dân trí) - Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT MB cho hay, HĐQT ngân hàng cũng từng băn khoăn và nhiều lần đặt câu hỏi về việc tại sao giá cổ phiếu của ngân hàng chưa đạt được mức kỳ vọng. HĐQT cũng đã làm việc với nhiều đối tác để tìm câu trả lời cho vấn đề này.

Sáng nay 28/4, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - mã: MBB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016. Chất vấn hội đồng quản trị (HĐQT) MB tại đại hội, một cổ đông thắc mắc: Tại sao ngân hàng hoạt động rất tốt, được đánh giá cao nhưng giá cổ phiếu lại thấp hơn so với ngân hàng khác?

Ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT MB cho hay, HĐQT ngân hàng cũng từng băn khoăn và nhiều lần đặt câu hỏi về việc tại sao giá cổ phiếu của ngân hàng chưa đạt được mức kỳ vọng. HĐQT cũng đã làm việc với nhiều đối tác để tìm câu trả lời cho vấn đề này.

“Các chỉ tiêu hoạt động của ngân hàng đều tốt và chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu thấp là do cung cầu của thị trường. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các chương trình làm thương hiệu, hình ảnh, công bố thông tin tốt hơn, rộng rãi hơn để hấp dẫn nhà đầu tư”, ông Thái chia sẻ.


Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2015 của Ngân hàng MB còn 1,62%.

Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2015 của Ngân hàng MB còn 1,62%.

Báo cáo tại đại hội, ban lãnh đạo MB cho biết: Tổng tài sản của ngân hàng đạt 221.042 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2014 và vượt 2,3% kế hoạch đã đề ra; Huy động vốn đạt 181.751 tỷ đồng, tăng 8,2% so với năm 2014 và đạt 100,4% kế hoạch; Dư nợ cho vay đạt 120.308 tỷ đồng, tăng 19,6% so với năm 2014 và vượt 4,2% kế hoạch; Tỷ lệ nợ xấu cuối năm còn 1,62%.

Tính chung năm 2015, lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn ngân hàng đạt 3.221 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận riêng của MB là 3.151 tỷ đồng, các công ty thành viên đóng góp 161 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong đó, Quản lý quỹ đầu tư MB (MB Capital) đạt lợi nhuận 41,5 tỷ đồng, tăng 34% so với thực hiện năm 2014; Công ty CK MB (MBS) đạt 9,4 tỷ đồng; Quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) 9,8 tỷ đồng; MB Land 48,4 tỷ đồng; Bảo hiểm Quân Đội (MIC) hơn 50 tỷ đồng; VietRemax đạt lợi nhuận gần 1,4 tỷ đồng.

Với kết quả đạt được, HĐQT MB đã đề xuất phương án phân phối lợi nhuận với mức cổ tức dự kiến là 10%, trong đó 5% bằng tiền mặt (đã tạm ứng trong tháng 9/2015) và 5% bằng cổ phiếu (dự kiến chi trả năm 2016). Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến sẽ tăng thêm hơn 815 tỷ đồng.

Ngoài ra, một nội dung khác tại cuộc họp được cổ đông quan tâm, đó là tăng vốn. Theo tờ trình ĐHĐCĐ, năm 2016, MB thông qua phương án phát hành thêm 81,5 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ tăng lên 815 tỷ đồng. Như vậy, sau phát hành, vốn điều lệ của MB sẽ tăng lên 17.127 tỷ đồng. Mục đích của đợt phát hành thêm này là để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 5% (cổ đông có 100 cổ phiếu MBB sẽ nhận thêm 5 cổ phiếu mới).

Tuy nhiên, cổ đông băn khoăn về phương án tăng vốn, nhất là việc tăng vốn quá nhanh khiến tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của MB trong năm 2015 không đạt như kế hoạch đề ra.

Đề cập tới hiệu quả sử dụng vốn của MB thế nào, ông Thái cho biết, hiện ROE của MB đang cao nhất trong hệ thống ngân hàng, nhưng năm 2015, MB tăng vốn điều lệ từ 11.000 tỷ đồng lên 16.000 tỷ đồng, mức tăng tương đương hơn 40%.

“Nguyên nhân chỉ số ROE không đạt như kế hoạch, chủ yếu do mẫu số khi tính ROE tăng quá nhanh, trong khi lượng vốn mới để có thể thu lại hiệu quả đòi hỏi độ trễ nhất định”, ông Thái giải thích.

Cũng tại ĐHĐCĐ, ông Lê Công, Tổng giám đốc MB nhận định, năm 2016, tình hình kinh tế tài chính thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp hơn. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn thiếu chắc chắn. Lạm phát thế giới dự báo tiếp tục ở mức thấp, giá dầu có thể giảm mạnh. Thị trường tài chính quốc tế sẽ có những thay đổi căn bản với việc Mỹ bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Trung Quốc thực thi chính sách đồng Nhân dân tệ yếu để hỗ trợ tăng cường xuất khẩu có ảnh hưởng đến đến tỷ giá tiền đồng.

Về phía trong nước, ông Công cho biết, đây là năm đầu tiên trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, với đặc điểm hội nhập sâu và chịu tác động từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước thực thi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, chủ động, kiểm soát chặt chẽ lạm phát (dưới 5%), hạn chế đôla hoá, vàng hóa trong nền kinh tế. Dư nợ tín dụng tăng từ 18-20%...

Trần Nguyễn

Cổ đông MB: Ngân hàng hoạt động tốt, sao giá cổ phiếu lại thấp? - 2